Giá đất điểm nóng giảm sâu, nhà đầu tư thờ ơ không xuống tiền
Sau Tết 2021, thị trường bất động sản nổi sóng với liên tiếp các cơn sốt đất. Khi cơn sốt qua đi, kế đó là dịch bệnh bùng phát đã khiến nhiều điểm nóng đất nền đầu năm quay đầu giảm giá. Tuy nhiên, dù hàng cắt lỗ tại những điểm nóng một thời này được rao bán trên thị trường nhưng giới đầu tư lại thờ ơ, không xuống tiền mua.
Giá đất điểm nóng giảm
Đông Anh (Hà Nội) là một trong những điểm nóng bỏng của thị trường bất động sản đầu năm với thông tin quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Ngay sau khi thông tin này xuất hiện trên truyền thông, giá đất liên tục nhảy múa trong thời gian ngắn với tâm điểm Tàm Xá - Xuân Canh - nơi được nghiên cứu xây dựng đồ án quy hoạch phân khu với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha).
Cuối năm 2020, đất mặt tiền một số thôn thuộc Xuân Canh như Lực Canh, Xuân Trạch chỉ có giá bán 30-36 triệu đồng/m2 thì đến tháng 3/2021, khi thông tin quy hoạch rộ lên, giá bị đẩy lên mức 60-70 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền Tàm Xá cũng bị đẩy lên 60-65 triệu đồng/m2.
Ăn theo thông tin quy hoạch tại Tàm Xá - Xuân Canh , đất vị trí đẹp Đông Trù (Đông Hội, Đông Anh) cũng chạm mốc 67-70 triệu đồng/m2, trong khi giữa năm 2020, giá chào bán chỉ là 40-45 triệu đồng/m2. Đất vị trí kinh doanh được tại Tiên Dương, Vĩnh Ngọc cũng bị hét lên 70-80 triệu đồng/m2 trong cơn sốt.
Nhiều lô đất cắt lỗ giá vẫn cao hoặc quá cao so với giá trị thực của đất nên không có giao dịch.
Thế nhưng khi cơn sốt qua đi, dịch bệnh bùng phát, rất nhiều lô đất ở đây được rao bán với giá chỉ còn bằng 2/3 so với thời điểm nóng sốt. Đơn cử, tại Xuân Canh, những lô đất trong cơn sốt nhảy lên 70 triệu đồng/m2 thì giá chào bán thực tại chỉ là 52-55 triệu đồng/m2. Đất tại Đông Trù từng bị đẩy lên 67-70 triệu đồng/m2 thì giá chào phổ biến chỉ là 50-60 triệu đồng/m2.
Một điểm nóng khác của cơn sốt đất đầu năm là Bắc Ninh với thông tin Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022 và thị xã Từ Sơn trở thành TP Từ Sơn trực thuộc tỉnh. Giá đất Bắc Ninh bị đẩy lên một mặt bằng mới với tâm điểm là Từ Sơn. Giá đất vị trí đắc địa như mặt tiền đường lớn kinh doanh buôn bán được thuộc thị trấn Từ Sơn có giá 55-65 triệu đồng/m2. Khu đất gần vòng xuyến 295, thời điểm cuối năm 2020 là 40-50 triệu đồng/m2 thì giá chào bán trong cơn sốt là 70-80 triệu đồng/m2.
Đất kinh doanh Đông Ngàn, Phù Khê cũng từ mức giá 35-38 triệu đồng/m2 bị đẩy lên 57-60 triệu đồng/m2. Đất sâu trong ngõ chỉ dao động phổ biến khoảng 14-17 triệu đồng/m2 thì trong cơn sốt đầu năm cũng bị đẩy lên 23-26 triệu đồng/m2. Thế nhưng cũng giống như điểm nóng Đông Anh, những mảnh đất có giá trên trời trong cơn sốt đất tại đây đang ghi nhận giá rao bán giảm khoảng 20-30% so với giá thời điểm nóng.
Nhà đầu tư hờ hững, không xuống tiền
Thế nhưng dù nhiều lô đất được chào bán cắt lỗ sâu nhưng giao dịch tại những điểm nóng một thời gần như không có. Nhà đầu tư Trần Tuấn Minh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết mặt bằng chung thị trường đang ghi nhận hiện tượng giá đi ngang, cắt lỗ rơi vào trường hợp những nhà đầu tư lướt sóng, dùng đòn bẩy ngân hàng tại những điểm sốt ảo hồi đầu năm. Những nhà đầu tư rao bán cắt lỗ lúc này phần lớn là nhà đầu tư nghiệp dư, lao theo sóng và theo đám đông, khi sóng tắt, họ là người cầm hòn than nóng cuối cùng nhưng không thể truyền hòn than nóng đó sang tay người khác.
Ông Minh cho biết sở dĩ dù cắt lỗ nhưng vẫn không có giao dịch là vì giá có giảm mạnh nhưng vẫn cao hoặc quá cao so với giá trị thực của đất. Những nhà đầu tư không chuyên mua khi sốt đất, giá đã bị đẩy ảo lên nhiều lần nên khi cắt lỗ, thì giá cắt lỗ vẫn chênh lệch so với giá trị thực. Đó là lý do giới đầu tư chuyên nghiệp hờ hững, không xuống tiền với những lô đất cắt lỗ này.
Nhà đầu tư Phạm Văn Tuấn chia sẻ góc nhìn khác: "Nhà đầu tư sành sỏi sẽ mua vào khi thị trường đang chững, trầm lắng như hiện tại nhưng không phải thị trường nào, sản phẩm nào giá đang giảm họ cũng xuống tiền. Việc mua bán với hàng cắt lỗ sâu còn phải gắn với tiềm năng của mảnh đất, khu vực đó trong tương lai. Nếu quy hoạch, hạ tầng gây sốt trước đó còn mù mờ, vẫn bất động trên giấy, không rõ khi nào triển khai thì giới đầu tư chuyên nghiệp sẽ không xuống tiền".
Giải thích về hiện tượng nhiều lô đất tại Đông Anh cắt lỗ nhưng giới đầu tư không mặn mà, nhà đầu tư Nguyễn Thị Thu Thủy, một người đang sống tại Đông Anh cho biết nhiều năm quan sát và đầu tư thị trường này, bà đã chứng kiến rất nhiều cơn sốt ăn theo quy hoạch, hạ tầng, siêu dự án tại đây. Nhưng các thông tin đó phần lớn chưa có động thái triển khai, giá đất liên tục bị đẩy ảo. Do đó, ở thời điểm chững này, với những lô đất cắt lỗ mà giá vẫn ảo ở Đông Anh thì những người đầu tư như bà Thủy không quan tâm, không xuống tiền.