MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FRT tự tin chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ bứt phá từ năm 2021, chiếm 30% thị phần trong 2-3 năm tới

29-05-2020 - 14:01 PM | Doanh nghiệp

Mới đây do dịch Covid-19 cùng chỉ thị giãn cách xã hội khiến các địa điểm định mở mới Long Châu chưa được cấp phép nên có làm chậm hơn. Dù tình hình đã trở lại bình thường, bà Điệp nói, tuy nhiên thời gian hoà vốn dự kiến của Long Châu tính theo bối cảnh hiện nay sẽ rơi vào năm 2022 (kế hoạch ban đầu có lãi trong năm 2021).

Là một trong những doanh nghiệp đi sau trong xu hướng bán lẻ ICT, FPT Retail (FRT) đã có giai đoạn chiến đấu mạnh mẽ và đứng thứ hai thị trường. Đó là điều đáng ghi nhận, tuy nhiên khi hoàn tất cuộc chơi tại FPT Shop cũng là lúc ngành hàng đi vào giai đoạn bão hoà, và sự thiếu hụt nhân tố gối đầu khiến doanh nghiệp liên tục suy giảm.

Hôm nay, một chiến lược bán lẻ tương tự đang diễn ra tại chuỗi nhà thuốc Long Châu, năm 2020 FRT sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực cho giai đoạn mở rộng quy mô sau khi tìm ra công thức thành công. Song song, rút kinh nghiệm từ bài học cũ, FRT cũng đã có sự chuẩn bị "gối đầu" thông qua các ngành hàng mới từ F.Beauty đến Fado (bán hàng xuyên biên giới), bán vé máy bay, bảo hiểm xe máy…

Một cửa hàng Long Châu trung bình 6 tháng sẽ hoà vốn, chi phí đầu tư từ 400 triệu – 1 tỷ đồng

Chia sẻ sâu hơn với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch FRT cho hay: "Việc mở một chuỗi kinh doanh mới thì chắc chắn phải lỗ trong vài năm, sau đó mới bắt đầu hoà vốn. Riêng ngành bán lẻ thì có một câu chuyện: một ngày số shop mở mới nhỏ hơn số shop đã tồn tại thì cơ hội hoà vốn đang đến, thông thường là như thế.

Trong đó, khi doanh nghiệp quyết định đầu tư mở rộng thì chúng ta đã có một sự tự tin nhất định, tức đã có công thức thành công cho chuỗi. Về sau, khi chúng ta đạt đến một quy mô đủ lớn thì việc đàm phán với nhà cung cấp… sẽ tốt hơn. Cuối cùng về quản trị, tức chi phí chúng ta triển khai cho đội ngũ back-office để hỗ trợ khối kinh doanh sẽ tối ưu hơn. Vì số shop lớn thì doanh thu ghi nhận nhiều, trong khi chi phí cố định cũng ở mức đó thôi, hiệu quả kinh doanh sẽ ngày càng cải thiện".

Hiểu nôm na, lúc bấy giờ dòng tiền sẽ tự quay về dần. Lấy ví dụ từ chuỗi FPT Shop, theo bà Điệp khi bắt đầu có lãi thì các năm sau lợi nhuận tăng rất nhanh. Tương tự cho Long Châu, năm đầu FRT sẽ phải đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu, viết phần mềm công nghệ, đội ngũ call center…

Theo tính toán của người đứng đầu, thông thường một nhà thuốc Long Châu khoảng tầm 6 tháng sẽ hoà vốn, tức sau 6 tháng thì có lợi nhuận. Như vậy, đến giai đoạn số shop mở mới ít hơn số shop hiện hữu, đó cũng là lúc Long Châu sẽ hoà vốn trên quy mô toàn diện. Hiện nay, chi phí đầu tư cho một nhà thuốc Long Châu dao động từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, thực tế còn phụ thuộc vào diện tích cửa hàng, khu vực toạ lạc.

Bà Nguyễn Bạch Điệp: Trong ngành bán lẻ, khi số cửa hàng mở mới nhỏ hơn số cửa hàng đang tồn tại thì cơ hội hoà vốn đang đến - Ảnh 1.

Chi phí đầu tư cho một nhà thuốc Long Châu dao động từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Thời gian hoà vốn tính toán theo bối cảnh hiện nay sẽ rơi sang năm 2022

Dù không thể tiết lộ chi tiết, bà Điệp chia sẻ biên lãi gộp mảng dược tính đến nay đang cao hơn khoảng 3% so với mảng ICT. "Đó chỉ là bước khởi đầu. Sau giai đoạn đầu tư ban đầu, tiếp đến doanh nghiệp sẽ chiến đấu với đối thủ để thu hút khách hàng. Cuối cùng là giai đoạn đàm phán khách hàng để có giá đầu vào tốt hơn, đồng thời tự phát triển được private label sẽ góp phần cải thiện đáng kể biên lãi".

Hiện, Long Châu đã đạt mốc 100 nhà thuốc, Công ty cũng đã chốt được 40 địa điểm để mở cửa hàng trong quý 2/2020. Long Châu đang bán thuốc kê đơn và không kê đơn, thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Kết thúc quý 1/2020, Long Châu đạt doanh số 239 tỷ đồng, tăng 20% so với quý 4/2019, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.

