Gặp tai nạn nguy kịch, nhưng chính biến cố lại giúp người đàn ông này kiếm được 16 tỷ USD và trở thành banker giàu nhất thế giới
Khi đã 61 tuổi, Uday Kotak sở hữu khối tài sản ước tính có giá trị khoảng 16 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
- 15-12-2020Công ty được mệnh danh là "LVMH Trung Quốc" vỡ nợ, rủi ro bao trùm thị trường tài chính
- 14-12-2020Không chỉ ở Trung Quốc, làn sóng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lan rộng trên toàn cầu
- 01-12-2020Tiếp tục xuất hiện một doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ hàng tỷ USD, ngành ngân hàng Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị 'càn quét'
Nếu không gặp tai nạn nguy kịch trong 1 buổi chơi cricket (bóng gậy). thì ông Uday Kotak có lẽ sẽ không phải là một chủ ngân hàng giàu nhất thế giới. Năm 20 tuổi, không may bị bóng va vào đầu, ông đã phải phẫu thuật khẩn cấp và ước mơ trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp cũng tan vỡ kể từ đó.
Sau 1 thời gian ngắn làm việc tại công ty kinh doanh bông vải của gia đình, ông tiếp theo học khóa MBA tại Viện Nhiên cứu Quản lý Jamnalal Bajaj danh tiếng ở Mumbai. Sau đó, ông chính thức bước chân vào lĩnh vực tài chính ở tuổi 26, vào năm 1985. Giờ đây, khi đã 61 tuổi, Kotak sở hữu khối tài sản ước tính có giá trị khoảng 16 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Trong khi Ấn Độ đang chật vật trước cuộc khủng hoảng tín dụng đen, ngân hàng Kotak Mahindra của ông lại có thể vượt qua những khó khăn đó. Ngân hàng này nhận được lòng tin của nhà đầu tư bằng cách bắt đầu thắt chặt hoạt động cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro hơn vào 2 năm trước và duy trì hoạt động quản trị hiệu quả.
Khi đại dịch Covid-19 khiến những tai ương của ngành trở nên tồi tệ hơn, ảnh hưởng lớn đến khả năng trả nợ của các bên đi vay, Kotak Mahindra là một trong những công ty đầu tiên huy động vốn để củng cố sự ổn định của bảng cân đối kế toán, hỗ trợ niềm tin của nhà đầu tư rằng họ sẽ là 1 trong những người giành chiến thắng khi quốc gia này trỗi dậy sau sự suy thoái do Covid-19 gây ra.
Theo đó, chiến lược này đã mang lại cho Mahindra "trái ngọt". Khi các nhà cho vay trên toàn cầu đang phải chật vật, cổ phiếu ngân hàng này vẫn tăng 17% từ đầu năm đến nay. Đây là mức tăng mạnh nhất so với bất kỳ công ty Ấn Độ nào trong ngành. Ngoài ra, Kotak cũng vừa được gia hạn nhiệm kỳ CEO thêm 3 năm.
Anand Mahindra – chủ tịch của Mahindra Group tại Mumbai, người đã làm việc với Kotak từ năm 1986, chia sẻ: "Theo tôi, việc trở thành 1 banker giàu nhất thế giới chỉ là một yếu tố thể hiện rằng Kotak là một trong những banker thông minh nhất thế giới. Quan trọng hơn, ông ấy hiểu rằng điều tạo nên 1 ngân hàng bền vững và lâu dài không chỉ là các chiến lược khôn ngoan mà còn là hoạt động quản trị cực kỳ hợp lý."
Kotak Mahindra là công ty nổi bật ở 1 quốc gia – nơi những nhà cho vay có tỷ lệ nợ xấu cao nhất thế giới. Rắc rối đối với họ bắt đầu diễn ra vào năm 2015, khi các nhà quản lý của Ấn Độ bắt đầu thực hiện chiến dịch kiểm toán trên quy mô lớn, nhằm tìm ra những khoản vay tiềm ẩn rủi ro. Động thái này đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng của ngành tín dụng đen, kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế và ảnh hưởng sâu rộng đến chất lượng tài sản, cũng như lợi nhuận.
