Giá dầu tăng do xung đột Ukraine, 400 tổ máy điện hạt nhân có đủ gánh nguồn điện toàn cầu?
Nhiều quốc gia trên thế giới tỏ ra rất chuộng điện hạt nhân.
- 24-03-2022Ai cũng "chê" dầu thô của Nga nhưng Trung Quốc lại đang "âm thầm" nhập khẩu với mức giá "hời"
Trong bối cảnh xung đột Ukraine, hai nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine đã thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu. Ngày 4/3 theo giờ địa phương, theo hãng thông tấn Ukraine, Zaporizhzhya, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại Ukraine, đã xảy ra hỏa hoạn. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết đám cháy nhanh chóng được dập tắt và không có hiện tượng rò rỉ phóng xạ.
Ngày 9/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã bị cắt điện. Ngày hôm sau, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Evgeny Grabchak nói rằng nhà máy điện hạt nhân đã được khôi phục với sự giúp đỡ của các kỹ sư điện Belarus.
Ông Hàn Văn Khoa cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Năng lượng của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc chia sẻ với The China News Weekly (Trung Quốc) rằng, hai sự cố liên quan tới nhà máy điện hạt nhân nói trên phản ánh vấn đề không phổ biến hạt nhân và an toàn hạt nhân, hơn là việc xây dựng hoặc không xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
"Khi nhà máy điện hạt nhân hoạt động bình thường thì đó là cơ sở dân sự. Nhưng nếu xảy ra sự cố lớn về an toàn rất dễ dẫn đến phổ biến hạt nhân. Ví dụ, mặc dù nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã đóng cửa hơn 30 năm nhưng một số các vật liệu hạt nhân liên quan vẫn còn đó. Để đảm bảo an toàn hạt nhân và không phổ biến hạt nhân thì vấn đề này cần phải được quan tâm và lên các phương án dự phòng", chuyên gia Trung Quốc nói.
Nhiều nước hào hứng với dự án điện hạt nhân
Tháng 2/1942, lò phản ứng hạt nhân đầu tiên trên thế giới Chicago Pile-1 ra đời, đánh dấu sự bước vào kỷ nguyên năng lượng hạt nhân của loài người. Đến tháng 12/1951, lò phản ứng EBR-1 của Mỹ lần đầu tiên sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện. Năm 1954, Liên Xô đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới - Oblinsk. Cho đến nay, đã có ba vụ rò rỉ hạt nhân lớn do các nhà máy điện hạt nhân gây ra: Sự cố Chernobyl ở Liên Xô, sự cố Three Mile Island ở Mỹ và sự cố Fukushima ở Nhật Bản.
Theo ông Triệu Thành Côn, cựu Giám đốc Cơ quan An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, sau những năm 1970, do khủng hoảng dầu mỏ, nhiều nước bắt đầu phát triển năng lượng hạt nhân và xây dựng một số lượng lớn các nhà máy điện hạt nhân.
Lò phản ứng hạt nhân Hoa Long 1 của Trung Quốc. Ảnh: China News Weekly
Sau sự cố hạt nhân Three Mile Island, sự hăng hái của nhiều quốc gia trong việc phát triển điện hạt nhân giảm dần rồi lại tăng dần lên. Sau đó, sự cố Chernobyl đã ảnh hưởng đến thế giới trong vài thập kỷ rồi lại được nhiều quốc gia đón nhận. Sự cố Fukushima ở Nhật Bản đã ảnh hưởng đến sự nhiệt tình đối với năng lượng hạt nhân ở nhiều quốc gia. "Một trong những vấn đề cốt lõi ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là sự chấp nhận của công chúng. Một sự cố điện hạt nhân sẽ có tác động đến tâm lý của công chúng, kéo dài ít nhất từ 10 đến 20 năm", chuyên gia Trung Quốc nói.
Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nhiều nước cũng đã xây dựng thời gian biểu cho việc loại bỏ điện hạt nhân.
Trong số đó, Đức đặc biệt kiên quyết trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, Đức có kế hoạch giảm năng lượng hạt nhân từ 29,5% trong tổng sản lượng điện năm 2010 xuống 11,4% vào năm 2020 và đến cuối năm 2022, tất cả các nhà máy điện hạt nhân sẽ đóng cửa.
Vào tháng 6/2011, Đức đề xuất đóng cửa vĩnh viễn 8 nhà máy điện hạt nhân và hạn chế hoạt động của 9 nhà máy còn lại đến năm 2022; dự thảo này đạt hơn 80% số phiếu ủng hộ trong quốc hội liên bang. Khi ông Triệu Thành Côn đến thăm Đức vào năm 2019, ông thấy 4 đến 5 nhà máy điện hạt nhân được xây dựng ở Đông Đức đã ngừng hoạt động.
