Giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên đã trở lại mốc 40.000 đ/kg
Sau một thời gian dài giảm xuống dưới 40.000 đ/kg, thậm chí có lúc đã xuống dưới 30.000 đ/kg, đến hôm qua, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên đã trở lại mốc 40.000 đ/kg.
- 21-07-2016Giá cà phê robusta sẽ còn cao trong vài tháng tới do tồn trữ thấp
- 27-06-2016Giá cà phê trong nước chạm “đỉnh”
- 18-06-2016Giá cà phê cao nhất từ đầu năm
Lần gần nhất giá cà phê nhân xô Tây Nguyên ở mốc 40.000 đ/kg là vào đầu niên vụ 2014 - 2015. Sau đó, giá cà phê liên tục theo hướng giảm xuống.
Đến cuối niên vụ 2014 - 2015 chỉ còn khoảng 35.000 đ/kg. Đầu niên vụ 2015 - 2016, giá cà phê có nhích lên một chút ở mức 37.000 - 38.000 đ/kg, nhưng sau đó lại liên tục giảm mạnh và đến tháng 1 đã rớt xuống chỉ còn trên dưới 30.000 đ/kg. Sau đó, giá cà phê nhích dần lên trên 30.000 đ/kg. Và từ vài tháng qua thường quanh quẩn ở mức khoảng 37.000 - 38.000 đ/kg.
Từ đầu tháng 9 đến nay, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên liên tục tăng mạnh. Đến ngày 7/9, giá cà phê nhân xô đã đạt mốc 40.000 đ/kg tại Đăk Lăk và Gia Lai. Còn ở Đắk Nông và Lâm Đồng, giá cũng đã lên ở mức gần 40.000 đ/kg.
Sáng 8/9, giá cà phê nhân xô ở các tỉnh nói trên đều đồng loạt tăng thêm 500 đ/kg, qua đó giúp cho giá trên toàn bộ Tây Nguyên đã ở mức từ 40.000 đ/kg trở lên. Cụ thể: Giá cà phê nhân xô ở Đăk Lăk 40.500 đ/kg, Đăk Nông 40.300 đ/kg, Gia Lai 40.600 đ/kg và Lâm Đồng 40.000 đ/kg. Từ đầu niên vụ 2015 - 2016 đến nay, lần đầu tiên cà phê nhân xô ở Tây Nguyên mới đạt được mức giá này.
Theo ông Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia phân tích thị trường cà phê, giá cà phê nhân xô ở thị trường nội địa tăng cao và trở lại mức trên 40.000 đ/kg, trước hết là do yếu tố cung cầu.
Từ đầu năm đến nay, tuy Việt Nam đã XK khá nhiều cà phê (8 tháng qua, Việt Nam XK 1,27 triệu tấn cà phê, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng trên thị trường thế giới đang có thông tin sản lượng cà phê Robusta ở Brazil và Indonesia không đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, việc Việt Nam đã XK một lượng lớn cà phê, cũng đồng nghĩa với nguồn cung ở nước ta đã tương đối cạn.
Cũng có những yếu tố khác đẩy giá cà phê lên, như khi giá cà phê Robusta ở sàn kỳ hạn London chạm mốc 1.900 USD/tấn, đã khiến cho nhiều nhà đầu cơ đẩy mạnh việc mua thêm cà phê.
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân rất quan trọng khác như đồng USD không tăng lãi suất, trong khi tỷ giá đồng Real của Brazil tăng lên khi mà việc luận tội tổng thống Dilma Rousseff đã qua (bà đã bị bãi chức vào hôm 31/8).
Đồng Real của Brazil (nước sản xuất và XK cà phê lớn nhất thế giới) tăng so với đồng USD sẽ khiến giá cà phê thế giới tăng lên. Một yếu tố khác cũng cần được nhắc tới là do chuẩn bị bước vào niên vụ mới, nên nhiều nhà kinh doanh, rang xay cà phê nâng giá mua lên và giãn giá trừ lùi. Động thái này có thể giúp họ mua được nhiều cà phê hơn
Những yếu tố trên đã tạo nên sự tăng giá mạnh trên thị trường kỳ hạn từ đầu tháng 9 đến nay. Ngày 7/9, giá đóng cửa cà phê Robusta sàn London đã tăng thêm 23 USD/tấn so với phiên trước đó và đạt 1.912 USD/tấn.
Trên sàn kỳ hạn New York, giá cà phê Arabica cũng tăng mạnh. Khi giá cà phê trên 2 sàn này, nhất là sàn London, tăng cao, đã khiến cho giá cà phê ở Việt Nam tăng liên tục và trở lại mốc 40.000 đ/kg sau gần 2 năm trời.
Dù giá cà phê nhân xô đã trở lại mốc 40.000 đ/kg và đang có xu hướng tăng tiếp, nhưng số hộ trồng cà phê có thể hưởng lợi với mức giá này lại rất ít, bởi phần lớn đã bán hết từ trước, nhất là khi cà phê đạt mức giá 37.000 - 38.000 đ/kg. Tuy nhiên, việc giá cà phê trở lại mốc nói trên đang làm tăng thêm niềm hy vọng cho người trồng cà phê ở Tây Nguyên khi chuẩn bị bước vào niên vụ mới (bắt đầu từ 1/10) rằng giá cà phê sẽ còn ở mức tốt trong thời gian tới. Ông Nguyễn Quang Bình cũng cho rằng giá cà phê vẫn còn có thể tăng lên nữa.
Tuy nhiên, một số thương nhân nhiều kinh nghiệm trên thị trường cà phê đã đưa ra cảnh báo rằng trên 2 sàn kỳ hạn London và New York, lượng mua bán hàng giấy (đầu cơ tài chính) đang rất lớn. Và thực sự là yếu tố đầu cơ đang trội hơn so với yếu tố cung - cầu trong việc đẩy giá cà phê tăng mạnh. Do đó, việc giá cà phê đang tăng như hiện nay không mang tính bền vững, có thể quay đầu giảm xuống bất cứ lúc nào.
Nông nghiệp Việt Nam