MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cao su xuất khẩu giảm mạnh

03-07-2018 - 17:34 PM | Thị trường

Bình quân 6 tháng đầu năm 2018, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam giảm 21% so với cùng kỳ năm 2017 do giá thế giới giảm.

Cục Xuất nhập khẩu ( Bộ Công thương) cho biết, trong tháng 6/2018, xuất khẩu cao su ước đạt 118 nghìn tấn, trị giá 169 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cao su đạt 560 nghìn tấn, trị giá 861 triệu USD, tăng 16,1% về lượng, nhưng giảm 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 6/2018 ổn định so với tháng trước đó, ở mức 1.432 USD/tấn. Bình quân 6 tháng đầu năm 2018, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam giảm 21% so với cùng kỳ năm 2017 do giá thế giới giảm.

Cụ thể, trong tháng 6/2018, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh sau khi tăng mạnh trong 10 ngày đầu tháng đã giảm trở lại theo xu hướng giảm giá của thị trường thế giới.

Ngày 28/6/2018, Công ty cao su Phú Riềng báo giá thu mua mủ cao su giảm 30-35 đ/độ TSC ở cả giá thu mua mủ tạp và mủ nước so với cuối tháng 5/2018, đạt lần lượt 260 đ/độ TSC và 250 đ/độ TSC.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cao su chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu cao su tổng hợp đạt 221,93 nghìn tấn, trị giá 321,7 triệu USD, tăng 19,4% về lượng, nhưng giảm 12,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 50,4% trong tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.

So với cùng kỳ năm 2017, lượng cao su SVR 3L xuất khẩu tăng 17,6%, SVR 10 tăng 57,5%, RSS 3 tăng 63,2%, SVR CV60 tăng 9,3%... Ngược lại, lượng cao su SVR CV50 xuất khẩu giảm 7,8%, lượng cao su RSS1 giảm 30,6%, SVR 5 giảm 33,2%…

Trong 5 tháng đầu năm 2018, nhìn chung giá xuất khẩu các mặt hàng cao su đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, cao su SVR 5 có giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh nhất, giảm 30,9%, giá cao su tổng hợp giảm 26,9%, SVR 3L giảm 24,9%, SVR 10 giảm 22,3%, RSS3 giảm 25,1%...

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), nhu cầu cao su tự nhiên thế giới đã vượt nguồn cung trong 5 tháng đầu năm 2018. Theo ANRPC, 5 tháng đầu năm 2018, tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017, lên 5,82 triệu tấn; nguồn cung cao su tự nhiên cũng tăng 7,7%, lên 5,25 triệu tấn.

Tiêu thụ 5 tháng đầu năm 2018 cao hơn nguồn cung 570.000 tấn đã giúp giải phóng một phần tồn kho cao su trên thị trường. Trong những tháng còn lại của năm 2018, ANRPC dự báo cung - cầu cao su cân bằng, với sản lượng cả năm 2018 được dự kiến sẽ tăng 6,1% lên 14,2 triệu tấn và tiêu thụ tăng 6,9% lên 14,3 triệu tấn.

Tùng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên