Gà bán rẻ như rau, thịt gà nhập khẩu vẫn ùn ùn đổ về
Hiện giá gà lông trắng xuống mức thấp nhất 10 năm qua, giá gà từ mức 26.000-30.000 đồng/kg xuống còn 11.000-13.000 đồng/kg, rẻ như rau. Tuy nhiên, thịt gà nhập khẩu vẫn ồ ạt về, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 142 nghìn tấn thịt gà.
- 20-09-2019Thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ
- 18-09-2019Kỷ lục 10 năm qua, thịt gà rẻ hơn cả rau ngoài chợ
- 20-08-2019Thịt gà, lợn nhập ngoại giá rẻ “đổ bộ” siêu thị Việt
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết, giá gà lông trắng đang giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây. Chưa bao giờ những người chăn nuôi gà công nghiệp lại rơi vào tình cảnh bi đát như vậy. Mỗi kg gà xuất bán, người chăn nuôi lỗ khoảng 10.000 đồng.
Gà lông trắng hiện đang có giá 11.000-13.000 đồng/kg
Theo ông Ngọc, do dịch tả lợn châu Phi, người dân bỏ nuôi lợn chuyển sang nuôi gà khiến nguồn cung trong nước tăng. Ngoài ra, thịt gà nhập khẩu giá rẻ ồ ạt đổ về Việt Nam đã làm gà trong nước rớt giá thê thảm.
Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện giá gà tại tỉnh Đồng Nam đang ở mức 12.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với giá thành.
Theo ông Vinh, thời gian qua sản lượng gà của tỉnh đã tăng 16%, nâng tổng đàn lên mức 23 triệu con. Sản lượng gà tăng nhằm bù đắp lượng thịt lợn bị giảm do dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên người tiêu dùng vẫn thích dùng thịt lợn hơn thịt gà. Thực tế là sản lượng giết mổ lợn vẫn bình thường, tương đương so với lúc trước dịch.
“Người tiêu dùng vẫn thích dùng thịt lợn hơn, thịt gà dùng ít hơn, nhưng cung lại lớn hơn cầu nên đây cũng là một nguyên nhân khiến giá gà giảm mạnh", ông Vinh cho hay.
Trước tình hình trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, hiện nay Sở đang rà soát lại để đánh giá, xem giá gà giảm mạnh còn có nguyên nhân nào khác, liệu có tình trạng "đại gia" nào đó làm giá hay không, bởi phần lớn hiện nay các trang trại phần lớn là nuôi gia công cho các doanh nghiệp lớn.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), mặc dù tổng đàn gia cầm có tăng nhưng nếu so với bình quân đầu người thì vẫn thấp.
Ông cho rằng, có 2 nguyên nhân dẫn đến gà giảm giá là do chu kỳ và ảnh hưởng bởi gà nhập khẩu.
"Gà đến tuổi xuất chuồng nhưng không bán được khiến giá giảm. Nhưng đã là chăn nuôi gia cầm thì có lúc giá lên, có lúc xuống, thậm chí xuống dưới giá thành, chúng ta không thể mong lúc nào giá cũng dương, đó là quy luật và nó theo chu kỳ. Tuy nhiên, về tổng thể thì người chăn nuôi gia cầm vẫn có lãi. Chăn nuôi gia cầm đang có giá tốt, duy chỉ có gà lông trắng giảm sâu", ông Dương cho hay.
Cục trưởng Cục chăn nuôi thừa nhận, đúng là thịt gà nhập khẩu thời gian qua đã làm sức tiêu thụ gia cầm trong nước bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng ta không thể sử dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra chất lượng, thời hạn sử dụng... thịt nhập khẩu. Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm có chất lượng.
Còn liên quan đến giả thiết có doanh nghiệp làm giá, Cục trưởng Cục chăn nuôi nói: "Chúng ta có quyền giả thiết như vậy nhưng theo tôi khó có khả năng đó. Bởi chưa xuất hiện doanh nghiệp mang tính độc quyền. Doanh nghiệp phải nắm trên 30% thị phần mới có khả năng chi phối thị trường, thao túng giá được".
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 142 nghìn tấn thịt gà với trị giá hơn 120 triệu USD (hơn 19.000 đồng/kg).
Việt Nam nhập gà chủ yếu từ Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan... Trong đó, Mỹ là nước xuất khẩu thịt gà lớn nhất vào Việt Nam, với hơn 62.400 tấn, trị giá hơn 48 triệu USD.
Mặc dù giá gà công nghiệp giảm nhưng khảo sát tại các chợ và siêu thị, giá gà vẫn ở mức cao. Tại siêu thị, cánh gà có giá 75.000 đồng/kg, đùi 69.000 đồng/kg... Tại chợ, gà ta vẫn ở mức 110.000-120.000 đồng/kg (gà lông).
VOV