Ghi bàn là chuyện nhỏ, Cristiano Ronaldo còn trở thành "cỗ máy in tiền" cho Manchester United
Không phải tự dưng MU phá vỡ chiến lược mua cầu thủ ở thời kỳ đỉnh cao và để một chân sút 36 tuổi trở thành người nhận lương cao nhất Ngoại hạng Anh.
- 04-09-2021Áo đấu của Cristiano Ronaldo cháy hàng: Fan xếp hàng cả ngày chờ mua, đặt online phải đợi 1 tháng
- 03-09-2021Nhà máy Adidas tại Việt Nam đóng cửa, người hâm mộ khó mua áo đấu của Cristiano Ronaldo
- 01-09-2021Nhận lương 15 tỷ/tuần khi quay lại Man United, Cristiano Ronaldo sẽ ở đâu, sinh hoạt thế nào?
Cristiano Ronaldo vừa lập kỷ lục với cú đúp vào lưới Newcastle ngày 11/9 vừa qua, sau 12 năm trở lại sân Old Trafford trong màu áo của Man Utd. Vụ chuyển nhượng siêu sao người Bồ Đào Nha diễn ra sau lời kêu gọi đầy cảm xúc của những người hùng của Man Utd, trong đó có cả Sir Alex Ferguson, để Ronaldo không khoác áo của kình địch Manchester City.
Thế nhưng ở hậu trường, lãnh đạo của Man Utd phải đảm bảo rằng bản hợp đồng với Ronaldo có ý nghĩa thương mại bởi nó đã phá vỡ chiến lược mua cầu thủ ở thời kỳ đỉnh cao và để siêu sao 36 tuổi thành người nhận lương cao nhất Ngoại hạng Anh.
Những người thân cận với lãnh đạo câu lạc bộ ví bản hợp đồng trên giống việc "nuốt chửng một con cá voi". Ronaldo sẽ nhận lương ít nhất 60 triệu bảng (khoảng 83 triệu USD), tương đương 5% doanh thu dự kiến của Man Utd trong 2 năm tới. Số tiền này không thể được hoàn lại thông qua việc bán áo đấu hay giao dịch tài trợ.
Thay vào đó, các giám đốc điều hành đang tính đến lợi nhuận vô hình nhiều hơn, bao gồm sự tin tưởng rằng Ronaldo sẽ giúp nâng cao chất lượng trong đội bóng, kích thích người hâm mộ - những người đã phản đối Man Utd tham gia vào dự án European Super League đồng thời thu hút một thế hệ fan mới trên toàn thế giới.
Nhóm tuyển dụng của Man Utd bao gồm phó chủ tịch điều hành sắp mãn nhiệm Ed Woodward, giám đốc bóng đá John Murtough và trưởng bộ phận tuyển trạch Steve Brown. HLV Ole Gunnar Solskjaer cũng có quyền phủ quyết với các bản hợp đồng tiềm năng.
Danh sách các mục tiêu được đưa ra hàng tháng và quyết định trước kỳ chuyển nhượng mùa hè 3 tháng. Trong mùa hè này là các bản hợp đồng với Jadon Sancho từ Borussia Dortmund và Raphaël Varane từ Real Madrid. Tháng này, nhóm tuyển dụng sẽ họp để thảo luận các mục tiêu cho mùa hè tới của câu lạc bộ.
Tuy nhiên, việc ký hợp đồng với Ronaldo diễn ra nhanh hơn nhiều. Người đại diện của anh đã tổ chức các cuộc thảo luận trong nhiều tuần với một số câu lạc bộ nhưng chỉ thông báo cho ban lãnh đạo của Man Utd rằng tiền đạo này quyết tâm rời Juventus vào ngày 24/8.
Manchester City đã có những cuộc đàm phán trước đó để ký hợp đồng với Ronaldo sau khi từ bỏ mục tiêu Harry Kane. Dù vậy, Man Utd đã nhanh chóng đàm phán để đạt thỏa thuận vào ngày 27/8.
Đó là trả cho Juventus 15 triệu euro phí chuyển nhượng trong vòng 5 năm cùng số tiền 8 triệu euro tùy thuộc vào màn trình diễn của Ronaldo. Mức lương của Ronaldo sẽ thấp hơn một chút so với mức 31 triệu euro mỗi mùa tại Juventus cùng bản hợp đồng 2 năm và tùy chọn gia hạn thêm 1 năm.