FRT có chiến lược gia tăng độ phủ sóng của nhà thuốc Long Châu ra toàn quốc, chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 2-3 năm tới. Kế hoạch đến năm 2021, chuỗi chính thức bước vào giai đoạn ‘bùng nổ’ khi bắt đầu có lãi năm đầu tiên, số cửa hàng dự tăng lên 420 đơn vị với doanh thu tăng hơn 2 lần lên 4.300 tỷ đồng. Con số năm tiếp theo (2022) lần lượt 6.500 tỷ doanh thu và 86 tỷ lợi nhuận, quy mô đạt 620 cửa hàng.

Mặc dù vậy, mới đây do dịch Covid-19 cùng chỉ thị giãn cách xã hội khiến các địa điểm định mở mới Long Châu chưa được cấp phép nên có làm chậm hơn. Dù tình hình đã trở lại bình thường, bà Điệp nói, tuy nhiên thời gian hoà vốn dự kiến của Long Châu tính theo bối cảnh hiện nay sẽ rơi vào năm 2022 (kế hoạch ban đầu có lãi trong năm 2021).

Bà Nguyễn Bạch Điệp: Trong ngành bán lẻ, khi số cửa hàng mở mới nhỏ hơn số cửa hàng đang tồn tại thì cơ hội hoà vốn đang đến - Ảnh 2.

Thời gian hoà vốn dự kiến của Long Châu tính theo bối cảnh hiện nay sẽ rơi vào năm 2022 (kế hoạch ban đầu có lãi trong năm 2021).

"Chắc chắn chúng ta phải bắt đầu càng sớm càng tốt, để làm gối đầu cho tương lai"

Trở lại với câu chuyện gối đầu, FRT hiện cũng đang thử nghiệm mô hình F.Beauty. Theo bà Điệp: "Nhắc lại khi mở FPT Shop, FRT dồn toàn bộ thời gian làm để tồn tại và vươn lên vị trí 2. Khi chuyển từ FPT Shop sang đầu tư Long Châu, thì mảng ICT bão hoà trong khi Long Châu chưa kịp tạo lợi nhuận gối đầu khiến FRT khó khăn.

Do đó, rút kinh nghiệm, FRT hôm nay phải thử nghiệm trước, tìm công thức thành công mảng mới, song song với việc phát triển Long Châu. Để khi Long Châu bão hoà thì có mảng mới gối đầu".

Hiện, FRT cho hay đang thử nghiệm với tâm thế khá thận trọng. Một phần do dịch Covid-19 nên doanh nghiệp cũng không có cơ hội để đầu tư, nghiên cứu đánh giá nhiều. Nhưng, "Chắc chắn chúng ta phải bắt đầu càng sớm càng tốt, để làm gối đầu cho tương lai", bà Điệp nói.

Bổ sung, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Anh cho hay tài sản lớn của FRT là có 600 cửa hàng với lượt khách trung bình hơn 1 triệu/tháng, chưa kể lượt khách online cũng đạt hơn 20 triệu/tháng. Cùng với đội ngũ 5.000 nhân viên, FRT thấy được cơ hội bán thêm, bán chéo các sản phẩm về dịch vụ khác.

"Ví dụ bán vé máy bay, số lượng hãng mở mới tại Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng của các hãng hiện hữu cho thấy sự tăng trưởng cực kỳ nóng của ngành hàng không. Như vậy, tính nôm na lượng vé máy bay bán ra đạt đến 50 triệu vé/năm. Số vé này được mua bán ở đâu?", ông Việt đặt vấn đề.

Ước tính sẽ có khoảng 20% bán trong khối doanh nghiệp, 10-15% bán qua kênh online (Traveloka, Tiki…). Và một kênh lớn còn lại tiêu thụ khoảng 50-60% thông qua đại lý nhỏ lẻ manh mún. Điều đó cho thấy FRT có cơ hội để cơ cấu lại dư địa thị trường vé máy bay, trong khi Commission thị trường vé máy bay lên đến hàng trăm triệu USD, Phó Tổng FRT nhấn mạnh. Bên cạnh đó, FRT cũng nhận thấy còn nhiều ngành khác hấp dẫn như bảo hiểm xe máy…

Giải đáp cổ đông về dư nợ còn lại của F-Friends và Subsidy, ban lãnh đạo cho biết năm 2019 dư nợ F-Friends còn khoảng hơn 100 tỷ và đã được trích lập gần như đầy đủ. Theo đó, năm 2020 dự phòng thêm khoảng 10-15 tỷ.

Riêng chương trình F-Friends, năm 2020 vẫn tiếp tục kinh doanh nhưng có những hướng đi khác. Năm qua, chương trình F-Friends ngay từ đầu đã sẵn sàng cho nợ xấu, Công ty cũng đã tính khoản nợ này vào giá bán. Nhưng, do lỗi phần mềm khoá máy làm dư nợ tăng bất thường dẫn đến thực tế đi khỏi dự tính.

Sang năm 2020, phần mềm đã được xử lý ổn định hơn. Công ty còn thiết kế lại F-Friends theo hướng kết hợp với nhà trả góp hiện tại để dịch cho vay nợ qua nhà trả góp. Người xử lý nợ xấu lúc này là nhà trả góp, không còn là FRT.

Về chuỗi F.Studio, sản phẩm Apple hiện chiếm 30% doanh thu máy của toàn FRT. Tính chung cả thị trường Việt Nam, FRT chiếm khoảng 35-40% thị phần Apple.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên