GDP Việt Nam đạt bao nhiêu tỷ USD vào thời điểm được dự báo lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới?
Dựa trên kết quả tình hình kinh tế trong thời gian qua, một số tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo quy mô GDP Việt Nam trong nhiều năm tới. Đặc biệt, Việt Nam được dự báo lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vậy, vào lúc này quy mô GDP Việt Nam đạt bao nhiêu tỷ USD?
- 27-10-2022Top 10 địa phương bứt phá lớn nhất trong bảng xếp hạng thu nhập bình quân 15 năm qua
- 26-10-2022Vùng kinh tế vừa có số lượng sân bay vừa có số lượng cảng biển nhiều nhất cả nước
- 26-10-2022Địa phương duy nhất sở hữu tuyến cao tốc kết nối 3 sân bay quốc tế và những thế mạnh hạ tầng
Theo báo cáo mới nhất World Economic League Table 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), Việt Nam lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2036. Cụ thể, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 1.579 tỷ USD, xếp thứ 20 thế giới vào năm 2036.
Cùng với đó, 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới theo dự báo của CEBR vào năm 2036 gồm có: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp, Indonesia, Brazil, Nga, Canada, Hàn Quốc, Italy, Úc, Tây Ban Nha, Mexico, Ả Rập Xê Út, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Quy mô GDP của 20 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới vào năm 2036 theo dự báo của CEBR. Nguồn: CEBR.
Trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2036, chỉ có 2 quốc gia thuộc khu vực ASEAN lọt top. Cụ thể, ngoài Việt nam thì Indonesia là quốc gia được dự báo lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Quy mô GDP Indonesia được dự báo đạt khoảng 4.139 tỷ USD, xếp thứ 8 trên thế giới.
Xét riêng trong khối ASEAN, nếu như năm 2022, CEBR dự báo quy mô GDP Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực thì đến năm 2036 có sự thay đổi rõ rệt.
Cụ thể, năm 2022, quy mô GDP của Indonesia được CEBR dự báo dẫn đầu trong khu vực ASEAN, đạt khoảng 1.247 tỷ USD. Xếp sau Indonesia là Thái Lan với quy mô GDP đạt khoảng 586 tỷ USD, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN năm 2022.
Cùng với đó, Malaysia, Việt Nam, Philippines, Singapore, Myanmar, Campuchia, Lào và Brunei có quy mô GDP đạt lần lượt là 415 tỷ USD, 415 tỷ USD, 406 tỷ USD, 397 tỷ USD, 93 tỷ USD, 28 tỷ USD, 21 tỷ USD và 16 tỷ USD vào năm 2022. Theo đó, quy mô GDP Việt Nam năm 2022 theo dự báo của CEBR đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.
Quy mô GDP các nước trong khối ASEAN giai đoạn 2022-2036 theo dự báo của CEBR. Nguồn: CEBR.
Đến năm 2036, với mức dự báo quy mô GDP Việt Nam đạt 1.579 tỷ USD thì quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ xếp thứ 2 trong khối ASEAN.
Cùng với đó, quy mô GDP Indonesia vẫn dần đầu khối ASEAN vào năm 2036. Thái Lan xếp ở vị trí thứ 3 trong khối ASEAN với quy mô GDP đạt khoảng 1.432 tỷ USD vào năm 2036.
Philippines xếp thứ 4 khối ASEAN với quy mô GDP đạt khoảng 1.234 tỷ USD vào năm 2036. Malaysia có quy mô GDP đạt khoảng 988 tỷ USD, xếp thứ 5 khối ASEAN vào năm 2036. Singapore có quy mô GDP đạt khoảng 786 tỷ USD, xếp thứ 6 khối ASEAN.
Các quốc gia còn lại như Myanmar, Campuchia, Lào và Brunei có quy mô GDP đạt lần lượt là 130 tỷ USD, 110 tỷ USD, 90 tỷ USD và 31 tỷ USD vào năm 2036 theo dự báo của CEBR.
Ngoài ra, theo trang Proactiveinvestors (Anh), nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Quỹ đầu tư Renaissance Capital (Anh), ông Charlie Robertson nhận định trong cuốn sách sắp ra mắt của mình vào năm 2022, mặc dù có xuất phát điểm thấp và xuất phát sau nhưng Việt Nam đang có nhiều nhân tố tạo ra sự vượt trội trong phát triển kinh tế so với nhóm các quốc gia cạnh tranh có cùng trình độ phát triển kinh tế.
Mặc dù, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp nhưng nhiều chỉ số kinh tế - xã hội của Việt Nam đang tốt hơn các quốc gia trong cùng khu vực. Do đó, ông Charlie Robertson nhận định, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng ổn định và duy trì tăng trưởng tốt trong thời gian dài sắp tới.
Theo đó, ông Charlie Robertson cho biết, GDP Việt Nam sẽ tăng gấp đôi quy mô vào năm 2030 so với năm 2022. Cùng với đó, Việt Nam dần trở thành nền kinh tế có quy mô GDP đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2040. Đến năm 2050, quy mô GDP Việt Nam có thể đạt khoảng 1.700 tỷ USD, bước vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Như vậy, vào thời điểm được dự báo lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, GDP Việt Nam đạt 1.579 tỷ USD theo dự báo của CEBR và 1.700 tỷ USD theo dự báo của nhà kinh tế trưởng toàn cầu Quỹ đầu tư Renaissance Capital (Anh).
Nhịp sống kinh tế