Một người thân cận với các lãnh đạo của Manchester City cho biết họ đã kết thúc cuộc đàm phán với Ronaldo do Juventus giữ vững quan điểm về phí chuyển nhượng. "Nếu Man City thực sự muốn ký hợp đồng với cậu ấy, Man Utd sẽ không thể thắng được. Việc này giống một cuộc hôn nhân vì lợi ích. Không đội bóng nào khác thực sự muốn có cậu ấy", người này nói.
Nhưng Man Utd đã chứng minh họ là một trong số ít những câu lạc bộ có thể mua được Ronaldo. Với việc khán giả được đến sân vận động, họ đang đặt mục tiêu doanh thu hơn 600 triệu bảng như mức trước đại dịch – con số giúp họ trở thành một trong những đội bóng giàu nhất thế giới.
Phần lớn nguồn thu này ổn định. Sân Old Trafford luôn bán hết vé mỗi mùa và Man Utd có nguồn thu lớn từ bản quyền truyền hình với Premier League and UEFA.
Hợp đồng của Ronaldo cũng như hợp đồng của các cầu thủ Man Utd khác, trong đó có điều khoản cắt giảm lương nếu đội không đủ điều kiện tham dự Champion League.
Trước đó, khi ở Juventus, siêu sao này đã giúp họ tăng doanh thu, với thu nhập tài trợ hàng năm tăng từ 143 triệu Euro lên 175 triệu Euro trong 3 năm của anh tại đội bóng này.
Tuy nhiên, tác động tương tự có thể sẽ không xảy ra ngay đối với Man Utd. Năm ngoái, thu nhập thương mại của họ là 279 triệu bảng. Câu lạc bộ đã đạt một số thỏa thuận lớn như hợp đồng quảng cáo trên áo thi đấu 5 năm với hãng công nghệ Đức TeamViewer.
Phần lớn doanh thu từ việc bán áo đấu sẽ thuộc về nhà sản xuất Adidas dù Man Utd cũng kiếm được lợi nhuận cao từ việc bán áo trên website chính thức do Fanatics – một nhà bán lẻ trực tuyến của Mỹ, điều hành.
"Khi Juventus mua Ronaldo, họ có doanh thu thương mại thấp hơn đáng kể. Còn Man Utd vốn đã có doanh thu cao nên lợi nhuận biên sẽ không cao bằng", Andrea Sartori – người đứng đấu bộ phận thể thao toàn cầu của KPMG nhận định.
Ngay cả khi như vậy, Ronaldo vẫn sẽ giúp ích nhiều cho hoạt động kinh doanh của Man Utd. Câu lạc bộ đã tính đến khả năng tạo tiếp cận trên mạng xã hội của siêu sao 36 tuổi trong bối cảnh phải bảo vệ giá trị các thỏa thuận thương mại trong đại dịch. Hiện Ronaldo là người được theo dõi nhiều nhất trên Instagram với 342 triệu lượt.
Sự trở lại của Ronaldo cũng có thể thu hút thêm sự chú ý đến đội bóng chưa vô địch Premier League hay Champions League từ năm 2013.
Ngoài ra, người ta cũng hi vọng rằng Ronaldo có thể giúp Man Utd trở lại đường đua danh hiệu. Các giám đốc điều hành của đội bóng tin rằng anh sẽ thu hút khán giả trẻ hơn tại nhiều quốc gia trên thế giới hơn. Điều này có khả năng mang lại lợi ích cho họ trong nhiều năm tới.
"Từ góc độ thương mại, việc Man Utd mua lại Ronaldo giống như nạp nhiên liệu tốt nhất cho chiếc xe nhanh nhất. Nhưng đây không phải lý do chúng tôi làm điều này. Phẩm chất, khả năng lãnh đạo và kinh nghiệm của anh ấy sẽ giúp đỡ các cầu thủ trẻ của đội cũng như cho chúng tôi những cú hích trên đường đua danh hiệu", một người am hiểu trực tiếp về thương vụ cho biết.
Nguồn: FT
Doanh nghiệp và tiếp thị