Giá điện mặt trời mái nhà dưới 6 cent/kWh phù hợp với tình hình mới
Với mức giá này nhà đầu tư đã có hiệu quả kinh tế, còn Nhà nước cũng có lợi vì có được nguồn điện sạch với giá hấp dẫn…
- 11-03-2021Điện thoại 5G bán chạy không ngờ tại Việt Nam
- 10-03-2021Lộ diện mẫu xe máy điện sắp tới của VinFast?
Chia sẻ tại họp báo Quý I/2021 của Bộ Công Thương ngày 12/3, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) khẳng định Bộ Công Thương đang dự thảo việc giảm giá điện mặt trời mái nhà xuống dưới 6 cent/kWh và điều này là phù hợp với tình hình mới.
Theo ông Dũng, với sự phát triển của khoa học công nghệ, giá thiết bị phục vụ cho việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà giảm nhanh, hiệu suất tấm pin cao hơn nhiều và cho nhiều điện hơn, nên mức giá này được tư vấn đánh giá vẫn mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư và sản xuất một phần điện để bán lên lưới.
“Mức giá này đảm bảo hài hoà lợi ích của cả nhà đầu tư và đơn vị mua điện. Với mức giá này, nhà đầu tư đã có hiệu quả kinh tế, còn Nhà nước cũng có lợi vì có được nguồn điện sạch với giá hấp dẫn, đảm bảo môi trường sạch, góp phần cung cấp điện năng cho đất nước, giảm áp lực đầu tư lưới điện, truyền tải và phân phối điện”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, đặc điểm của điện mặt trời mái nhà là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ và được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện nhưng chỉ có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải.
Tuy nhiên, đây cũng là loại hình năng lượng tái tạo tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối,... do đó cần khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn đang được xem xét, nghiên cứu
Liên quan đến việc Bộ Công Thương chậm sửa đổi biểu giá bán lẻ điện, sắp tới mùa nắng nóng tiền điện có nguy cơ tăng cao bất thường, gây bức xúc cho người dân, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, giá bán lẻ điện được xây dựng phản ánh các yếu tố đầu vào, các chi phí cho toàn bộ chuỗi dây chuyền sản xuất cung ứng điện từ khâu truyền tải, phân phối, từ bán lẻ điện đến các khách hàng sử dụng điện. Bộ đã nghiên cứu xem xét đề án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện, lấy ý kiến rộng rãi các bộ ngành và khách hàng sử dụng điện.
Trên cơ sở đánh giá, góp ý, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng, nhưng Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp các Bộ tiếp tục nghiên cứu, xem xét ở thời điểm phù hợp vào năm 2021, nên hiện nay Bộ vẫn đang xem xét và nghiên cứu.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, song song với việc xây dựng Tổng sơ đồ Điện VIII, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai xây dựng các khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2021 – 2026.
“Về nguyên tắc, khung giá bán lẻ điện này sẽ bám sát vào các khối lượng đầu tư trong khâu phát điện, khâu truyền tải cũng như phân phối. Bộ Công Thương sẽ kiên trì thực hiện điều hành giá điện theo quy định, cũng như định hướng điều hành giá điện theo cơ chế thị trường định hướng tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị”, ông Tuấn khẳng định.
VOV