Gặp gỡ người phụ nữ hạnh phúc với "hành trình làm mẹ không dễ dàng" có cậu con trai tự kỷ 9 tuổi nói tiếng Anh như gió
Nuôi dạy 1 đứa con tự kỷ cần nhiều thứ để không phải rơi nước mắt: tài chính, bản lĩnh, học hỏi, sự kiên cường... Ấy vậy mà không biết sức lực ở đâu mà bà mẹ ấy còn lập hẳn 1 dự án đầy tính "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" nhưng thực sự ý nghĩa. Lý do phía sau là gì?
- 06-05-2021Chuyên gia giáo dục lý giải: Tại sao có trẻ được bố mẹ "tắm" tiếng Anh 8 tiếng một ngày, đến 3 tuổi con nghe nói thành thạo, nhưng các mẹ khác làm theo thì không thành công?
- 01-05-2021Tác giả "Làm mẹ không áp lực" khuyên phụ huynh lưu ý 3 điều quan trọng để dạy trẻ cách tư duy của người giàu, mẹo tiêu tiền được cha mẹ tâm đắc nhất
- 20-04-2021Chuyện dạy con của các tỷ phú đô la Việt: Cha mẹ là doanh nhân có tiếng, con cái muốn thành công vẫn phải “làm từ nhỏ mà lên”
Từ lâu chị Bạch Thùy Linh (Mẹ của cậu bé Ong, 9 tuổi) đã không còn xa lạ với những bà mẹ có con tự kỷ. Chị là người tiên phong bước ra ánh sáng để kể những câu chuyện về hành trình yêu thương, kiên nhẫn nuôi con tự kỷ với mong muốn những đứa trẻ như con mình nhận được nhiều hơn sự hiểu biết và cảm thông từ cộng động.
Xuất phát điểm từ 1 cô giáo tiếng Anh, sau này là chủ 1 trung tâm tiếng Anh, chị đã dạy con mình nói tiếng Anh như người bản địa từ nhỏ. Từ món quà sinh nhật năm 9 tuổi là 1 bài hát thiếu nhi Việt theo cùng năm tháng bằng 2 thứ tiếng Việt - Anh. Rồi sau đó đưa nó trở thành 1 dự án bài bản với hiệu quả không ngờ tới. Tất cả điều kỳ diệu chị làm cho Ong, cho những em bé tự kỷ, cho những đứa trẻ chưa từng biết mặt đều được xuất phát từ trái tim 1 người mẹ yêu thương và kiên cường...
Từ món quà tặng sinh nhật con trai tự kỷ 9 tuổi đến dự án hát những bài hát thiếu nhi Việt "theo cùng năm tháng" bằng song ngữ Việt - Anh
- Khi thực hiện những bài hát thiếu nhi Việt nổi tiếng bằng song ngữ, chắc hẳn khán giả đầu tiên của chị là Ong? Khi nghe mẹ hát, cậu ấy đã nói gì, có lời góp ý nào với mẹ không?
Khán giả đầu tiên của tôi thật ra không phải là cậu con trai bé nhỏ, chắc tại “bụt chùa nhà không thiêng”. Tuy nhiên khi nhìn thấy mẹ trong clip trên Youtube, cậu rất thích thú và có vẻ tự hào.
- Ong được biết tới là 1 cậu bé có thể nói tiếng Anh hay và linh hoạt như người bản địa, trước đây chị có dùng phương pháp học tiếng Anh qua bài hát cho con mình?
Ong được nghe mẹ hát và nghe các bài hát tiếng Anh từ khi con trong bụng mẹ cho đến khi được sinh ra. Khi con còn nhỏ, tôi dùng âm nhạc để kết nối với con. Mỗi buổi sáng hai mẹ con chào ngày mới bằng một bài hát thiếu nhi, mẹ vừa hát vừa mát xa cho con hoặc cầm tay con đung đưa theo nhạc.
Tôi còn kì công tự tạo cho mình những playlist (danh sách phát) riêng trên Youtube, Zing với những ca khúc thiếu nhi tiếng Việt và tiếng Anh có giai điệu đẹp, ca từ hay, ý nghĩa và bật cho con nghe mỗi ngày, vừa để làm quen với âm nhạc và ngôn ngữ, vừa để xây dựng thẩm mỹ âm nhạc đẹp cho con.
- 1 bài hát gắn với tuổi thơ mọi thế hệ Việt có phần lời bằng tiếng Anh theo chị giá trị lớn nhất là gì?
Ban đầu khi ra mắt ca khúc đầu tiên - “Cho con” vào tháng 12/2020, tôi chỉ coi nó đơn giản như một món quà tặng cho sinh nhật 9 tuổi của cậu con trai, nhưng bất ngờ khi được bạn bè hưởng ứng nhiệt liệt.
Tháng 12/2020, tôi thu âm bài "Cho con" bản song ngữ chỉ coi nó đơn giản như một món quà tặng cho sinh nhật 9 tuổi của cậu con trai, nhưng bất ngờ khi được bạn bè hưởng ứng nhiệt liệt.
Ca khúc thứ hai - “Cánh én tuổi thơ” cũng ra đời chỉ vì sẵn có bản dịch của anh bạn Vũ Thế Chung đó rồi, tôi muốn thu âm để tặng một món quà cho bạn bè nhân dịp Tết đến, xuân về, thế rồi cũng vô tình được quá nhiều người yêu thích.
Điều đó khiến tôi quyết định dấn thêm một bước, là biến thành một dự án dài hơi, đốc thúc cộng sự chuyển ngữ thêm (tới giờ đã tới 11 ca khúc) và lên kế hoạch ra mắt đều đặn.
Khi ra mắt xong 2 ca khúc, tôi nhận được nhiều tin nhắn của các bà mẹ báo tin vui như cả nhà đã cùng học hát và hát karaoke với nhau trên nền beat guitar của tôi, một vài du học sinh nói họ rất vui vì đã có bài để hát trong những buổi giao lưu văn nghệ với bạn bè tới từ các nước khác để giới thiệu về văn hóa Việt, hay những bà mẹ lấy chồng nước ngoài và nuôi con ở nước ngoài, họ rất mừng vì có thêm một phương tiện thú vị để con mình vừa học tiếng Việt vừa được ngấm thêm âm nhạc Việt.
Tôi nghĩ đó là những giá trị mà dự án đang lan tỏa tới cộng đồng.
Nếu cha mẹ bật những ca khúc này lên nghe cùng con mỗi ngày, chắc chắn bọn trẻ sẽ không từ chối và dần dần những giai điệu ấy cũng sẽ trở thành một phần tuổi thơ của chúng.
Chắc chắn những bài hát này sẽ chạm tới trái tim cha mẹ vì đó là cả bầu trời kỷ niệm của họ
- Những bài hát này theo chị đối tượng khán giả sẽ nhiều hơn là người lớn hay trẻ em?
Thực ra khi dạy tiếng Anh và theo dõi học trò từ hơn 10 năm nay, tôi đã thấy trẻ con ngày nay không nghe và hát nhạc thiếu nhi mà “lớn” sớm hơn thời chúng tôi, nên những ca khúc vốn gắn liền với thế hệ chúng tôi thì chắc chắn cũng chạm tới tim những bậc cha mẹ cùng thế hệ trước, vì đó là cả bầu trời kỷ niệm đối với họ.
Tuy nhiên, với phần lời tiếng Anh mới mẻ, những ca khúc đó sẽ chạm tới tim các bạn nhỏ dễ dàng hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng chọn cách phối khí mộc mạc với nhạc cụ acoustic như guitar, với hi vọng mang lại không khí vừa hiện đại, vừa giản dị và dễ phù hợp với nhiều lứa tuổi.
Nếu cha mẹ bật những ca khúc này lên nghe cùng con mỗi ngày, chắc chắn bọn trẻ sẽ không từ chối và dần dần những giai điệu ấy cũng sẽ trở thành một phần tuổi thơ của chúng.
- Là người tự bỏ công sức và bỏ tiền túi ra thực hiện và phát hành ca khúc, con số hiện nay chị đã "tiêu" cho dự án này là bao nhiêu và có thể sẽ tới bao nhiêu?
Sau khi phát hành ca khúc thứ ba, tôi đã tiêu khoảng 15 triệu đồng cho những việc như thuê nhạc sĩ phối khí, thu âm, chụp ảnh, thuê họa sĩ thiết kế video, mua tên miền website… Ba người trong nhóm thực hiện dự án gồm tôi - ca sĩ, điều phối dự án, anh Vũ Thế Chung - dịch giả, chị Đinh Thu Hồng - hiệu đính và đồng dịch giả, đều không nhận thù lao. Với những ca khúc sẽ lên sóng trước mắt, tôi dự tính mỗi ca khúc dù được thực hiện đơn giản nhất, tiết kiệm nhất, cũng tốn từ 3 - 5 triệu đồng.
Tôi đã tiêu khoảng 15 triệu cho thuê nhạc sĩ phối khí, thu âm, chụp ảnh..., mỗi ca khúc tiết kiệm nhất cũng sẽ tốn từ 3-5 triệu đồng.
- Dù mục đích dĩ nhiên là tốt đẹp, nhưng có ai gọi chị là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" theo nghĩa cả tích cực và tiêu cực không khi chi phí cho 1 cậu con trai tự kỷ không hề nhỏ…
Có lẽ do 19 năm qua, kể từ khi tôi bắt đầu vai trò “Chủ tịch CLB những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn” trên mạng hay suốt thời sinh viên làm thủ lĩnh Đoàn - Hội, sau này cũng làm rất nhiều hoạt động thiện nguyện, những người xung quanh tôi đã quá quen với hình ảnh một cô gái - người phụ nữ luôn chân luôn tay với những việc “vác tù và hàng tổng” như vậy, nên không ai ngạc nhiên cả.
