Gây thiệt hại 190 tỷ đồng, 3 cán bộ ngân hàng chuẩn bị hầu tòa
Dây chuyền sản xuất đá tấm có giá trị đương 107,9 tỷ đồng, tuy nhiên, quá trình giải quyết cho vay, do không thực hiện đúng quy trình, Phong (nguyên giám đốc chi nhánh NH) và các cấp dưới đã bị Châu “qua mặt”, nâng khống tài sản lên 165 tỷ đồng và dùng nó để thế chấp, gây thiệt hại cho ngân hàng.
- 28-02-2018Trách nhiệm ngân hàng ra sao khi cán bộ ngân hàng lừa dối khách gửi tiền?
- 06-02-2018Truy tố cựu cán bộ ngân hàng VIB chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng
- 01-02-2018Xử lý cán bộ ngân hàng trục lợi đổi tiền mới, tiền lẻ
Theo lịch xét xử, ngày 23-3, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ đưa ra xét xử vụ án “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại chi nhánh một ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh.
Vụ án có 3 cán bộ ngân hàng bị đưa ra xét xử gồm Trần Văn Phong (61 tuổi, nguyên giám đốc), Nguyễn Thị Thắng (41 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh) và Trần Thị Khánh Ngọc (38 tuổi, nguyên cán bộ tín dụng của ngân hàng này).
Theo cáo trạng, năm 2005, Trần Thị Minh Châu (46 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh; đang bị truy nã) thành lập Công ty TNHH May Thiên Kim, trụ sở đặt tại huyện Hóc Môn do Châu đứng tên làm giám đốc.
Đến năm 2008, Công ty May Thiên Kim góp vốn với Công ty Techni Global Ltd (Hoa Kỳ) thành lập Công ty TNHH Đá Tấm xây dựng cao cấp có địa chỉ tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Châu làm giám đốc.
Từ ngày 26-2-2009 đến ngày 8-6-2010, Châu đại diện Công ty Đá Tấm ký 5 hợp đồng tín dụng vay vốn của chi nhánh một ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh, tổng cộng 264 tỷ đồng. Để vay được tiền, Châu có hành vi gian dối, sử dụng giấy tờ giả chứng minh tài sản là Quyền sử dụng đất 10ha đất thuê lại của công ty Idico, nâng khống giá trị nhà xưởng và giá trị dây chuyền sản xuất đá tấm xây dựng cao cấp. Sau khi được giải ngân, Châu dùng số tiền vay để trả nợ gốc và lãi của các khoản vay trước đó, trả tiền xây dựng nhà xưởng, trả nợ cho một số đối tượng ngoài xã hội và chi tiêu cá nhân.
Liên quan đến hành vi lừa đảo của Châu, qua điều tra xác định, quá trình lập hồ sơ thẩm định và duyệt giải ngân cho công ty Đá Tấm vay vốn, Trần Văn Phong, Nguyễn Thị Thắng, Trần Thị Kháng Ngọc đã không thực hiện các quy định của ngân hàng nhà nước.
Tại hợp đồng tín dụng ngày 26-2-2009 vay 40 tỷ, khi ký hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo là Quyền sở hữu công trình xây dựng nhà xưởng của Công ty Đá Tấm tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Xuân B1 (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và giá trị quyền sử dụng 10ha đất thuê của Công ty May Thiên Kim cũng tại KCN Mỹ Xuân, cả ba đã không thực hiện thẩm tra tài sản đảm bảo, không thẩm định giá trị thực của tài sản đảm bảo.
Từ sai sót trên, cả ba đã tạo điều kiện cho Châu sử dụng các giấy tờ giả nâng khống giá trị tài sản dẫn đến cho vay vượt quá giá trị tài sản đảm bảo, gây thiệt hại cho ngân hàng. Đối với Giá trị quyền sử dụng 10ha đất thuê tại KCN Mỹ Xuân B1, Phong, Thắng, Ngọc đã không thẩm tra tài sản đảm bảo nên không biết Châu chưa trả hết tiền thuê đất cho Công ty Idico. Cả ba chấp nhận việc Công ty Thiên Kim góp vốn 10ha đất thuê cho Công ty Đá Tấm trong khi hồ sơ không có tài liệu gì thể hiện việc tách thửa, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định.
Đối với hợp đồng tín dụng ngày 14-4-2009, hạn mức vay 160 tỷ đồng, thời hạn vay 104 tháng; hợp đồng tín dụng ngày 17-6-2009 vay 17 tỷ đồng, thời hạn vay 1 tháng; hợp đồng ngày 5-8-2009 vay 17 tỷ, thời hạn vay 45 ngày, đều có chung tài sản đảm bảo là Quyền sở hữu công trình xây dựng nhà xưởng số 1 và số 2, Quyền sở hữu dây chuyền sản xuất đá tấm xây dựng cao cấp của Công ty Đá Tấm và Giá trị quyền sử dụng 10ha đất thuê tại KCN Mỹ Xuân B1.
Khi ký hợp đồng thế chấp tài sản là Quyền sở hữu công trình nhà xưởng số 1, số 2, cả ba không thẩm tra tài sản đảm bảo, không thẩm định giá trị thực của tài sản đảm bảo, không tham khảo giá theo quy định của nhà nước, tạo điều kiện cho Châu sử dụng các giấy tờ giả nâng khống giá trị tài sản, dẫn đến cho vay vượt quá giá trị tài sản đảm bảo, gây thiệt hại cho ngân hàng.
Đối với hợp đồng tín dụng ngày 8-6-2010, hạn mức vay 30 tỷ, thời hạn vay 12 tháng, tài sản đảm bảo cho khoản vay này là 4 tài sản đã được thế chấp trong 3 hợp đồng tín dụng nêu trên; hai bên ký phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản nhưng không xác định cụ thể số tiền cho vay theo từng tài sản. Do vậy, tài sản đảm bảo là nhà xưởng số 1 và số 2 nêu trên đã được dùng để đảm bảo các khoản vay khác và đã hết.
Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, dây chuyền sản xuất đá tấm có giá trị 4.350 ngàn EUR (tương đương 107,9 tỷ đồng). Tuy nhiên, quá trình giải quyết cho vay, do không thực hiện đúng quy trình, Phong và các cấp dưới đã bị Châu “qua mặt”, nâng khống tài sản lên 165 tỷ đồng và dùng nó để thế chấp cho hai khoản vay 75 tỷ đồng và 29,7 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân hàng.
Từ việc làm thiếu trách nhiệm trên của Trần Văn Phong, Nguyễn Thị Thắng và Trần Thị Khánh Ngọc, đến nay Công ty Đá Tấm vẫn còn 2 hợp đồng dư nợ, gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền 190 tỷ đồng tiền gốc (chưa tính lãi vay).
Công an nhân dân