MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giả danh công an thông báo phạt nguội để chiếm đoạt tài sản, người dân cần lưu ý những gì để tránh bị mất tiền?

30-05-2022 - 10:39 AM | Kinh tế số

Giả danh công an thông báo phạt nguội để chiếm đoạt tài sản, người dân cần lưu ý những gì để tránh bị mất tiền?

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục ATTT (Bộ TT&TT) vừa cảnh báo về tình trạng kẻ gian giả mạo cơ quan chức năng, thông báo phạt nguội và chiếm đoạt tài sản của người dùng qua điện thoại.

Theo đó, các đối tượng tội phạm này tự xưng là "công an" hoặc "lực lượng CSGT" thông báo hành vi vi phạm giao thông hoặc cố ý gây tai nạn giao thông. Các đối tượng này thường sử dụng tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân,… cụ thể của nạn nhân để lấy lòng tin, khiến nạn nhân hoang mang và làm theo những "chỉ dẫn" của những kẻ giả mạo này.

Nhiều người dân khi được nghe thông báo này, rất hoang mang, lo sợ nên đã sập bẫy, mất tiền. Các đối tượng này yêu cầu người nghe máy làm theo "chỉ dẫn" để chứng minh mình không phải là đối tượng gây tai nạn bằng cách điền thông tin cá nhân vào một website giả mạo, hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý "phạt nguội"... Và đặc biệt khi gọi lại số điện thoại kia thì đều không liên lạc được.

NCSC cho biết, hiện nay các thông tin bị lộ lọt và rao bán trên mạng rất nhiều nên các đối tượng lừa đảo đã sử dụng các thông tin bị lộ lọt của nạn nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Do đó, người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi nhỡ quốc tế. Các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu, hai số tiếp theo không phải là 84 (Mã nước Việt Nam), ví dụ như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226), Thái Lan (+66)… Các cuộc gọi này được gọi máy từ thuê bao nước ngoài tới các số điện thoại di động trong nước với mục đích lừa đảo hoặc để người sử dụng gọi lại và phát sinh cước viễn thông.

Đồng thời, NCSC nhấn mạnh, các cơ quan chức năng khi liên hệ đến làm việc đều gửi văn bản hoặc giấy mời, không làm việc thông qua điện thoại với bất kỳ trường hợp vi phạm giao thông nào.

Cách tra cứu phạt nguội

Để kiểm tra phạt nguội ngay tại nhà, người dân có thể mở trình duyệt trên điện thoại hoặc máy tính và truy cập vào địa chỉ http://www.csgt.vn ở góc phải sẽ có mục Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh. 

Sau đó, người dân cần nhập biển số xe, lựa chọn loại phương tiện và mã bảo mật tương ứng rồi nhấn "Tra cứu".

Nếu có vi phạm, màn hình sẽ ngay lập tức hiển thị thông tin chủ xe, thời gian, địa điểm, đơn vị phát hiện vi phạm, số điện thoại để liên hệ giải quyết. Ngược lại, nếu không có vi phạm, trang web sẽ xuất hiện thông báo "Không tìm thấy kết quả". Việc tra cứu phạt nguội này sẽ giúp chủ xe tránh bị dồn tiền phạt, nhất là ô tô đến lúc đăng kiểm.

Ngoài ra, người dùng cũng có thể cài đặt ứng dụng KGO cho điện thoại thông qua Google Play hoặc App Store. Khi hoàn tất, bạn chỉ cần tạo tài khoản miễn phí hoặc đăng nhập bằng tài khoản Google, sau đó tiến hành tra cứu phạt nguội tương tự như trên.

Đặc biệt ứng dụng còn tự động cảnh báo khi bảo hiểm xe hoặc thời gian đăng kiểm sắp hết hạn. Lưu ý, dữ liệu này được lấy trực tiếp từ trang web của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT).

Nếu tính năng Phạt nguội không trả về kết quả nghĩa là ô tô của bạn chưa vi phạm, CSGT tại địa phương chưa cập nhật dữ liệu… Để tự động nhận thông báo khi xe vi phạm, người dùng nên nhấn Có để thêm xe vào danh sách quản lý.

https://cafef.vn/gia-danh-cong-an-thong-bao-phat-nguoi-de-chiem-doat-tai-san-nguoi-dan-can-luu-y-nhung-gi-de-tranh-bi-mat-tien-20220530095301722.chn

Trọng Trần

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên