Giá cà phê tăng mạnh sau “thỏa hiệp” thương mại Mỹ - Trung
Tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Mỹ như làn gió mát làm dịu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đẩy USD tăng mạnh trong rổ tiền tệ đã làm giá hàng hóa tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mới.
- 19-05-2018Thị trường hàng hóa ngày 19/5: Cao su, cà phê, đường cùng tăng giá trong khi dầu mỏ, thép, đồng, nhôm đi xuống
- 18-05-2018Thị trường cà phê thận trọng trước dự báo thời tiết bất lợi từ Brazil
- 16-05-2018Giá cà phê rớt xuống mức thấp nhất trong 12 tháng
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta kéo dài chuỗi tăng lên phiên thứ tư. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 33 USD, lên 1.795 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 29 USD, lên 1.777 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình. Cấu trúc giá đảo tiếp tục nới rộng thêm khoảng cách.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York , giá cà phê Arabica song hành cùng xu hướng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 2,2 cent, lên 120,2 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng thêm 2,2 cent lên 122,45 cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 500 – 600 đồng, lên dao động trong khung 36.200 – 36.700 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.627 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 140 – 150 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London .
Tuyên bố của Bộ trưởng Tài Chính Mỹ sau đàm phán sơ bộ về thương mại Mỹ – Trung dường như một làn gió thổi bùng giá cả nhiều loại hàng hóa. USD kéo dài chuỗi tăng trong rổ tiền tệ mạnh, trong khi đồng Euro và Bảng Anh xuống chạm mức thấp mới của năm, dẫn đến nguy cơ đồng bạc xanh dễ bị bán tháo. Đây cũng chính là nguy cơ mà các nhà hoạch định chính sách của Fed khó có khả năng ngăn chặn nếu USD suy yếu trở lại. Có lẽ điều này sẽ được các thành viên của Fed sẽ tranh luận kỹ càng hơn tại phiên họp chính sách trong 2 ngày 12+13/6 với việc tăng lãi suất USD năm nay.
Thị trường cà phê toàn cầu cũng bắt đầu nóng dần lên với tin thời tiết mùa đông lạnh kéo dài và nguy cơ sương giá tại các vùng trồng cà phê chính ở Brazil.
Mặc dù trên thị trường cà phê đã có ý kiến cho rằng bàn về sương giá mùa đông ở Brazil hiện nay là còn quá sớm nhưng không có điều gì là không thể, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu sâu sắc như hiện nay. Nếu như thị trường đã xuất hiện nhiều ý kiến đánh giá, dự báo về sản lượng cà phê niên vụ 2018/2019 của nhiều quốc gia trồng cà phê trong khi thu hoạch niên vụ 2017/2018 vẫn chưa hoàn tất, thì bàn về sương giá mùa đông Brazil có khả năng xảy ra chỉ trong vài tháng sắp tới không thể cho là quá sớm. Hơn nữa, thị trường giao dịch cà phê kỳ hạn đã có đặt lệnh giao dịch tới kỳ hạn tháng 3/2020 nên bàn về mùa đông Brasil năm nay, vào lúc này không thể cho là quá sớm.
Được biết, người Brazil đã di chuyển hầu hết diện tích trồng cà phê của mình xuống vùng thấp, tránh xa những vùng có khả năng bị sương giá. Nhưng cây cà phê không chỉ bị tổn thương trầm trọng khi có sương giá mà còn bị tổn thương đáng kể khi thời tiết lạnh kéo dài, sẽ làm quả cà phê rụng hàng loạt ở những trang trại chưa thu hoạch. Cũng xin được nhắc lại đợt sương giá gần nhất gây hại rất đáng kể cho cây cà phê ở Brazil đã trôi qua 24 năm, vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1994, tức là chỉ còn hơn 1 tháng nữa theo niên lịch mà thôi.
Thu hoạch cà phê Conilon Robusta vụ mới ở Brazil hiện đang vào cao điểm và phần lớn sản lượng dành cho ngành công nghiệp trong nước, trong khi thu hoạch cà phê Robusta vụ phụ ở vùng Lampung của Indonesia cũng đã hoàn tất và thu hoạch vụ chính năm nay có thể bắt đầu sớm hơn vào đầu tháng 6. Vì cà phê Robusta vụ phụ hiện đang ưu tiên mua cho ngành công nghiệp trong nước nên lượng hàng của Indonesia chào bán xuất khẩu rất hạn chế và nhất là có giá rất cạnh tranh, đang ở mức giá chênh lệch cộng 40 – 50 USD/tấn so với giá kỳ hạn London.
Trong khi đó, mức chênh lệch cà phê Việt Nam được các nhà thu mua xuất khẩu đưa ra đang ở mức trừ lùi 140 – 150 USD/tấn so với giá kỳ hạn London. Hơn nữa, lực mua đầu cơ tại thị trường nội địa xuất hiện mạnh ở vùng giá 37,2 – 37,5 triệu đồng/tấn nên sự kháng giá liên tục trong thời gian qua là tất yếu.
Báo cáo dữ liệu sơ bộ của Hải Quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu cà phê 15 ngày đầu tháng 5 đạt 67.291 tấn (tương đương 1.121.516 bao, bao 60 kg), đưa xuất khẩu 4 tháng rưỡi đầu năm 2018 lên 752.332 tấn (khoảng 12,54 triệu bao), thấp hơn đáng kể so với dự kiến của nhiều nhà xuất khẩu do đã có hiện tượng đóng băng thị trường nội địa khi giá cà phê kỳ hạn London giảm xuống ở mức "quá thấp"so với kỳ vọng khiến cho tình trạng kháng giá của nhà nông và giới đầu cơ nhỏ lẽ kéo dài.