MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu liệu có phục hồi sau khi OPEC+ đạt thỏa thuận lịch sử?

13-04-2020 - 09:50 AM | Thị trường

Dầu đã tăng vọt trong phiên giao dịch sớm ngày hôm nay 13/4 khi các nhà đầu tư cân nhắc liệu thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử của các nhà sản xuất lớn nhất thế giới có đủ để ổn định thị trường bị virus Covid-19 "kìm hãm" hay không.

Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 6 đã tăng 3,2% lên 32,49 USD/thùng trên sàn giao dịch ICE Futures Europe vào đầu giờ sáng nay tại Singapore. Giá dầu Brent đã giảm 7,7% vào tuần trước và so với cuối năm ngoái giá đã giảm hơn 30 USD, từ mức 66 USD/thùng. Dầu West Texas Intermediate giao tháng 5 cũng tăng 3,9% lên 23,65 USD/thùng tại sàn giao dịch hàng hóa New York sau khi giảm gần 20% vào tuần trước.

Sau nhiều tuần tiến hành cuộc chiến giá dầu, Ả Rập Xê Út và Nga đã cùng bỏ qua bất đồng để tìm kiếm giải pháp để ổn định thị trường thông qua cuộc họp trực tuyến của liên minh OPEC+ tổ chức hôm 9/4 vừa qua. Sau đó 1 ngày, hôm 10/4, các bộ trưởng năng lượng của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng đã cam kết thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để duy trì sự cân bằng giữa các nhà sản xuất dầu và người tiêu dùng.

Kết thúc 4 ngày thảo luận căng thẳng, vào tối muộn hôm qua 13/4 (giờ Việt Nam), OPEC, Nga và các quốc gia sản xuất dầu khác đã đồng ý cắt giảm sản lượng với mức kỷ lục 9,7 triệu thùng mỗi ngày bắt đầu từ tháng 5, chiếm khoảng 10% nguồn cung toàn cầu để hỗ trợ giá dầu giữa đại dịch, chấm dứt cuộc chiến giá cả giữa Ả Rập Xê Út và Nga. Sản lượng cắt giảm này thấp hơn chút so với đề xuất 10 triệu thùng dầu/ngày khi Mexico từ chối xác nhận thỏa thuận ban đầu đạt được vào thứ năm tuần trước (9/4).

"Ả Rập Xê Út, Kuwait và UAE đã tình nguyện cắt giảm sâu hơn so với thỏa thuận, với tổng mức 12,5 triệu thùng mỗi ngày", Bộ trưởng năng lượng Saudi cho biết. Trong khi đó, Mỹ, Brazil và Canada sẽ đóng góp cắt giảm thêm 3,7 triệu thùng và nhóm G20 cũng sẽ cắt giảm thêm 1,3 triệu thùng.

Mexico sẽ giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày, sau khi từ chối mức 400.000 thùng/ngày của thỏa thuận ban đầu. Tổng thống Donald Trump đã cho phép quốc gia Mỹ Latinh này coi một số sự suy giảm nguồn cung theo thị trường của Mỹ là của chính họ.

Giá dầu đã ở trong tình trạng "rơi tự do" kể từ giữa tháng 2 năm nay khi một số nền kinh tế lớn nhất thế giới đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của virus. Trong tuần vừa qua, hợp đồng tương lai dầu tại Luân Đôn đã tăng tới 8% do lạc quan vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhưng điều đó đã nhanh chóng mất đi khi thị trường mở cửa sau thời gian nghỉ 3 ngày của tuần Lễ Phục Sinh.

Giới chuyên gia nhận định thỏa thuận OPEC+ có thể không đủ để ổn định thị trường - nơi mà tổn thất nhu cầu có thể lên tới 35 triệu thùng mỗi ngày và không gian lưu trữ dầu đang dần cạn kiệt nhanh chóng. Ngân hàng Morgan Stanley cho biết, việc cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày sẽ không ngăn được sự tích tụ dầu tồn kho mạnh trong những tháng tới, khiến giá cả tiếp tục chịu áp lực.

"Thỏa thuận này thấp hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường", Andy Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates LLC tại Houston cho biết. "Khó khăn vẫn nằm ở phía trước do thị trường còn rất nhiều hoài nghi rằng liệu OPEC+ có thực sự sẽ đạt được mức giảm gần 10 triệu thùng mỗi ngày hay không".

Goldman Sachs Group Inc. thì gọi thỏa thuận này là thỏa thuận "lịch sử nhưng vẫn chưa đủ". Theo Goldman Sachs, giả sử thoả thuận được tuân thủ đầy đủ bởi các thành viên chính của OPEC và được tuân thủ 50% bởi thành viên khác thì việc cắt giảm tự nguyện của OPEC+ sẽ chỉ khiến sản lượng thực tế trong tháng 5 giảm 4,3 triệu thùng mỗi ngày so với quý đầu tiên. Trong khi đó, nhu cầu trong tháng 4 và tháng 5 tới sẽ sụt giảm ở mức trung bình 19 triệu thùng mỗi ngày.

Amrita Sen, chuyên gia phân tích dầu khí tại công ty tư vấn Energy Aspects Ltd., cho biết, đây không phải là một thỏa thuận lịch sử, nhưng sản lượng cắt giảm này sẽ cần được duy trì trong nhiều tháng, thậm chí phải kéo dài từ 1 năm đến bất cứ khi nào phục hồi được giá dầu.

Tham khảo: Bloomberg

Hoàng Ngân

Trở lên trên