Ông Hàn Văn Khoa chỉ ra, điện hạt nhân có một số nhược điểm so với sản xuất năng lượng tái tạo. Ví dụ, về mặt an toàn hạt nhân, nó không thể thực sự hoàn hảo, chi phí xây dựng tương đối cao, và việc xử lý chất thải hạt nhân là một vấn đề toàn cầu. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nguồn năng lượng thay thế khác như khí tự nhiên, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, chi phí sản xuất điện từ năng lượng tái tạo đã giảm nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, số lượng các dự án nhà máy điện hạt nhân mới trên khắp thế giới đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Vì vậy, nhiều quốc gia cho rằng để giành được mục tiêu đạt mức phát thải đỉnh và trung hòa carbon, không nhất thiết phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới.
So với quyết tâm cứng rắn của Đức, lập trường của Pháp, vốn đã lên kế hoạch cắt giảm hạt nhân, đã có một sự thay đổi lớn. Vào tháng 8/2015, Pháp đã thông qua đạo luật chuyển hóa năng lượng phát triển xanh. Theo kế hoạch đến năm 2035, tỷ lệ điện hạt nhân ở Pháp sẽ giảm từ 75% năm 2015 xuống 50% và công suất lắp đặt tối đa sẽ được kiểm soát trong 63,2 triệu kW. Theo mục tiêu này, Pháp sẽ khó xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới. Nhưng vào ngày 10/2 năm nay, Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố, Pháp sẽ xây dựng 6 tổ máy điện hạt nhân từ năm 2028, tổ máy đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động trước năm 2035, và 8 tổ máy mới sẽ được xây dựng trên cơ sở này và đến năm 2050 sẽ sản xuất thêm vào 25 triệu kW.
Một số quốc gia đã bày tỏ sự chào đón năng lượng hạt nhân. Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản Brazil cho biết, nước này sẽ tăng công suất điện hạt nhân thêm 10 triệu kW trong 30 năm tới. Đầu tháng 1 năm nay, bộ này và Trung tâm Nghiên cứu Điện năng Brazil đã ký một thỏa thuận về việc lựa chọn địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.
Vào ngày 21/1 năm nay, Nga và Philippines đã ký một văn bản liên quan đến xây dựng các nhà máy điện hạt nhân công suất nhỏ. Ngày 16/2, Bộ Năng lượng Kazakhstan cho biết, trong trường hợp thiếu điện dự kiến, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là giải pháp hứa hẹn nhất. Mới đây, Tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cam kết sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện nhằm giảm lượng khí thải carbon. Ngoài ra, các quốc gia như Ấn Độ, Nam Phi, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng cho biết sẽ lên kế hoạch cho các dự án điện hạt nhân.
Ngày 10/3, nhóm G7 đã tổ chức cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng năng lượng để thảo luận về các vấn đề năng lượng do xung đột Ukraine gây ra. Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Nhật Bản cho biết, các bộ trưởng năng lượng G7 đã nhất trí tại cuộc họp rằng cần nhanh chóng thực hiện đa dạng hóa các nguồn năng lượng, bao gồm cả việc sử dụng năng lượng hạt nhân.
Theo ông Triệu Thành Côn, trong những năm gần đây, nhiều nước đã tái coi trọng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng một số nước kiên quyết từ bỏ hạt nhân và có quan điểm khác nhau là điều bình thường.
Ông Hàn Văn Khoa thì cho rằng trong những năm gần đây, ngoại trừ Trung Quốc và một số nước, có rất ít nhà máy điện hạt nhân mới ở các nước khác, và các dự án điện hạt nhân mới trên toàn cầu đang trong quá trình giảm mạnh. Mặc dù một số quốc gia muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng hầu hết chưa hình thành chuỗi công nghiệp hạt nhân. Vốn đầu tư của một nhà máy điện hạt nhân rất lớn, thời gian xây dựng thông thường kéo dài hơn 5 năm nên sẽ gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt như lựa chọn địa điểm, chế tạo thiết bị..., trong khi một số dự án liên tục bị đình trệ và cuối cùng phá sản. Trong những năm gần đây, mặc dù nhiều nước có ý xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhưng việc triển khai không thuận lợi. "Gần đây, một số quốc gia đã bày tỏ ý định mở rộng các nhà máy điện hạt nhân, nhưng vẫn còn phải xem liệu cuối cùng chúng có thể thành hiện thực hay không", ông nói.
Nhiều nước trì hoãn cho nhà máy điện hạt nhân "nghỉ hưu"
Ngoài việc lên kế hoạch xây dựng các tổ máy điện hạt nhân mới, một biểu hiện khác của việc nhiều nước “chuộng điện hạt nhân” là kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân hiện có thông qua cải tiến công nghệ.
Chiếc ô tô bị cháy bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya ở Ukraine. Ảnh: Renmin Shijue
Ngày 10/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất các nhà máy điện hạt nhân hiện có của Pháp sẽ tiếp tục hoạt động với tuổi thọ kéo dài từ 40 năm lên hơn 50 năm trong điều kiện đảm bảo an toàn. Tạp chí Caijing (Trung Quốc) cho biết trong số 56 tổ máy điện hạt nhân hiện đang hoạt động ở Pháp, 46 tổ máy đã được đưa vào hoạt động trước năm 1990, có nghĩa là hầu hết các tổ máy điện hạt nhân sẽ phải nghỉ hưu trước năm 2030 nếu tuổi thọ của chúng không được kéo dài.
Vào ngày 3/3, công ty năng lượng Fortum (Phần Lan) đã nộp đơn lên chính phủ, với hy vọng kéo dài tuổi thọ của nhà máy điện hạt nhân Loviisa, đã được sử dụng hơn 40 năm, đến năm 2050 để có được năng lượng sạch và đáng tin cậy. Theo các kế hoạch trước đây, nhà máy điện hạt nhân này sẽ phải đóng cửa vào năm 2030.
"Tuổi thọ thiết kế của các nhà máy điện hạt nhân nói chung là từ 40 đến 60 năm. Các nhà máy điện hạt nhân ở những nước như Nga, Ukraine, Pháp và Mỹ được xây dựng sớm hơn, và công nghệ vào thời điểm đó đã bị tụt hậu so với bây giờ", ông Hàn Văn Khoa cho rằng, hiện nay nhiều nhà máy điện hạt nhân được xây dựng từ thế kỷ trước đã bước vào gia đoạn "trung niên", thậm chí "lão niên", nếu không phá bỏ thì cần phải kéo dài tuổi thọ bằng cách bảo trì và nâng cao biện pháp an toàn.
Ông Triệu Thành Côn nói rằng hầu hết các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới được xây dựng sau những năm 1970. Ngoại trừ một số nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ ba có tuổi thọ thiết kế là 60 năm, hầu hết chúng là thế hệ thứ hai hoặc thế hệ thứ hai cải tiến với tuổi thọ thiết kế trung bình 40 năm.
Hiện nay, hầu hết các giấy phép nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đều được gia hạn mỗi lần 20 năm tùy theo hệ thống kỹ thuật; một số nước chấp thuận gia hạn thêm 10 năm, sau đó phê duyệt thêm 10 năm tùy theo tình trạng của từng tổ máy. Trong những năm gần đây, một số tổ máy ở Mỹ đã được chấp thuận gia hạn hoạt động lên 80 năm trên cơ sở chấp thuận gia hạn hoạt động lên 60 năm.
Chuyên gia Trung Quốc cho biết, trong giai đoạn đầu phát triển các nhà máy điện hạt nhân có những khiếm khuyết về điều kiện kỹ thuật, sau đó, thông qua nâng cấp và cải tiến công nghệ, hiệu suất an toàn cũng được cải thiện đáng kể. "Bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào cũng tồn tại những nguy cơ tiềm ẩn về an toàn ở một mức độ nhất định, có thể được giảm thiểu đáng kể thông qua cải tiến công nghệ, và mức độ an toàn là có thể chấp nhận được".
Trong bối cảnh xây dựng thêm dự án điện hạt nhân mới hoặc kéo dài tuổi thọ của các dự án hiện có, thị trường điện hạt nhân toàn cầu cũng ngày càng trở nên sôi động. Báo Năng lượng Trung Quốc cho biết, trong một báo cáo mới nhất, công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy chỉ ra rằng châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ hiện là ba khu vực có công suất lắp đặt điện hạt nhân cao nhất thế giới. Trong đó công suất của châu Âu chiếm khoảng 1/3 thế giới với hơn 170 lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động, hiện là khu vực có công suất lắp đặt điện hạt nhân cao nhất thế giới. Có khoảng 140 lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động ở châu Á, chỉ đứng sau châu Âu trên thị trường điện hạt nhân toàn cầu, chiếm khoảng 30% công suất lắp đặt. Ngoài ra, tổng công suất điện hạt nhân được lắp đặt ở Bắc Mỹ chiếm khoảng 28% tổng công suất của thế giới, với 112 lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động.
Theo số liệu do Rystad Energy công bố, vào năm 2021, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực điện hạt nhân toàn cầu là khoảng 44 tỷ USD. Tính đến nay, có tổng cộng 52 lò phản ứng điện hạt nhân đang được xây dựng tại 19 quốc gia, trong hai năm tới, đầu tư vào lĩnh vực điện hạt nhân sẽ có xu hướng tăng nhẹ; ước tính đến năm 2022, đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực điện hạt nhân sẽ vượt quá 45 tỷ USD, đến năm 2023 sẽ tăng lên 46 tỷ USD. Được thúc đẩy bởi các yếu tố như quá trình chuyển đổi các-bon thấp, Rystad Energy cho rằng về lâu dài, thị trường điện hạt nhân toàn cầu vẫn tương đối lạc quan và tăng trưởng công suất lắp đặt sẽ tiếp tục.
Cân nhắc dưới nhiều thách thức
Mới đây, CEO Tesla Elon Musk đã kêu gọi châu Âu nên khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân và tăng cường sản xuất điện của các nhà máy điện hạt nhân hiện có. "Năng lượng hạt nhân sẽ tốt hơn nhiên liệu hóa thạch trong giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu", ông nói.
Nhiều quốc gia đã bắt đầu đánh giá lại năng lượng hạt nhân, và họ cũng có những cân nhắc để đối phó với những thách thức như mục tiêu giảm phát thải, cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu.
Vào ngày 12/12/2015, Hội nghị lần thứ 21 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã thông qua Thỏa thuận Paris, mục tiêu dài hạn là kiểm soát mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong khoảng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và cố gắng hạn chế nhiệt độ tăng lên trong 1,5 độ C. Các dự báo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho năm 2050 cho thấy, công suất điện hạt nhân hiện tại sẽ cần ít nhất tăng gấp đôi vào năm 2050 để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Tổng thống Macron mới đây cho biết, nếu Pháp không tiếp tục đầu tư vào năng lượng hạt nhân, nước này sẽ cần 90 nhà máy điện gió trên biển trong vòng 30 năm tới, trong khi đó Pháp chỉ mới xây 1 nhà máy trong 10 năm; nếu hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng tái tạo, Pháp sẽ phải nhập khẩu năng lượng hóa thạch với giá cao. "Nếu không có nguồn năng lượng giá rẻ và ổn định thì sẽ không có ngành công nghiệp ổn định; nếu không có nguồn điện carbon thấp thì không có chuyển đổi năng lượng".
Phân tích của Rystad Energy cho rằng, mặc dù điện hạt nhân đang đối mặt với tình trạng “phân cực”, nhưng không thể phủ nhận rằng điện hạt nhân vẫn là một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Karan Satwani, nhà phân tích của Rystad Energy cho biết, kể từ những năm 1950, năng lượng hạt nhân luôn là nguồn phát điện carbon thấp chỉ đứng sau thủy điện về công suất lắp đặt, khi các chính phủ đặt ra các mục tiêu giảm phát thả, điện hạt nhân phải giữ được vị thế và đây là một vũ khí tuyệt vời chống lại biến đổi khí hậu.
Theo ông Triệu Thành Côn, sau xung đột Ukraine, giá dầu và khí đốt tự nhiên đã tăng lên đáng kể, và nhiều nước đã bắt đầu đánh giá lại năng lượng hạt nhân.
"Xung đột chỉ là tạm thời, yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển bền vững của điện hạt nhân là nền carbon thấp của năng lượng truyền thống. Đa dạng hóa năng lượng là cần thiết. Trong lưới điện, nếu nguồn điện ổn định ở một tỷ lệ nhất định, kết hợp năng lượng sạch, lưới điện sẽ ổn định hơn và khả năng chống chịu các hiện tượng khắc nghiệt bên ngoài cũng tốt hơn".
Ông cho biết hiện nay trên thế giới có hơn 400 tổ máy điện hạt nhân, sản lượng điện chiếm 10% tổng sản lượng điện của thế giới. Từ góc độ nhu cầu năng lượng và các yêu cầu carbon thấp, để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, cần chú trọng phát triển điện hạt nhân. "Dù thế nào đi nữa, điện hạt nhân đã đứng trên vũ đài lịch sử. Cùng với sự cải tiến của công nghệ điện hạt nhân, trình độ vận hành và năng lực điều tiết, sự phát triển của điện hạt nhân cũng theo chiều hướng đi lên. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời dù là năng lượng sạch và chi phí thấp, nhưng chúng không liên tục và không ổn định. Việc phát triển điện hạt nhân là xu hướng tất yếu vì nó có thể cung cấp điện ổn định, liên tục và trên quy mô lớn".
Doanh nghiệp và tiếp thị