MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 10 triệu con gà quá tuổi vẫn chưa xuất chuồng, Bộ NN&PTNT nói gì?

06-09-2021 - 19:34 PM | Thị trường

Đối với những khu vực kiểm soát dịch bệnh, các tỉnh cần có phương án để doanh nghiệp hoạt động trở lại, cho phép mở cửa đối với các hoạt động ăn uống, dịch vụ. Lúc đó sức tiêu thụ sẽ tăng hơn. Ngoài ra, các địa phương nghiên cứu mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối, tạo điều kiện cho xe chở gia cầm của người dân lưu thông thuận tiện.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đến cuối tháng 8, cả nước có khoảng 26,6 triệu con lợn, khoảng 518 triệu con gia cầm, 6,3 triệu con bò…, Trong đó, đáng chú ý, tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, hiện có khoảng 9,3 triệu con gà công nghiệp đã đến tuổi xuất chuồng, trong đó hơn 4 triệu con đã quá tuổi khối lượng trên 3,8kg (bình thường xuất chuồng 1,8 - 2,5kg) nhưng vẫn chưa tiêu thụ được. Lượng tiêu thụ gà công nghiệp của doanh nghiệp (DN) chỉ đạt 5-10% so với trước. Thậm chí, những doanh nghiệp lớn có mô hình khép kín như CP Việt Nam, Japfa…, tồn đọng đến 90%. Chưa kể số gia cầm trong nông hộ, chưa thể thống kê hết.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, nguyên nhân khiến gia cầm khó tiêu thụ do nhu cầu đang giảm rất mạnh, nhất là khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng, các hoạt động kinh tế đêm. Bên cạnh đó, một số nhà máy giết mổ, chế biến có người mắc COVID-19 phải đóng cửa...dẫn đến việc cung ứng cũng hạn chế.

Theo ông Trọng, hiện nay giá các sản phẩm chăn nuôi đang xuống mức rất thấp. Chẳng hạn, giá gà công nghiệp lông trắng có nơi chỉ còn 6.000 - 10.000 đồng/kg. Còn giá lợn hơi trung bình đang giảm từ 20.000 - 25.000 đồng/kg so với đầu năm, dao động trung bình ở mức 50.000 đồng/kg thấp nhất trong 2 năm gần đây, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.

 Gần 10 triệu con gà quá tuổi vẫn chưa xuất chuồng, Bộ NN&PTNT nói gì?  - Ảnh 1.

Giá gà đang rẻ hơn giá rau khiến người nông dân thua lỗ nặng

Đối với các sản phẩm chăn nuôi, trong nửa đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được gần 200 triệu USD. Tuy nhiên, số lượng này chỉ chiếm giá trị nhỏ trong tổng số nguồn cung chăn nuôi của cả nước. Các sản phẩm đòi hỏi phải có mã định danh, nguồn gốc rõ ràng và phải được kiểm dịch kỹ càng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đang siết chặt các quy định, việc xuất khẩu không đơn giản, thực hiện được trong ngày một, ngày hai.Về việc tháo gỡ đầu ra, ông Trọng cho biết, Bộ NN&PTNT đang khuyến khích các doanh nghiệp tăng công suất giết mổ. Tuy nhiên, quan trọng nhất phải tiêu thụ được.

Ông Trọng cho biết, quan trọng nhất là phải tiêu thụ được trong thị trường nội địa. Việc này phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước.

"Đối với những khu vực kiểm soát dịch bệnh, các tỉnh cũng phải có phương án để doanh nghiệp hoạt động trở lại, cho phép mở cửa đối với các hoạt động ăn uống, dịch vụ. Lúc đó sức tiêu thụ sẽ tăng hơn. Ngoài ra, các địa phương nghiên cứu mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối, vì đây là điểm cốt lõi ảnh hưởng mạnh nhất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi…", ông Trọng nói.

“Ngày hôm qua, tôi cũng nhận được thông tin từ các hộ chăn nuôi phản ánh hai tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình không cho xe tỉnh ngoài vào nên không vận chuyển được gà, lợn. Trong tình hình này, người dân xuất chuồng được lô gia cầm nào cũng đã vất vả lắm rồi. Các địa phương chống dịch là trên hết, nhưng cũng phải tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông”, ông Trọng cho hay.

Theo Minh Thành

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên