MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cà phê khởi sắc trước chính sách tiền tệ mới của các NHTW

31-07-2018 - 16:25 PM | Thị trường

Thị trường cà phê nội địa tiếp tục trầm lắng ở vùng giá thấp và nhất là nguồn cung trong nước hiện cũng không còn dồi dào...

Chốt phiên giao dịch ngày đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục gia tăng. Kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 7 USD, tức tăng 0,42%, lên 1.660 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng thêm 7 USD, tức tăng 0,43%, lên 1.652 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 0,95 cent, tức tăng 0,86%, lên 111,4 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 1 cent, tức tăng 0,88%, lên 114,6 cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng lên rất cao.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 – 200 đồng/kg, lên dao động trong khung 34.600 – 35.200 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.548 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 90 – 95 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London .

Thông tin khả năng sẽ nối lại đàm phán để giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ nhì thế giới đã giúp cho hầu hết các thị trường đã khởi sắc trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần ngày hôm qua. USD vẫn vững chắc, tỷ giá các đồng tiền trong rổ tiền tệ mạnh tỏ vẻ ổn định để chờ đợi chính sách tiền tệ mới của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ ban hành trong tuần này. 

Giá cà phê tiếp nối đà hồi phục trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn thế giới khi các đầu cơ và quỹ quay trở lại mua vào với khối lượng rất đáng kể ở New York trong khi London vẫn còn vắng vẻ do đang trong kỳ nghỉ mùa hè của giới thương nhân ở phía bán cầu bắc.

Tuy nhiên, sức tăng đã bị chùng lại vào cuối phiên mà không như kỳ vọng khi đầu cơ ngắn hạn sớm chốt lời do e ngại biến động tiền tệ trong tuần này với nhiều dự đoán trái chiều.

Trong khi đó, người Brasil cũng đã giảm bán khi đồng Reais mạnh trở lại và nhất là cần tập trung nguồn lực để thu hoạch vụ mùa mới do lo ngại sẽ có mưa sớm. Theo báo cáo của nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercado ở Sao Paulo, ước tính đến nay đã thu hoạch được 68% tổng sản lượng vụ mới, trong đó thu hoạch cà phê Conilon Robusta sắp hoàn tất và dự kiến hàng vụ mới sẽ được đưa ra thị trường ngay trong nửa đầu tháng 8.

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ thị trường cà phê Arabica New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 24/7 bộ đầu cơ phi thương mại của thị trường này đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 3,01% so với tuần thương mại trước đó lên đăng ký bán ròng ở 89.014 lô, tương đương  25.235.075 bao và có khả năng chỉ thay đổi chút ít sau giai đoạn thương mại hỗn hợp nhưng tổng thể đi ngang kể từ đó đến nay.

Báo cáo CFTC mới nhất từ ​​thị trường cà phê Robusta London cho thấy, tính đến cùng thời điểm báo cáo, bộ phận đầu cơ phi thương mại của thị trường này đã giảm vị thế bán ròng ngắn hạn bớt 14,79% so với tuần thương mại trước đó xuống đăng ký bán ròng ở 33.074 lô, tương đương 5.512.333 bao và nhiều khả năng đã tăng nhẹ trở lại sau giai đoạn thương mại hỗn hợp nhưng tổng thể có phần tiêu cực hơn kể từ đó tiếp theo sau.

Thương mại thị trường dự đoán sản lượng cà phê Việt Nam vụ mùa sắp tới sẽ tăng lên 30,5 – 30,8 triệu bao, cao hơn dự báo 29,9 triệu bao của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra tháng trước, do thời tiết thuận lợi. Trong khi nguồn tin không chính thức từ Hiệp hội các nhà Công nghiệp và Xuất khẩu Cà phê Indonesia (Association of Indonesian Coffee Exporters and Industries – AKEI) cho biết, do thời tiết nhiều mưa kéo dài đã làm cho thu hoạch vụ mùa mới ở phía nam Sumatra bị trì trệ, thấp hơn tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, giới thương nhân cho rằng điều này cũng không thể phủ nhận là năm nay Indonesia "được mùa", sẽ có một vụ thu kỷ lục trong vài năm qua. Những thông tin có vẻ trái chiều này cũng không gây tác động gì nhiều lên các thị trường cà phê vào lúc này do phần lớn các nhà giao dịch vẫn đang trong kỳ nghỉ mùa hè.

Thị trường cà phê nội địa ở Tây nguyên tiếp tục trầm lắng khi giá cà phê kỳ hạn London vẫn quanh quẩn ở mức thấp và nhất là nguồn hàng trong nước hiện nay cũng không còn dồi dào. 

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp & PTNT, Xuất khẩu cà phê tháng 6/2018 ước đạt 164 nghìn tấn với giá trị đạt 314 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,04 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, tăng 11,1% về khối lượng nhưng giảm 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2018 đạt 1.932 USD/tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2017.

Anh Văn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên