MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 11.000 rạp chiếu phim đóng cửa, 60 triệu dân bị cách li, thủ phủ sản xuất ô tô lao đao: Virus corona đang tàn phá nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu ở quy mô chưa từng có

31-01-2020 - 11:23 AM | Tài chính quốc tế

Chiếm 16% GDP toàn cầu, một khi Trung Quốc "hắt hơi", nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ "cảm cúm".

Dự Viên – một khu vườn cổ rộng lớn nằm bên cạnh miếu thành Hoàng ở Thượng Hải, Trung Quốc luôn mở cửa đón khách dịp Tết Nguyên Đán. Năm nay, tất cả các lối đi bộ đều đã được trang hoàng bởi những chiếc đèn lồng màu sắc, ngoài cổng, hàng tá bảo vệ đứng đó để xử lý đám đông khi cần thiết. Nhưng khung cảnh tuyệt đẹp đó thiếu một thứ, đó là: Con người!

Sự lo sợ virus corona đã khiến nhiều người ở nhà. "Chỉ cần bán được vài đơn hàng trong hôm nay với tôi cũng là thành công rồi", theo Li Xinming, quản lý một cửa hàng khăn lụa nằm bên trong khuôn viên vườn. Năm ngoái, Dự Viên đã đón 700.000 lượt khách thăm quan trong tuần nghỉ Tết - mùa cao điểm đối với cả họ và những shop ở đây. Năm nay, Li nói rằng tình hình ảm đạm có thể xóa sạch lợi nhuận trong nhiều tháng tới.

Gần 11.000 rạp chiếu phim đóng cửa, 60 triệu dân bị cách li, thủ phủ sản xuất ô tô lao đao: Virus corona đang tàn phá nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu ở quy mô chưa từng có - Ảnh 1.

Câu hỏi đặt ra cho Trung Quốc, các công ty cũng như nhiều quốc gia trên toàn thế giới bây giờ liên quan tới nền kinh tế của họ. Liệu những khó khăn mà một tiểu thương như anh Li đang phải trải qua có thể lan rộng và trở thành một vấn đề lớn hơn hay không.

Một điểm tham chiếu rõ ràng là cuộc chiến của Trung Quốc chống lại dịch SARS vào năm 2003. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể ở vào thời gian cao điểm bùng phát dịch nhưng đã hồi phục nhanh chóng sau khi dịch được dập tắt. Một vài dịch bệnh gần đây cũng cho thấy rằng các nhà kinh tế không nên quá lo lắng miễn là chúng ta đang có đội ngũ những bác sỹ giỏi làm việc. Cả dịch cúm gia cầm năm 2006 và cúm lợn năm 2009 đều không làm mờ đi triển vọng toàn cầu.

Tuy nhiên, ngay cả những nhà đầu tư có tinh thần thép cũng đang tự hỏi rằng liệu dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona có thể tồi tệ hơn không. Cổ phiếu trên sàn Hong Kong đã giảm hơn 10% sau khi các ca lây nhiễm được báo cáo tăng đều đặn. Trong khi đó, thị trường toàn cầu cũng trải qua những cơn địa chấn nhỏ.

Hiện tại, lo ngại tập trung vào việc Trung Quốc có thể kiểm soát dịch bệnh trong khoảng thời gian bao lâu. Bất kỳ sự phá hủy nào xảy đến với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sẽ gây ra một hậu quả toàn cầu.

Một chuyên gia phân tích viết: "Vấn đề không phải là bệnh dịch mà là phương pháp chữa trị bệnh dịch đó".

Ngân hàng Thế giới ước tính rằng 90% sự phá hủy kinh tế liên quan tới bệnh dịch vì lo sợ của người dân về việc giao tiếp với người khác, khiến các văn phòng và cửa hàng phải đóng cửa. Tại Trung Quốc, điều này còn bị ảnh hưởng hơn nữa khi mà chính phủ đã cách li những khu vực bị ảnh hưởng và giới hạn tiếp xúc giữa các cá nhân trên khắp cả nước. Trong khi các chuyên gia về sức khỏe cộng đồng vẫn còn tranh cãi xem liệu đây có phải là những phương pháp phù hợp hay không thì các chuyên gia kinh tế đã tính toán chi phí thiệt hại là bao nhiêu.

Ảnh hưởng trực tiếp nhất là tới Hồ Bắc. Đầu tiên là Vũ Hán – nơi được xác định lây truyền dịch bệnh. Sau đó là các tỉnh khác, là nhà của khoảng 59 triệu người dân đã bị cách li hoàn toàn. Ngoại trừ xe tải chở thực phẩm và thiết bị y tế rất ít người có thể ra vào thành phố và các ngôi làng. Sự cách li trên phạm vi lớn như vậy là chưa từng có trong lịch sử. Mọi hoạt động kinh tế như rạp chiếu phim rơi vào tình trạng đình trệ. Việc tỉnh Hồ Bắc tạo ra 4,5% GDP cho Trung Quốc sẽ tạo ra lỗ hổng lớn khi nó bị cách li hoàn toàn.

Ngay cả những nhà đầu tư có tinh thần thép cũng đang lo ngại về tác động của dịch corona tới nền kinh tế

Những thành phố khác tại Trung Quốc dù không bị cách li nhưng cuộc sống của họ bị cô lập không khác cách li là mấy. Thay vì tụ tập cùng gia đình và bạn bè, ghé thăm chùa hay đến nhà hàng, tất cả đều nhốt mình trong nhà. Bản thân chính phủ cũng khuyến khích người dân tránh tụ tập nơi đông người.

Việc này cũng sẽ tạo ra lực cản đối với tiêu dùng. Mức độ tàn phá sẽ phụ thuộc vào thời gian ngăn chặn được virus này. Năm ngoái, doanh thu bán lẻ tại Trung Quốc đã đạt 144 tỷ USD trong tuần nghỉ Tết, cao hơn 1/3 so với 1 tuần trung bình. Năm nay, doanh thu chắc chắn sẽ giảm.

Một vài ngành công nghiệp cũng sẽ gặp khó. Giai đoạn nghỉ Tết chiếm 9% doanh thu phòng vé tại Trung Quốc vào năm ngoái. Năm nay, hầu hết trong số 11.000 rạp chiếu phim trong nước đóng cửa. Việc chi tiêu cho du lịch nội địa trong năm ngoái đạt 500 tỷ NDT, khoảng 8% doanh thu cả năm. Năm nay, lo ngại về dịch bệnh khiến mọi người phải hủy toàn bộ các chuyến đi.

Cũng có những lo ngại về việc dịch virus corona có thể ảnh hưởng tới các nhà máy và văn phòng. Nhiều trung tâm kinh tế lớn gồm cả Thượng Hải và Quảng Đông đã kéo dài kỳ nghỉ lễ thêm một tuần, nhiều công ty được thông báo là chờ tới 10/2 mới bắt đầu hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp Trung Quốc thường khởi động lại rất chậm chạp sau kỳ nghỉ Tết dài. Chính vì vậy, việc kéo thêm thời gian nghỉ 1 tuần sẽ khiến mọi việc còn chậm chạp hơn dù một vài công ty như Tencent cho phép nhân viên làm việc ở nhà.

Một điểm khác biệt quan trọng của dịch corona lần này với SARS là tầm quan trọng của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Nếu như năm 2003, Trung Quốc tạo ra 4% GDP toàn cầu thì năm ngoái, con số này là 16%. Việc tiêu dùng chậm lại và sự gián đoạn sản xuất đương nhiên sẽ không chỉ dừng lại ở biên giới của Trung Quốc.

Các quốc gia vốn thường xuyên nhận được lượng chi tiêu lớn từ khách du lịch Trung Quốc cũng đối mặt với thâm hụt lớn. Chính phủ Trung Quốc đã buộc các công ty du lịch ngừng các tour nước ngoài và trong nước cho tới khi dịch bệnh được ngăn chặn. Tại Thái Lan, các nhà chức trách dự kiến số lượng khách Trung Quốc sẽ giảm 2 triệu – 9 triệu người trong năm nay, giảm doanh thu du lịch tới 1,5 tỷ USD. Giá cổ phiếu của các hãng hàng không cũng giảm. Cần phải nhớ rằng, Trung Quốc là thị trường du lịch quốc tế lớn nhất thế giới.

Các công ty đang phụ thuộc vào việc tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu Trung Quốc cũng chịu thiệt lại lớn. Starbucks đã tạm thời đóng cửa hơn một nửa số cửa hàng ở Trung Quốc. Những cửa hàng còn lại còn hoạt động cũng trong trạng thái lo sợ khi đều có biển báo rằng họ chỉ nhận khách có đeo khẩu trang. Doanh thu bán mặt nạ có lẽ là điểm sáng hiếm hoi trong tình trạng hiện nay. Disney đã đóng cửa công viên tại Thượng Hải trong dịp năm mới – một trong những tuần bận rộn nhất trong năm.

Việc đóng cửa các nhà máy có thể dần dần gây ra ảnh hưởng cho nền kinh tế toàn cầu. Vũ Hán bản thân là một trung tâm sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô. Nissan, Honda và GM đều có nhà máy tại đây. Bloomberg thì xếp Vũ Hán đứng thứ 13 trong 2.000 thành phố Trung Quốc có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Một công ty địa phương là Yangtze Optical Fibre and Cable là nhà sản xuất dây mạng cho cả thế giới.

Gần 11.000 rạp chiếu phim đóng cửa, 60 triệu dân bị cách li, thủ phủ sản xuất ô tô lao đao: Virus corona đang tàn phá nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu ở quy mô chưa từng có - Ảnh 2.

Tác động của virus corona tới chứng khoán, lượng khách du lịch và doanh thu các phòng vé trong dịp Tết.

Ngay cả khi các nơi khác ở Trung Quốc tình hình phải tạm dừng công việc bớt nghiêm trọng hơn thì hàng loạt các lĩnh vực vẫn bị ảnh hưởng. Một vài trong số đó có vai trò quan trọng: Gần 80% hoạt chất cho tất cả các loại thuốc tới từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng cung cấp gần 90% hoa nhựa cho toàn thế giới.

Gần đây, nhiều công ty đang phải nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc bởi chiến tranh thương mại với Mỹ. Tình hình virus corona hiện tại như một lời nhắc nhở họ rằng, gạt vấn đề chính trị sang một bên thì việc đa dạng nhà cung cấp là một chiến lược bảo hiểm khôn ngoan.

Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc cũng đang khởi động chậm trong năm con Chuột. Chen Long của Plennum – một công ty tư vấn cho rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm xuống 2% trong quý đầu tiên của năm nay – thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, ông này nói rằng nó sẽ phục hồi mạnh khi đất nước này trở lại bình thường.

Các nhà máy sẽ nỗ lực bù đắp khoảng thời gian mất mát. Chính quyền cũng sẽ tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Rồi hàng dài người sẽ đổ về các cửa hàng và nhà hàng, giúp họ hồi phục doanh thu.

Chỉ có điều, chưa biết rõ là khi nào mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Tại Dự Viên, anh Li đã không thể chờ đợi thêm được nữa. Ngay khi công việc kinh doanh giảm sút, anh đã cho 3 nhân viên ở nhà, và dĩ nhiên không được trả lương. Cái giá mà cả đất nước Trung Quốc đang phải trả đã thấy rõ trong khi đó, số ca chết vì virus corona vẫn tiếp tục tăng lên...

Theo Vân Đàm

Trí thức trẻ

Trở lên trên