GDP bình quân từng xếp thứ 160/195, Việt Nam đang dần trở thành con hổ mới của châu Á như thế nào?
Ngân hàng Thế giới mô tả Việt Nam là một trong những quốc gia mới nổi và năng động nhất trong toàn bộ khu vực Đông Á. Cùng với đó, Business Times cũng có nhận định rằng, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu "con hổ mới của châu Á".
- 16-05-2022Giá xăng tăng, chi tiêu thêm gánh nặng
- 16-05-2022Lương hưu của nhiều người vì sao thấp?
- 16-05-2022Bù lỗ để chinh phục "sân nhà"
Hiện nay, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) được gọi là bốn con hổ châu Á trong phát triển kinh tế. Việt Nam đang có những dấu hiệu tương tự khi nhìn vào quá trình trở thành con hổ châu Á của các nước này.
Theo Bloomberg, từ năm 1960 đến năm 1990, tăng trưởng trung bình của bốn con hổ châu Á đạt khoảng 6%/năm, duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững lâu dài. Tốc độ tăng trưởng này kéo dài là cơ sở để mỗi nền kinh tế phát triển thành các nền kinh tế công nghiệp hóa và trở thành các khu vực phát triển toàn diện.
Kể từ năm 1986 đến nay, tăng trưởng của Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Giai đoạn 1986 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,55%/năm.
Năm 2020 - 2021, bất chấp đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương trong khi nhiều quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm. Cụ thể, năm 2020 và 2021, tăng trưởng của Việt Nam lần lượt đạt 2,9%, 2,58%.
Không chỉ có tăng trưởng kinh tế nổi bật, Việt Nam còn thành công trong việc cải thiện GDP bình quân đầu người. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một quốc gia thành công trong việc cải cách kinh tế.
Từ năm 2002 - 2021, GDP bình quân đầu người từng xếp thứ 160/195 (547 USD năm 2002), tăng 3,7 lần đạt gần 3.743 USD. Cùng với đó, tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 32% năm 2011 xuống còn dưới 2,23% vào năm 2021.
Dựa trên nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch của Việt Nam, tạp chí Business Times từng khẳng định, nhờ tốc độ phục hồi mạnh mẽ sau tác động của đại dịch Covid-19 và tăng tốc trong năm 2022, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu "con hổ mới của châu Á".
Đặc biệt, Business Times nhận định Việt Nam đang dần trở thành con hổ mới của châu Á nhờ sự bùng nổ của tầng lớp giàu có. Mọi thứ, từ khách sạn dát vàng, đến những căn hộ sang trọng hay những chiếc xe thể thao hào nhoáng, điều thể hiện sự gia tăng của giới siêu giàu ở Việt Nam đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Khi kinh tế Việt Nam mới phát triển, người ta chuyển từ xe đạp sang đi xe máy. Và những năm gần đây, ô tô đang xuất hiện nhiều hơn trên đường phố Việt Nam. Việt Nam thậm chí đã bắt đầu tự sản xuất xe hơi với thương hiệu VinFast, một công ty con của tập đoàn lớn nhất đất nước Vingroup.
Việt Nam đang tài trợ cho khởi nghiệp ngày càng nhiều. Việt Nam từ lâu đã được biết đến là trung tâm gia công phần mềm của Đông Nam Á, nơi mà lao động trình độ cao và tiền lương đang là điểm hấp dẫn để các công ty công nghệ sử dụng làm nền tảng cho sự phát triển.
Đặc biệt, sự bùng nổ của năng lượng tái tạo cũng là một nhân tố giúp Việt Nam phát triển trên con đường trở thành con hổ mới của châu Á. Việt Nam là quốc gia có công suất điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á với 16,6 gigawatt vào năm 2020.
Hiện nay, chính sách ưu đãi của Chính phủ là động lực chính của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo này, với biểu giá FIT đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
Bên cạnh dấu hiệu về tăng trưởng, bốn con hổ châu Á còn thể hiện rõ quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng trong phát triển kinh tế. Theo Investopedia, công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu là yếu tố ban đầu dẫn đến thành công về kinh tế của bốn con hổ châu Á.
Quá trình công nghiệp hóa diễn ra sau khi bốn nền kinh tế đầu tư rất nhiều vào việc nâng cao năng suất lao động. Từ đó, các nền kinh tế này góp phần xóa đói giảm nghèo và đặt nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng.
Hiện nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP) ở mức khá cao, thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao. Năm 2018, Việt Nam xếp vị trí thứ 44 trên thế giới theo đánh giá của UNIDO.
Công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp khoảng 30% GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước. Đặc biệt, công nghiệp còn góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ 22 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2018.
Một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo định hướng chiến lược với sự dẫn dắt của một số doanh nghiệp công nghiệp lớn đó là điện tử, dệt may, da giày,…
Cùng với đó, theo Investopedia, những con hổ châu Á từng tạo ra thị trường với nhiều điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu và chủ yếu là thương mại tự do. Đây được gọi là công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu. Nhờ đó, nền kinh tế của 4 con hổ châu Á có được sự phát triển vượt bậc như hiện nay.
Trên thực tế, Việt Nam cũng đang rất chú trọng vào xuất khẩu. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam đã vượt qua khó khăn và về đích ngoạn mục trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đạt con số kỷ lục 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Anh), tháng 1/2022, ngành sản xuất của Việt Nam ghi nhận sản lượng và đơn đặt hàng tăng mạnh trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings dự báo lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt trội trong khu vực, nhờ hưởng lợi từ khả năng cạnh tranh về chi phí và một số hiệp định thương mại lớn.