MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 70% nhà đầu tư ngoại tin doanh nghiệp nhà nước có nhiều đặc quyền, đặc lợi

Có tới 68% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tin rằng các doanh nghiệp nhà nước có nhiều đặc quyền và đặc lợi hơn.

Đó là kết quả thống kê trong công bố mới đây của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện dưa trên việc khảo sát các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam.


Câu hỏi được đưa ra khảo sát: “Bạn có đồng ý với nhận định sau không “Chính quyền tỉnh ưu đãi cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước trong các hợp đồng với cơ quan nhà nước” 1) Hoàn toàn đồng ý; 2) Đồng ý; 3) Không đồng ý; 4) Hoàn toàn không đồng ý.

Câu hỏi được đưa ra khảo sát: “Bạn có đồng ý với nhận định sau không “Chính quyền tỉnh ưu đãi cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước trong các hợp đồng với cơ quan nhà nước” 1) Hoàn toàn đồng ý; 2) Đồng ý; 3) Không đồng ý; 4) Hoàn toàn không đồng ý.

Theo thống kê, hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiếm giữ phần lớn vốn cổ phần, và 781 DNNN nắm giữ 100% cổ phần.

Mặc dù số lượng DNNN chỉ là số nhỏ so với tổng số 400.000 doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế nhà nước này lại chiếm tới khoảng 1/3 tổng GDP và tạo ra khoảng 10% việc làm trên cả nước.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng DNNN không có nhiều hiệu quả về kinh tế, nhưng lại được hưởng các đặc quyền tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên, vốn, đất đai và mua sắm công.

Những đặc quyền này được cho là mang tính bóp méo thị trường và lấn át đầu tư tư nhân và nước ngoài có hiệu quả. Theo các nghiên cứu học thuật, các rào cản gia nhập vào các lĩnh vực mà DNNN chiếm ưu thế tại Việt Nam tập trung vào năm yếu tố.

Thứ nhất, một số lĩnh vực bị hạn chế vì lý do an ninh quốc gia. Những lĩnh vực này cần được sự chấp thuận đặc biệt từ Chính phủ mới được cấp giấy phép đầu tư. Mặc dù các địa phương có thể cấp phép đăng ký đầu tư cho các dự án theo thẩm quyền về số vốn nhất định, song các dự án thuộc danh mục hạn chế vẫn cần nhận được sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền ở cấp trung ương và chữ ký của Thủ tướng Chính phủ.

Theo kết quả điều tra, các doanh nghiệp FDI quan ngại rằng DNNN có thể sử dụng các lĩnh vực được bảo hộ này để lấn sân sang các lĩnh vực khác.

Thứ hai, nhiều DNNN hoạt động trong các ngành quy mô vốn lớn mà doanh nghiệp dân doanh hiện không có đủ quy mô hoặc tiếp cận nguồn vốn cần thiết để cạnh tranh.

Một số dịch vụ công cộng, đóng tàu, thép và sản xuất xi măng đã chính thức mở cửa nhưng thực tế có rất ít doanh nghiệp tư nhân hoặc nước ngoài hoạt động.

Thứ ba, thực tế đã chứng minh rằng khả năng tiếp cận tín dụng sẽ lớn hơn khi các doanh nghiệp có mối quan hệ thân hữu với các cơ quan nhà nước. Thậm chí vào năm 2013, sau sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực tư nhân, khoảng 60% các khoản vay của ngân hàng có phần vốn nhà nước là dành cho các DNNN.

Thứ tư, DNNN tiếp cận thị trường dễ dàng hơn doanh nghiệp tư nhân. Điều này đặc biệt đúng đối với mua sắm công. Các cơ quan nhà nước và DNNN muốn làm ăn kinh doanh với các DNNN hơn, điều này khiến cho khối tư nhân chủ yếu đóng vai trò là nhà thầu phụ trong các hợp đồng của DNNN, thay vì là nhà cung cấp chính.

Thứ năm, các nghiên cứu trước đây đã phát hiện thấy đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các doanh nghiệp tư nhân mất thời gian chờ đợi lên tới 200 lần so với các DNNN.

Các vấn đề trên đây chính là những quan ngại của doanh nghiệp FDI về các ưu đãi đối với DNNN trong nền kinh tế Việt Nam. Dù đã giảm đáng kể so với năm 2014 và 2015 nhưng vẫn có tới 68% doanh nghiệp FDI tin rằng các DNNN có nhiều đặc quyền và đặc lợi hơn.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa trên 400 DNNN trong năm 2014.

VCCI cho rằng, dù kế hoạch đầy tham vọng này không được hoàn thành đúng hạn, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quyết tâm khắc phục vấn đề này và sẽ tiếp tục kế hoạch.

"Các nỗ lực đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN và giảm bớt những đặc quyền từ các ưu đãi về đất đai và vốn có lẽ phải mất một chặng đường dài nữa mới có thể giải quyết được. Hạn chế DNNN hoạt động ngoài lĩnh vực chuyên ngành của họ, không lấn sân sang các lĩnh vực không mang tính chiến lược sẽ góp phần tăng cường tính cạnh tranh cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam", VCCI nêu quan điểm.

Theo N.Mạnh

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên