MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 1,7 tỷ vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1/2023, ngành nào được đầu tư nhiều nhất?

Gần 1,7 tỷ vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1/2023, ngành nào được đầu tư nhiều nhất?

Tính đến 20/01/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 1,35 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, vốn đăng ký mới có 153 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (tăng 48,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,2 tỷ USD (tăng hơn 3,1 lần so với cùng kỳ). Vốn điều chỉnh có 89 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 25,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 306,3 triệu USD (giảm 75,9% so với cùng kỳ).

Góp vốn, mua cổ phần có 204 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 174,1 triệu USD (giảm 60,7% so với cùng kỳ).

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 718,72 triệu USD, chiếm 42,64% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 676,29 triệu USD, chiếm hơn 40% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành vận tải kho bãi và xây dựng với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là hơn 82,92 triệu USD và 63,7 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Gần 1,7 tỷ vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1/2023, ngành nào được đầu tư nhiều nhất? - Ảnh 1.

5 ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất trong tháng 1/2023. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,3%) và điều chỉnh vốn (chiếm 61,8%) trong tháng 1/2023.

Theo đối tác đầu tư, đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1 năm 2023. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 813,9 triệu USD, chiếm 48,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 22,3% so với cùng kỳ 2022.

Trung Quốc đứng thứ hai với gần 265,6 triệu USD, chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư, giảm 61,1% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 148,8 triệu USD, chiếm gần 8,8% tổng vốn đầu tư, giảm 69,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Đài Loan, Israel, Hồng Kông,…

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 19%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 20,2%) và GVMCP (chiếm 28,9%) trong tháng 1/2023.

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 32 tỉnh, thành phố trên cả nước trong tháng 1 năm 2023. Bắc Giang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 791,9 triệu USD, chiếm gần 47% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp gần 10,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

TP Hồ Chí Minh xếp thứ hai với 50 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 179 triệu USD, chiếm hơn 10,6% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Đồng Nai, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… trong tháng 1/2023.

Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (32,7%), số lượt dự án điều chỉnh (22,5%) và GVMCP (68,1%) trong tháng 1/2023.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của 2 kỳ nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên Đán, vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN trong tháng 1/2023 giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, vốn đầu tư mới tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký. Với mức tăng 48,5% về số dự án và một số dự án lớn hàng trăm triệu USD được đăng ký mới, tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong tháng 1/2023 đã tăng gấp hơn 3,1 lần so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư điều chỉnh tuy giảm tương đối lớn (75,9%) do không có nhiều dự án điều chỉnh vốn lớn, song số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng 25,4% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng và đưa ra các quyết định mở rộng dự án đầu tư tại Việt Nam.

Hơn nữa, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài giảm trong tháng 1/2023. Mặc dù vậy, khu vực ĐTNN vẫn xuất siêu trên 2,9 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 2,8 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu trên 2,4 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 500 triệu USD.

Minh Tiến

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên