Giá dầu tăng mạnh do OPEC + ngừng đàm phán về sản lượng
Giá dầu tăng mạnh sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng một số nước đồng minh (OPEC+) ngừng đàm phán về sản lượng, đồng nghĩa với việc không có thỏa thuận thúc đẩy sản xuất nào được thống nhất được đưa ra.
- 05-07-20212 "đế chế" dầu mỏ mâu thuẫn, OPEC+ bế tắc, thị trường dầu thô đứng trước kịch bản khó lường
- 03-07-2021Chuyên gia dự báo ‘sốc’ về giá dầu năm 2022
Kết thúc phiên 5/7, giá dầu Brent tăng 94 US cent (1,2%) lên 77,11 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,11 USD (1,5%) lên 76,27 USD/thùng.
Các bộ trưởng OPEC + đã từ bỏ các cuộc đàm phán và không ấn định mốc thời gian nào để nối lại việc đàm phán này chúng, sau khi nội bộ nhóm nảy sinh xung đột vào tuần trước, khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ chối việc gia hạn việc hạn chế sản xuất – đã kéo dài 8 tháng.
Những dữ liệu kinh tế tích cực của Châu Âu cũng góp phần đẩy giá dầu tăng. Theo đó, các doanh nghiệp Khu vực đồng euro trong tháng 6 vừa qua đã mở rộng hoạt động sản xuất với tốc độ nhanh nhất trong vòng 15 năm, khi những hạn chế chống Covid-19 được nới lỏng. Kết quả thăm dò sơ bộ cũng cho thấy ngành dịch vụ ở khu vực này cũng đang hồi sinh ngoạn mục.
OPEC+ đã dần nới lỏng những hạn chế về sản lượng, và đến ngày 2/7 đã có kế hoạch nâng sản lượng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 8 đến tháng 12/2021, đồng thời gia hạn thỏa thuận với một loạt những thay đổi sản lượng dần từ nay đến cuối 2022.
Tuy nhiên, UAE trong cuộc họp ngày 2/7 đã phản đối kế hoạch này vào phút chót khi mà Nga và Saudi Arabia đạt được thỏa thuận trước đó, khiến cho cuộc họp bị hoãn lại.
Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia, hôm 4/7 đã lên tiếng kêu gọi "sự thỏa hiệp và hợp lý" để đảm bảo có được một thỏa thuận.
Tuy nhiên, cũng ngày 4/7, UAE đã chỉ trích thỏa thuận sản lượng dầu mỏ hiện nay của OPEC+ là "không công bằng", nhấn mạnh rằng nước này sẵn sàng gia hạn thỏa thuận chỉ khi hạn ngạch khai thác dầu của họ được cân nhắc lại.
Cuộc đối đầu giữa UAE và các quốc gia còn lại trong khối có thể khiến OPEC+ không tăng sản lượng dầu trong những tháng cuối cùng năm nay. Điều này sẽ gây căng thẳng cho nguồn cung trên thị trường dầu mỏ và có nguy cơ lạm phát tăng giá.
Trong nhiều năm, UAE - nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC trong năm 2020, và Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới kiêm vai trò lãnh đạo thực tế của khối, là đối tác thân thiết. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Riyadh và Abu Dhabi gần đây đã trở nên căng thẳng hơn và các nhà phân tích cho rằng điều đó có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bế tắc hiện tại của OPEC.
Trên thực tế, UAE được cho là đã đưa ra ý tưởng rời bỏ OPEC+ vào cuối năm 2020, để bơm thêm dầu và tận dụng khoản đầu tư khổng lồ mà họ đã thực hiện để mở rộng công suất. Kế hoạch cắt giảm sản lượng của UAE được thực hiện vào năm 2018 khi công suất tối đa đạt 3,2 triệu thùng/ngày. Sau đó, các dự án mở rộng khai thác khiến sản lượng dầu tăng và nước này muốn thiết lập lại mức cơ bản lên khoảng 3,8 triệu thùng/ngày.
Nhà phân tích Louise Dickson của Rystad Energy cho biết, viễn cảnh OPEC + không đưa thêm thùng vào thị trường trong tháng 8 tới không chỉ khiến giá dầu tăng mà còn đẩy thị trường "vàng đen" vào vùng biến động.
Bà nói: "Thực tế là cuộc họp ngày hôm nay đã bị hoãn và để có một cuộc họp như thế này thì cần có thời gian cho những cuộc đàm phán bên lề".
ING Economics cho biết việc OPEC + không đạt được thỏa thuận có thể khiến giá dầu tăng, đồng thời "điều đó cũng có thể báo hiệu việc thỏa thuận rộng lớn hơn bắt đầu kết thúc, tức là có nguy cơ các thành viên bắt đầu tăng sản lượng".
Tuy nhiên, nhà phân tích cấp cao Martin King của RBN Energy cho biết, giao dịch thưa thớt trong kỳ nghỉ lễ kỷ niệm Ngày Độc lập của Mỹ đã làm tăng thêm sự biến động và giá có thể đi ngang trong thời gian tới do "sự mệt mỏi của người mua" sau một xu hướng tăng giá dài.
Giá dầu thế giới vừa ghi nhận tuần tăng thứ sáu liên tiếp do nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu nhanh chóng khởi sắc trong bối cảnh nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại và hoạt động đi lại của người dân gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm nay, giá dầu đã tăng hơn 45%.
Tuy nhiên, nếu liên minh OPEC+ tan rã dẫn đến tình trạng mỗi quốc gia tự thực hiện chính sách riêng và bơm quá nhiều dầu ra thị trường, diễn biến của thị trường dầu mỏ sẽ trở nên khó lượng, vì sự bế tắc của OPEC+ diễn ra đúng lúc diễn biến của đại dịch Covid-19 có nhiều sự bất trắc với lo ngại gia tăng về virus Covid-19 biến thể.
Tại Mỹ, các công ty năng lượng đã gia tăng số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần qua, là tuần tăng thứ 3 trong vòng 4 tuần trở lại đây.
Theo chuyên gia phân tích thị trường dầu của Rystad Energy, không loại trừ khả năng thị trường dầu có thể rơi vào một đợt giảm giá sốc như khi chứng kiến Nga rời OPEC+ tại cuộc họp hồi tháng 3/2020 và sau đó là cuộc chiến giá dầu.
Tham khảo: Reuters