Gần 1.500 tỷ đồng dự kiến thu về từ đợt phát hành 120 triệu cổ phiếu, Viglacera sẽ đổ vào đâu?
Theo Viglacera, nguồn vốn từ đợt phát hành 120 triệu cổ phiếu sắp tới sẽ tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm như KCN Yên Phong 314ha, KCN Đồng Văn 4 và một số nhà máy kính, đang đem lại hiệu quả kinh doanh tốt.
Mới đây, Viglacera (VGC) vừa trình ĐHCĐ lấy ý kiến bằng văn bản về việc chào bán rộng rãi ra công chúng 120 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 3.070 tỷ lên 4.270 tỷ. Dự kiến việc chào bán sẽ được thực hiện trong quý 2/2017 sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Giá chào bán dự kiến là 12.200 đồng/CP, thu về khoảng 1.464 tỷ.
Khi được hỏi về kế hoạch sử dụng nguồn vốn, đại diện Viglacera cho biết “ Tổng Công ty tăng vốn ở thời điểm này để thực hiện rất nhiều dự án đầu tư lớn trong năm nay, cũng như nhằm thực hiện chủ trương giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước theo lộ trình”.
“Át chủ bài” vật liệu công nghệ cao và bất động sản
Theo báo cáo tài chính của Viglacera, kể từ khi chuyển sang mô hình CTCP đến nay, hiệu quả kinh doanh trở nên khả quan hơn. Điều này nhờ việc Viglacera đầu tư mạnh vào 2 lĩnh vực chính là vật liệu xây dựng công nghệ cao, giá trị lớn như kính LowE, gạch Granite, gạch cotto, ngói…đã cho quả ngọt.
Theo báo cáo tài chính năm 2016 của Viglacera, công ty đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Doanh thu hợp nhất đạt 8.078 tỷ tăng 3,3% đặc biệt là lợi nhuận trước thuế đạt 766 tỷ tăng 46,2% so với 2015. Trong khi, các chi phí như chi phí bán hàng, chi phí quản lý lại không tăng nhiều. Điều này dẫn tới biên lợi nhuận gộp 2016 của Viglacera khá tốt đạt 24,6% tăng 2,6% so với năm ngoái.
Theo đại diện Viglacera, thành quả này đến từ hiệu quả kinh doanh của kính và hạ tầng KCN, do Tổng công ty mở rộng đầu tư trong những năm qua.
Nhiều dự án đáng chú ý được triển khai như nhà máy kính tiết kiệm năng lượng công suất 2,3 triệu m2/năm đã hoạt động từ 7/2016, mở rộng nhà máy Viglacera Thái Bình hoạt động từ đầu 2016, nhà máy gạch cotto công suất 2 triệu m2/năm. Ngoài ra, rất nhiều KCN lớn được khởi công như KCN Yên Phong 314ha, KCN Đồng Văn IV…
Tuy nhiên, vị này cho biết năm 2017-2018 mới là giai đoạn đầu tư mạnh của Tổng Công ty vào BĐS hạ tầng KCN và vật liệu xây dựng công nghệ cao nhằm đón làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vì thế, ở thời điểm này việc phát hành 120 triệu cổ phiếu để huy động vốn đầu tư là rất cần thiết.
Hiện tại, Viglacera đang sở hữu 10 KCN với tổng diện tích 3.402 ha tại các tỉnh như: Bắc Ninh; Hà Nam; Thái Bình; Phú Thọ; Quảng Ninh; Huế; Hưng Yên…Trong đợt phát hành lần này, Viglacera sử dụng vốn cho 02 dự án là KCN Yên phong mở rộng và Đồng Văn IV.
Theo kế hoạch, VGC sẽ dùng 692 tỷ đồng đầu tư vào Dự án KCN Yên Phong mở rộng. Bởi theo Viglacera đây là cơ hội để đón làn sóng đầu tư đến từ của Samsung và các công ty vệ tinh. Vì, Sam Sung đã quyết định đầu tư mở rộng sản xuất tại Khu công nghiệp Yên Phong tỉnh Bắc Ninh thêm 2,5 tỷ USD nâng tổng mức đầu tư lên 6,5 tỷ USD. Sam Sung là khách hàng lớn của Tổng Cty nên sẽ kéo theo nhiều công ty vệ tinh khác, và dự kiến 314ha mở rộng sẽ lấp đầy ngay trong năm 2018.
Khu công nghiệp Đồng Văn IV giai đoạn 1 cũng sẽ được đầu tư 154 tỷ.
Ngoài ra, VGC sẽ dùng 292 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy sứ Viglacera Mỹ Xuân tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, 310 tỷ đồng đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất kính nổi siêu trắng Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Trong mảng vật liệu xây dựng, một số công ty con khác của VGC đang triển khai đầu tư 1 số dự án như nhà máy Mỹ Đức, nhà máy sản xuất gói ở Quảng Ninh, nhà máy sản xuất gạch bán sứ ở Hà Nội…
Theo VGC, nếu tập trung đầu tư vào mảng thế mạnh này của công ty trong 2017-2018 có khả năg sẽ nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng 15-20%/năm, tối đa hoá lợi ích cho nhà đầu tư. Bởi theo kết quả thực tế thì hiệu quả đầu tư vào mảng vật liệu xây dựng cao cấp năm vừa rồi đem lại biên lợi nhuận gộp 20%, riêng công ty kính nổi Viglacera có biên lợi nhuận gộp lên đến 30%.
Do đó, VGC xác định dự án kính siêu trắng Phú Mỹ công suất 600 tấn thủy tinh/ngày là một trong các dự án trọng điểm công nghệ cao của Viglacera trong chiến lược đầu tư giai đoạn 2016 - 2020.
Như vậy, có thể thấy rõ Viglacera đang từng bước thực hiện chiến lược đầu tư giai đoạn 2017 – 2020 tập trung vào các mảng hoạt động chính là và vật liệu xây dựng và bất động sản.
Về bất động sản, sẽ triển khai tiếp các dự án khu công nghiệp đã khởi công, ngoài ra triển khai thêm các dự án đô thị về nhà ở như: Dự án khu đô thị Xuân Phương giai đoạn 3; dự án Thăng Long No1 giai đoạn 2; dự án nhà ở xã hội Kim Chung Đông Anh…
Tăng vốn nhằm giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống 51%
Bên cạnh việc huy động vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm, đợt tăng vốn này của VGC còn nhằm mục đích giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 51%, tiến tới là dưới 51% theo lộ trình vào 2019.
Nhìn lại kết quả hoạt động kinh doanh có thể thấy từ khi chuyển sang mô hình CTCP, VGC hoạt động hiệu quả hơn.
Năng lực tài chính cũng được cải thiện hơn. Số nợ vay giảm đáng kể, rất thấp so với tổng tài sản hơn 13000 tỷ, cụ thể nợ vay ngắn hạn khoảng 1000 tỷ, dài hạn khoảng 975 tỷ, đảm bảo chỉ tiêu nợ/vốn chủ sở hữu dưới 3 lần.
Theo chủ trương của Chính phủ, VGC sẽ phải giảm được tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống 51% trong 2017 và xuống dưới 51% vào 2019. Nếu chào bán thành công 120 triệu cổ phiếu đợt này, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ giảm xuống còn 56,6%.
Việc phát hành 120 triệu cổ phiếu lần này của VGC được xem là “mũi tên chúng hai đích” của VGC. Vừa có được nguồn vốn lớn đầu tư các dự án, vừa đảm bảo theo lộ trình giảm vốn nhà nước.
Theo dự báo của VGC, thông qua kế hoạch sử dụng vốn, năm 2017 dự kiến kinh doanh sẽ tiếp tục có hiệu quả tốt với doanh thu hợp nhất dự kiến là 8.400 tỷ tăng 4% so với năm 2016, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 888 tỷ đồng tăng 16% so với năm 2016. Thu nhập bình quân một cổ phần (EPS) dự kiến là 1.663 đồng, đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức 9-10%. Và có khả năng sẽ tăng trưởng cao trong năm 2019 nhờ việc đầu tư mạnh vào các dự án kể trên, khi những dự án này đi vào hoạt động.
Trí Thức Trẻ