Get rich slowly #1: Tại sao bạn luôn đổ tiền hay thậm chí mắc nợ bởi những gì mình không thực sự cần
Mỗi người có một câu chuyện về việc mình đã làm những việc ngớ ngẩn với tiền bạc như thế nào. Những điều ngớ ngẩn này đều là sản phẩm của sự bốc đồng về tâm lý hay cảm xúc nào đó.
- 18-05-20188 thói quen và suy nghĩ khiến bạn ôm trọn kiếp nghèo, không thay đổi thì tiền bạc "chẳng cánh mà bay"
- 04-05-2018Warren Buffett và Charlie Munger đã dạy tôi làm chủ tư duy, cảm xúc và tiền bạc: Đây là con đường giúp bạn có thể về hưu sớm!
- 04-05-2018Bài học tuổi 35: Nếu biết coi trọng thời gian như tiền bạc, cuộc đời tôi sẽ không phải ân hận như thế này
Get rich slowly (Tạm dịch: Làm giàu thận trọng) là chương trình hỗ trợ cho những cá nhân hướng đến tự do tài chính sáng lập bởi J.D. Roth. Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả series bài khám phá các nguyên lý cốt lõi của phương pháp này.
#1: Tiền liên quan đến tâm trí nhiều hơn là đến toán học
Nhóm bạn cũ thời học sinh đến nhà tôi chơi vào cuối tuần trước. Khi ánh nắng tắt và màn đêm dần buông xuống, chúng tôi ngồi quanh ánh lửa tán gẫu về cuộc đời. Chúng tôi chia sẻ về những điều tốt và cả chưa tốt mà mình đã làm trong 20 năm qua. Cuộc trò chuyện lúc bấy giờ, theo lẽ tự nhiên, chuyển dần sang chuyện tiền bạc.
- Một cô bạn thú nhận rằng cô nghiện mua sắm. Khi cảm thấy căng thẳng, cô mua đủ các thứ. Để tránh chồng mình phát hiện ra, cô ấy tự trả tiền cho những món đồ đó.
- Một cô bạn khác có quá nhiều quần áo. Tủ đồ đầy đến nỗi cô ấy bắt đầu phải chất đống những quần áo mới mua trên sàn, nhưng cô ấy vẫn tiếp tục mua thêm.
- Một anh bạn thừa nhận rằng anh ta đã phung phí hàng nghìn USD vào trò chơi trực tuyến. Anh ta từng nghiện máy tính trong nhiều năm trời.
- Còn tôi thì từng mua sách, quần áo và đĩa CD liên tục. "Mình đem chúng về nhà và chẳng bao giờ động tới. Mình chỉ thích hành động mua sắm thôi. Nó khiến mình cảm thấy quyền lực, mình nghĩ thế."
Mỗi người có một câu chuyện về việc mình đã làm những việc ngớ ngẩn với tiền bạc như thế nào. Những điều ngớ ngẩn này đều là sản phẩm của sự bốc đồng về tâm lý hay cảm xúc nào đó. Chúng tôi lúc đó không hề hành động theo lý trí. Chúng tôi là những người thông minh và biết tính toán các lựa chọn, nhưng rồi chúng tôi vẫn chọn lựa những thứ đó. Tại sao?
Bởi vì việc quản lý tiền bạc một cách thông minh thường liên quan đến tâm trí nhiều hơn đến tính toán.
Tâm lý học của đồng tiền
Nhiều chuyên gia tư vấn về tài chính cá nhân đã cho rằng chúng ta hành động như cỗ máy và sẽ luôn chọn được đáp án hợp lý nhất về mặt toán học. Các quyển sách về tài chính cá nhân thường bỏ sót vai trò của tâm lý trong quá trình đưa ra các quyết định tài chính.
Những hành động về mặt tài chính thường chịu ảnh hưởng của tâm lý con người hơn là khả năng tính toán của họ. Nếu chỉ xét trên những con số, tốt hơn hết là ta nên trả những món nợ có mức lãi cao nhất. Dĩ nhiên là vậy, nhưng thật ra nếu ta đang minh mẫn và suy nghĩ được như vậy thì từ đầu ta đã không mắc nợ. Thường thì nợ không phải là một bài toán - nó là một vấn đề về tâm lý. Bởi thế, phương pháp Ramsey (trả món nợ nhỏ nhất trước) lại hợp lý hơn nhiều. Nó cho phép ta có những thắng lợi nhanh chóng, làm ta thấy được khích lệ một cách tích cực và có động lực để tiếp tục.
Sau đây là một vài yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến việc quản lý tiền bạc:
- Mỗi khi ta cho gia đình hay bạn bè vay tiền thì cảm xúc thường đóng một vai trò nhất định. Còn tài sản thừa kế thì sao? Tôi từng nghệ nhiều người kể những câu chuyện khủng khiếp về các gia đình bị chia rẽ vì giành tài sản của bố mẹ. Đây là những cuộc chiến về tâm lý và cảm xúc chứ không phải là cuộc chiến về toán học.
- Tiếp thị và quảng cáo là khoa học của sự thuyết phục. Nó ảnh hưởng đến những thói quen chi tiêu của ta một cách có chủ đích. Khi ta tránh tiếp xúc với quảng cáo, ta dễ tiết kiệm chi tiêu hơn.
- Tôi luôn cảm thấy ngạc nhiên về những thứ mà các ông bố bà mẹ chi trả cho con mình. Họ cho rằng mình mang lại điều tốt nhất cho trẻ và không hề ngần ngại khi chi trả cho những thứ đó. Nhưng đó không phải lúc nào cũng là hành động sáng suốt.
- Nhiều đơn vị tài chính dạy khách hàng tách biệt cảm xúc ra khỏi quá trình đầu tư. Quá nhiều người đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên các phản ứng tâm lý về kinh tế và thị trường chứng khoán. Chính những phản ứng tâm lý này sẽ khiến người ta mua đắt bán rẻ.
- Mọi mục tiêu tài chính ta đặt ra đều dựa trên tâm lý cá nhân và cảm xúc.
Hãy dành lại quyền kiểm soát suy nghĩ
Chúng ta không bao giờ có thể xóa bỏ hoàn toàn cảm xúc và tâm lý trong việc quản lý tiền bạc. Chúng ta cũng chẳng cần như thế. Ta là những con người chứ không phải người máy. Quan trọng là ta giảm thiểu các quyết định tài chính liên quan đến những cảm xúc tiêu cực:
- Tránh tiếp xúc với quảng cáo. Nhiều người tin rằng họ không bị ảnh hưởng bởi quảng cáo. Họ đã sai. Hãy tránh xa quảng cáo hết mức có thể. Hãy bớt xem truyền hình hoặc chuyển kênh khi thấy có quảng cáo. Hãy bỏ qua các trang quảng cáo trên tạp chí. Dùng một chương trình chặn quảng cáo cho trình duyệt. Càng thấy ít quảng cáo, bạn càng khó mua những thứ mình không thực sự cần.
- Tránh xa những cám dỗ. Khi đang trả một khoản nợ và cố cắt giảm chi tiêu, tôi buộc bản thân tránh xa những hiệu sách và cửa hàng truyện tranh. Tôi tự biết rằng mình là người thiếu kỷ luật. Tôi tránh xa những cám dỗ một cách triệt để. Nếu bạn dễ bị cám dỗ bởi các trung tâm mua sắm, hãy tránh xa trung tâm mua sắm. Nếu bạn không thể chống lại cám dỗ từ bạn bè, đừng đi tụ tập với bạn bè. Hãy tránh xa những thứ cám dỗ bạn.
- Tự động hóa. Nếu bạn thấy khó khăn trong việc đưa ra những lựa chọn tài chính sáng suốt, hãy khiến mình không thể lựa chọn. Hãy đăng ký tính năng thanh toán hóa đơn tự động. Thiết lập chuyển khoản tự động từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm. Khi bạn tự động hóa mọi thứ, bạn không thể bị quấy nhiễu bởi cảm xúc hay tâm lý nữa.
- Chính niệm. Khi bạn đang muốn mua một món đồ, hãy dừng lại một chút. Dành 30 giây để hỏi bản thân liệu có thực sự cần món đồ này không. Nếu nó là một món đồ đắt tiền, hãy đợi 30 ngày. Hãy theo dõi từng đồng tiền bạn chi tiêu để có thể nhận ra điểm yếu của mình.
Với những người bạn mà tôi gặp cuối tuần trước, có thể một vài người vẫn sẽ tiếp tục những sai lầm tài chính đó. Có thể một số sẽ thay đổi. Những lời giải cho vấn đề của họ sẽ không đến từ những khái niệm toán học. Để có thể quản lý tiền bạc của mình, các người bạn của tôi đã phải làm nhiều thứ hơn là tính toán – họ phải làm chủ tâm trí mình.
Trí thức trẻ