Bản thân tôi cũng luôn tâm niệm “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, nên với người khác, tiêu tiền cho một chiếc túi, một đôi giày hàng hiệu là niềm vui, còn với tôi thì có khi làm được một điều gì đó cho cộng đồng lại trở thành đam mê khó bỏ. Tôi nhớ hồi là sinh viên năm nhất, vừa bước vào đại học, tôi nhận được tin một thành viên trong CLB yêu nhạc Trịnh có hoàn cảnh khó khăn, lại qua đời vì đuối nước, và đứng ra tổ chức một đêm nhạc gây quỹ cho gia đình người bạn đó.
Tôi cứ âm thầm chuẩn bị khâu tổ chức suốt mấy tuần, giấu bố mẹ cặm cụi gõ máy tính suốt đêm trên mạng. Đến hôm biểu diễn thì bị bố phát hiện và không cho ra khỏi nhà. Tôi rất sợ vì tưởng bố sẽ giận lắm vì con gái mới vào đại học không lo học hành đã đi làm chuyện bao đồng, nhưng sau một hồi suy nghĩ, bố đã rút tiền ra đưa cho tôi và bảo “Con cầm đi, bố ủng hộ quỹ từ thiện của con”.
Thật may khi tôi được "hưởng ké" sự ngây thơ hồn nhiên từ con mình
- Chị có nghĩ đến 1 ngày liệu kênh youtube bài hát thiếu nhi Việt nổi tiếng bằng song ngữ của mình sẽ có giá trị thương mại không?
Tôi không nghĩ lạc quan vậy đâu, vì giữa một thế giới đang bị quá tải về thông tin và các phương tiện giải trí, thì những ca khúc như này chắc chắn không thể “hot” như các bản nhạc thời thượng mà các em nhỏ đang theo dõi hàng ngày.
Thế giới của một em bé tự kỷ luôn trong veo, nên để bước vào thế giới của con, đồng hành được cùng với con tôi cũng được "hưởng ké" sự ngây thơ, hồn nhiên ấy.
Tôi chỉ mong từ Facebook của mình, từ từ lan tỏa dòng âm nhạc này và tìm được những cha mẹ đồng điệu, rồi mỗi người giúp một tay đưa những bản nhạc bay xa hơn, rồi sẽ có nhiều người cover (hát lại) và tiếp tục đăng lên internet, như vậy là vui lắm rồi.
- “Chỉ có 1 trên đời” là bài hát tiếp theo được ra mắt đúng dịp Ngày của Mẹ năm nay và cũng là bài hát thứ 3 trong dự án hát những bài hát thiếu nhi Việt nổi tiếng bằng song ngữ, khi hát bài hát này cảm xúc của chị như thế nào?
Cũng giống như “Cho con”, một ca khúc về tình cảm gia đình luôn làm cho một người mẹ xúc động. Tôi thu âm ca khúc này mất đúng 30 phút, hát 3 lần và chọn ra lần hát nhiều cảm xúc nhất. Có lẽ tôi không mất nhiều thời gian thu âm như vậy vì tôi đã làm mẹ, lại là mẹ của một em bé đặc biệt cần nhiều tình yêu thương, và khi làm mẹ tôi lại thấm thía được nhiều hơn nỗi vất vả của mẹ mình khi nuôi mình lớn lên.
Khi mẹ sinh tôi ra, tôi chỉ nặng có 1.4kg vì bị sinh non, thiếu tháng, phải nằm lồng kính 3 tháng mới sống sót được. Ngày xưa khi con nhỏ, nghe mẹ kể những câu chuyện như vậy, tôi không có nhiều cảm xúc lắm. Nhưng từ khi làm mẹ, tôi mới thật sự hiểu hồi đó bố mẹ đã vất vả thế nào mới có tôi ngày hôm nay. Khi hát, tôi nghĩ về cậu con trai và mẹ của mình, và cảm xúc cứ thế dâng lên.
- “Và mẹ em chỉ có 1 trên đời”, dù mỗi bà mẹ đều tuyệt vời theo những cách khác nhau, nhưng sứ mệnh của chị được sinh ra để phải làm 1 bà mẹ kiên cường, bản lĩnh hơn người. Cực nhọc cũng nhiều nhưng chị có cảm thấy mình có phần nào may mắn khi Ong tới trong cuộc đời mình?
Tôi luôn nghĩ “Hạnh phúc không nằm ở đích đến mà nằm ở con đường đi”. Hành trình đồng hành cùng Ong đã thay đổi hoàn toàn con người của tôi, đem đến cho tôi những trải nghiệm hạnh phúc hơn bởi mỗi điều con làm được đều không dễ dàng đến mà phải trải qua rất nhiều nỗ lực, cố gắng từ cả mẹ và con và cả nhiều thời gian chờ đợi nữa.
Hành trình đồng hành cùng Ong đã thay đổi hoàn toàn con người của tôi.
Ngoài ra, thế giới của một em bé tự kỷ luôn trong veo, nên để bước vào thế giới của con, đồng hành được cùng với con, tôi cũng được “hưởng ké” sự ngây thơ, hồn nhiên ấy mỗi ngày, thứ không dễ gì có được trong cuộc sống phức tạp của người lớn.
Trí thức trẻ