Gần 200 triệu đồng trong thẻ ATM bỗng dưng biến mất?
Gần 200 triệu đồng trong hai thẻ ATM của vợ chồng anh N.S.T. bỗng dưng “bốc hơi” và chỉ bị phát hiện khi vợ chồng anh T. kiểm tra tiền trong tài khoản vào kỳ lương tháng 7-2016.
- 18-07-2016Nhiều cây ATM tại Hà Nội "quên" nâng hạn mức rút tiền ngoại mạng
- 16-07-2016Nhiều ATM chưa nâng hạn mức rút tiền
- 09-07-2016Hàng trăm công nhân lo vì thẻ ATM bị trừ tiền
Trong phản ảnh gửi đến chúng tôi, anh T. cho biết bản thân sử dụng thẻ của DongA Bank để nhận lương (số dư 74 triệu đồng), trong khi vợ anh nhận lương qua thẻ của HDBank (số dư hơn 120 triệu đồng).
Do không đăng ký dịch vụ thông báo qua tin nhắn, đến kỳ nhận lương hằng tháng vợ chồng anh mới đem thẻ đến trụ ATM kiểm tra sau đó đem về cất vào tủ khóa lại. Trong kỳ trả lương tháng 7, vợ chồng anh ra ATM kiểm tra mới tá hỏa phát hiện cả hai thẻ đều có số dư bằng 0.
“Chúng tôi hết sức bất ngờ vì mình không hề rút tiền mà sao gần 200 triệu đồng trong tài khoản lại bốc hơi. Chưa kể hạn mức rút tiền trong thẻ tối đa mỗi ngày chỉ được 20 triệu, nghĩa là để rút được số tiền trên phải thực hiện ròng rã trong nhiều ngày” - anh T. bức xúc.
Theo anh T., sự việc đã được vợ chồng anh khiếu nại ngân hàng (NH), nhưng NH cho biết “sẽ rà soát trước khi có trả lời chính thức”.
Theo các chuyên gia, để an toàn trong việc sử dụng thẻ, chủ thẻ nên sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn để kịp thời phát hiện nếu thẻ bị lợi dụng - Ảnh: T.T.D.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện DongA Bank cho biết sau khi tiếp nhận khiếu nại từ khách hàng N.S.T. về việc không thực hiện giao dịch nhưng tài khoản thẻ bị rút 74 triệu đồng (ngày 22-7), NH này đã cho rà soát và thấy tài khoản của anh T. có phát sinh chín giao dịch rút tiền trên ATM với tổng số tiền là 74 triệu đồng trong các ngày 14, 16, 17 và 18-7-2016.
Nhận thấy có dấu hiệu của sự gian lận thẻ, NH này đang củng cố toàn bộ hồ sơ để chuyển cho cơ quan điều tra xử lý.
Trong khi đó, đại diện HDBank cho biết qua kiểm tra thông tin giao dịch cho thấy từ tháng 2-2014 đến tháng 7-2016 các khoản tiền chuyển vào tài khoản của chị N.T.T. (vợ anh N.S.T.) đều liên quan đến việc chi lương, ngoại trừ hai giao dịch chuyển khoản số tiền 50 triệu đồng và 51 triệu đồng được thực hiện cuối năm 2015 và đầu năm 2016.
Từ tháng 2-2014 đến tháng 5-2016, hằng tháng chị N.T.T. đều có giao dịch. Tuy nhiên, từ tháng 6-2016 khách hàng không thực hiện bất cứ giao dịch nào cho đến ngày 14-7-2016 thì bắt đầu xảy ra các giao dịch gian lận.
“NH nhận định thông tin thẻ của khách hàng đã bị đánh cắp nhưng đến nay NH chưa thể nhận diện chính xác người thực hiện giao dịch. Hiện NH đã báo cáo sự việc cho cơ quan công an và liên hệ các NH liên quan đến lịch sử giao dịch của khách hàng để xin cung cấp camera của các giao dịch không phải bị đánh cắp để kiểm tra thêm, từ đó phân tích khả năng thẻ bị đánh cắp thông tin ở đâu và vào thời điểm nào” - vị này cho biết.
Nên đăng ký dịch vụ thông báo số dư
Thông tin từ các NH cho biết đã có nhiều trường hợp phản ảnh bị mất tiền trong thẻ. Tuy nhiên, nếu sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn, ngay những giao dịch đầu tiên đã biết và sẽ hạn chế được rủi ro mất số tiền lớn như trường hợp này.
Theo các chuyên gia, để an toàn trong việc sử dụng thẻ, chủ thẻ nên sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn đối với tài khoản tiền gửi và thẻ tín dụng. Khi giao dịch tại trụ ATM cần dùng tay che số PIN khi nhập trên bàn phím, nhìn kỹ bên trong miếng che bàn phím để phát hiện có thiết bị lạ nào được gắn bên trong hay không.
Ngoài ra, cần đọc các cảnh báo của NH tại trụ ATM để cảnh giác khi giao dịch và thỉnh thoảng nên đổi mã PIN. Trường hợp nghi ngờ thẻ bị lộ thông tin sau khi giao dịch nên đề nghị NH đổi thẻ ngay.
Tuổi trẻ