Giá dầu có thể lao dốc xuống còn 30 USD/thùng
"Nếu không có hiệp định cắt giảm, tôi cho rằng giá dầu sẽ xuống mức khoảng 30 USD/thùng. Vì vậy tôi ủng hộ việc kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng khai thác", chuyên gia Gene Marcial nhận định về tương lai của giá dầu nếu không còn hiệp định cắt giảm.
- 22-03-2017Giảm sâu, giá dầu thấp nhất trong hơn 3 tháng
- 18-03-2017Giá dầu chốt tuần tăng lần đầu trong 3 tuần
- 17-03-2017Giá dầu giảm do tin bất lợi từ Mỹ
Cuộc họp ở Kuwait sẽ được tổ chức vào Chủ Nhật tới đây được kỳ vọng các nước thành viên OPEC và ngoài OPEC sẽ ra quyết định kéo dài hiệp ước cắt giảm sản lượng khai thác vào tháng Năm.
Điều này sẽ góp phần to lớn trong việc đẩy giá dầu lên trong bối cảnh dầu thô đang phải trả qua đợt rớt giá thảm hại tới 10% khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi về hiệu quả hiệp ước cắt giảm này. Giá tham chiếu của dầu Brent giảm xuống dưới 50 USD trong tuần này.
Cuối tuần này, đại diện của 5 nước lãnh đạo của hiệp định bao gồm Kuwait, Algeria, Venezuela, Nga và Oman sẽ họp lại để đánh giá mức độ tuân thủ của các nước.
Năm ngoái, các nước thành viên OPEC và ngoài OPEC trong đó có Nga cam kết cắt giảm khoảng 1,8 triệu thùng/ngày trong sáu tháng đầu năm 2017 xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày. Trong đó, OPEC đăng ký cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày và 558.000 thùng/ngày đối với các nước ngoài OPEC.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi các nhà phân tích thị trường mới đây cho thấy OPEC cần phải kéo dài cắt giảm qua tháng Sáu do Mỹ tiếp tục tăng sản lượng khai thác.
Ông Gene Marcial, giám đốc nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy nhận định: "Nếu không có hiệp định cắt giảm, tôi cho rằng giá dầu sẽ xuống mức khoảng 30 USD/thùng. Vì vậy tôi ủng hộ việc kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng khai thác". Ông còn cho rằng Ả-rập Saudi đang cần tăng cường doanh thu từ dầu thô hơn nữa vì vậy mức giá 30-35 USD/thùng sẽ là rắc rối lớn đối với họ.
Hiệp định cắt giảm tháng Mười Hai giữa OPEC và một số nước xuất khẩu dầu khí ngoài OPEC như Nga đã giúp đẩy giá dầu lên trên 50 USD/thùng trong nhiều tuần. Đỉnh điểm vào đầu tháng Một, khi hiệp định mới bắt đầu có hiệu lực, giá dầu lên tới mức 58 USD/thùng trong khi giá dầu WTI cũng tăng tới 55 USD/thùng. Tuy nhiên, chính tín hiệu tích cực từ giá dầu đã kích thích các công ty xuất khẩu dầu thô Mỹ tăng cường sản lượng khai thác hơn do họ đánh cược rằng giá dầu sẽ còn cao hơn nữa.
Thế nhưng họ đã sai. Đầu tháng Ba giá dầu bắt đầu lao dốc do thừa cung trên thị trường tăng trở lại kéo theo đó mối nghi ngại về tính hiệu quả của hiệp định cắt giảm bắt đầu hình thành. Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả-rập Saudi tái khẳng định rằng nước này sẽ không cắt giảm thêm nếu các nước xuất khẩu dầu khí khác vẫn tiếp tục tăng sản lượng.
Người Đồng hành