Dẫu vậy, Kotak Mahindra vẫn có thể thích ứng trong bối cảnh đầy rẫy rủi ro như vậy. Ngân hàng này thắt chặt điều kiện cho vay đối với các công ty vừa và nhỏ, cùng các cá nhân không có tài sản thế chấp. Trong 3 năm vừa qua, cổ phiếu của Mahindra tăng hơn 24%.
Trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên vào năm 2020, ngân hàng này vẫn đứng thứ 2 trong các công ty cùng ngành với tỷ lệ an toàn vốn cao nhất. Ngoài ra, nhà cho vay lớn thứ 2 Ấn Độ (tính theo vốn hóa) bất ngờ ghi nhận lợi nhuận tăng 27% trong quý kết thúc ngày 30/9.
Tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng tại Ấn Độ tính đến 30/9.
Tháng trước, công ty này còn nhận được một yếu tố thúc đẩy khác, khi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đề xuất tăng giới hạn quyền sở hữu cho các nhà sáng lập. Đây là một bước đi sẽ giảm rủi ro Kotak buộc phải pha loãng 26% cổ phần trong Mahindra như yêu cầu trước đó của RBI.
Kotak thành lập 1 công ty đầu tư vào năm 1985, nhờ khoản vay 3 triệu rupee (41.000 USD) từ gia đình, bạn bè. 3 năm sau đó, mối quan hệ hợp tác với Mahindra được thành lập. Công ty của ông ban đầu kinh doanh hối phiếu chiết khấu, sau đó mở rộng sang mảng cho vay, tham gia vào hoạt động môi giới chứng khoán, ngân hàng đầu tư, bảo hiểm và quỹ tương hỗ. Kotak Mahindra chính thức trở thành nhà cho vay vào năm 2003, sau khi được RBI chấp thuận.
Năm 2006, sau khi Kotak Mahindra chấm dứt mối quan hệ đối tác kéo dài hơn 1 thập kỷ với Goldman Sachs và giành được nhiều quyền kiểm soát hơn, Kotak chính thức trở thành CEO của ngân hàng này. Theo Deepak Jasani – trưởng bộ phận nghiên cứu bán lẻ tại HDFC Securities, sự nghiệp của Kotak thăng hoa nhờ duy trì các hoạt động bảo lãnh phát hành và tránh cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro, thay vào đó tập trung mở rộng các khoản vay có tài sản đảm bảo.
Trong khi RBI vừa phê duyệt việc gia hạn nhiệm kỳ CEO của Kotak, nhà đầu tư đang bắt đầu đặt ra câu hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra sau khi ông chuyển giao quyền lực. Không như nhiều doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình tại Ấn Độ, Kotak đã tránh việc đưa các thành viên gia đình vào hội đồng quản trị của công ty hoặc các vị trí điều hành cao nhất. Điều này đã giúp duy trì niềm tin của nhà đầu tư và những người gửi tiền ở 1 quốc gia nơi thiếu đi sự minh bạch.
Ananth Narayan – cựu banker và hiện là phó giáo sư tài chính tại Viện Nghiên cứu và Quản lý S.P. Jain, cho biết: "Có rất nhiều người tài trong công ty, nhưng nói một cách thẳng thắn, họ đều bị Kotak làm lu mờ. Bất kỳ ai bước đến vị trí đó đều gặp khó khăn, bởi bản thân Kotak chính là 1 tổ chức."
Giờ đây, Kotak vẫn có quyền lực rất lớn. Công ty này đang tìm cách tiếp quản đối thủ nhỏ hơn là IndusInd Bank. Đây sẽ là một động thái củng cố vị trí của ngân hàng Kotak Mahindra là 1 trong những nhà cho vay tư nhân hàng đầu Ấn Độ và giúp tài sản của họ tăng lên hơn 80%.
Tham khảo Bloomberg