Giá cổ phiếu tăng liên tục, cổ đông "trong nhà" tranh thủ bán ra?
Nếu như đầu năm, cổ phiếu VPBank còn ở quanh mức 20.000 đồng, thì nay trên sàn OTC, nhiều nhà đầu tư đã “hét giá” cổ phiếu này tới gần 50.000 đồng.
- 08-05-2017Lương thưởng của nhân viên ngân hàng VietinBank và BIDV đã "thua" Techcombank, VPBank
- 07-05-2017Tuyển thêm hơn 5.500 người trong vòng 1 năm qua, VPBank đang tính toán gì với bài toán nhân sự?
- 10-04-2017VPBank có rủi ro gì với khoản nợ 2.000 tỷ đồng của Hoàng Anh Gia Lai?
VPBank là một trong những điểm sáng trên thị trường tài chính ngân hàng 2 năm trở lại đây nhờ “gà đẻ trứng vàng” là công ty tài chính Fe Credit. Riêng năm 2016, ngân hàng hợp nhất đã mang về khoản lợi nhuận trước thuế hơn 4.900 tỷ đồng và tham vọng đạt 6.800 tỷ cho năm 2017. Ngân hàng cũng chia cổ tức ở mức cao không tưởng là tới hơn 31% bằng cổ phiếu cho năm vừa rồi.
Có lẽ nhờ những kỳ vọng lớn ở VPBank, với nền tảng là tham gia nhiều vào các hoạt động có độ rủi ro cao như vị CEO của ngân hàng này từng chia sẻ với cổ đông, nên cổ phiếu của ngân hàng đã tăng chóng mặt thời gian qua.
Nếu như đầu năm, cổ phiếu VPBank còn ở quanh mức 20.000 đồng, thì nay trên sàn OTC, nhiều nhà đầu tư đã “hét giá” cổ phiếu này tới gần 50.000 đồng, cho dù các giao dịch phổ biến là quanh 40.000 đồng từ tháng 6 tới nay.
Giá cổ phiếu cao có thể là một trong các lý do thôi thúc những nhà đầu tư, không loại trừ cả người nội bộ và người nhà của các “sếp” VPBank tranh thủ bán ra kiếm lời.
Theo thông báo của ngân hàng, ngày 23/6 vừa qua, mẹ của ông Lô Bằng Giang – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị – đã đăng ký bán toàn bộ hơn 1 triệu cổ phiếu VPBank, thời gian thực hiện từ 23/6-23/7.
Trước đó trong tháng 5 và tháng 6, hai người em của Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Bình cũng đồng loạt bán cổ phiếu. Trong đó người em thứ nhất là Nguyễn Thị Thanh Nhàn đăng ký bán toàn bộ số cổ phần sở hữu là hơn 643 nghìn cổ phiếu, nhưng bán một đợt không thành công mà phải chia ra nhiều đợt, trong đó lần đầu bán được 25 nghìn cổ phiếu và lần hai bán được 350 nghìn cổ phiếu.
Một người em khác của ông Bình là Nguyễn Thanh Bắc cũng đăng ký bán toàn bộ 347 nghìn cổ phần. Trong thông báo mới nhất, ông Bắc đã bán được 125 nghìn cổ phiếu.
Ngay cả cá nhân vị Phó tổng giám đốc Nguyễn Thanh Bình cùng vợ cũng đồng loạt muốn bán hết cổ phần VPBank, trong đó ông Bình có hơn 375 nghìn cổ phần và vợ ông nắm hơn 194 nghìn cổ phần.
Trước đó các sếp của VPBank cũng đồng loạt bán cổ phiếu, như ông Phan Ngọc Hòa phó tổng giám đốc đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu nắm giữ; bà phó tổng khác là Dương Thị Thu Thủy cũng muốn bán toàn bộ hơn 26 nghìn cổ phiếu; một vị Phó tổng giám đốc nữa là bà Lưu Thị Thảo cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 76 nghìn cổ phiếu…
Đáng lưu ý, một công ty liên quan đến ông Bùi Hải Quân – phó chủ tịch HĐQT – là công ty đầu tư Việt Hải đã thoái vốn toàn bộ khỏi VPBank hồi cuối tháng 3. Công ty này do ông Bùi Hải Quân, phó chủ tịch HĐQT VPBank đứng tên giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT, từng sở hữu hơn 2% vốn điều lệ VPBank. Tới tháng 6 vừa qua, một người anh trai của ông Quân là ông Bùi Hải Sơn cũng đăng ký bán toàn bộ cổ phần ở ngân hàng này.
Hồi cuối tháng 12/2016, VPBank đã thông báo chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký, lưu ký cổ phiếu VPBank tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), song đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì mới hơn.
Trả lời chất vấn của cổ đông tại đại hội hồi cuối tháng 4 rằng bao giờ cổ phiếu có thể giao dịch trên sàn để cổ đông có thể mua bán trở lại, đại diện ngân hàng cho biết VPBank đã tạm dừng lưu ký niêm yết để thực hiện đồng bộ theo tư vấn niêm yết của công ty chứng khoán. Tổng giám đốc VPBank có bổ sung thêm rằng khi niêm yết thì phải thực hiện các thủ tục mang tính chất hành chính từ NHNN hay UBCKNN nên việc niêm yết không phụ thuộc riêng vào ý kiến chủ quan của VPBank. HĐQT VPBank đặt mục tiêu năm 2017 sẽ niêm yết trên HoSE và nếu thuận lợi thì nhanh nhất là quý III mới có thể lên sàn.
Trí Thức Trẻ