MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá gạo Thái Lan tiếp tục lập kỷ lục 4 năm

09-06-2017 - 21:17 PM | Thị trường

Giá gạo tại thị trường Thái Lan hôm 8/6 chính thức chạm đỉnh trong vòng 4 năm. Cùng lúc đó, tại thị trường Việt Nam cũng ghi nhận đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng 2 năm do nhu cầu mạnh ở các nước nhập khẩu gạo chủ chốt.

Giá tham chiếu của mặt hàng gạo 5% tấm ở Thái Lan tăng từ mức 450 USD/tấn vào tuần trước lên ngưỡng từ 440-457 USD/tấn.

Kể từ tháng 3 đến nay, giá gạo tăng liên tục, đạt mức kỷ lục kể từ tháng 8/2013 trong tuần này.

Một thương lái ở Bangkok cho biết "Nhiều tàu đã cập cảng trong khi các thương lái tiếp tục gom hàng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu".

Các thương lái hiện đang thu mua gạo với giá cao hơn so với giá lúc ký hợp đồng trong khi một số khác lại ngừng ký hợp đồng mới.

Theo Chính phủ Thái Lan cho biết, kể từ đầu năm nay, nước này xuất khẩu khoảng 5,09 triệu tấn gạo, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường Việt Nam, giá gạo 5% tấm tăng từ mức 390 USD/tấn vào tuần trước lên ngưỡng từ 395 USD- 400 USD/tấn, mức giá cao kỷ lục kể từ tháng 11/2014.

Giá gạo được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tăng ở thị trường Thái Lan và Việt Nam- 2 quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 và thứ 3 trên thế giới, do nhu cầu ở các nước nhập khẩu gạo tiếp tục tăng mạnh trong năm nay.

Theo kế hoạch, Bangladesh sẽ nhập khẩu khoảng 250.000 tấn gạo từ Việt Nam. Thỏa thuận nhập khẩu này là một phần nằm trong kế hoạch tăng dự trữ gạo vốn đang ở mức thấp nhất trong 10 năm nhằm đối phó với tình trạng giá gạo tăng cao trong mùa mưa lũ. Tổng khối lượng gạo nhập khẩu đến cuối năm 2017 sẽ đạt 500.000 tấn. Đồng thời, nước này sẽ mua thêm 1 triệu tấn gạo mỗi năm đến năm 2020.

Trong giai đoạn 2011- 2012, Bangladesh nhập khẩu khoảng 300.000 tấn gạo từ Việt Nam. Thế nhưng sau đó quốc gia này ngừng nhập khẩu gạo từ Việt Nam do sản lượng gạo nước này đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước.

Bangladesh cho biết trong tháng này sẽ nhập khẩu khoảng 600.000 tấn gạo tuy nhiên vẫn giữ nguyên mức thuế nhập khẩu nhằm bảo vệ nông dân trong nước.

Một thương lái ở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay "Hầu hết nông dân và tư thương đang găm hàng để chờ giá cao hơn".

Một thương gia khác cảnh báo: "Các nhà xuất khẩu gạo nên cẩn thận do giá gạo địa phương trong những ngày gần đây đang cao hơn so với mức đạt được thỏa thuận bán, điều này có thể gây lỗ khi xuất khẩu".

Đồng thời, Bangladesh cũng đang đàm phán với Thái Lan và Ấn Độ. Theo thông tin từ Bộ Công Thương cho biết Chính phủ Thái Lan có kế hoạch bán toàn bộ 4,32 triệu tấn gạo dự trữ trong kho quốc gia trong tháng 9 tới. Trong số này, 2,5 triệu tấn gạo chất lượng thấp và hư hỏng chỉ phù hợp sử dụng trong công nghiệp sẽ không ảnh hưởng đến giá gạo mới thu hoạch.

Một thương lái ở Bangkok giải thích xu thể tăng giá lần này không có gì là bất thường khi nhu cầu gạo sắp tới đang tăng mạnh. Ông cũng cho biết thêm do giá gạo được đẩy lên quá cao nên giới thương lái khó mua gạo nội địa để xuất khẩu.

Philippines cũng cho biết trong tháng tới nước này sẽ nhập khẩu 250.000 tấn gạo từ Thái Lan, Việt Nam và rất có thể cả Ấn Độ.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan cho biết trong tháng Tư Philippines nhập khẩu 3.390 tấn, nâng tổng lượng nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm lên 236.612 tấn.

Tại thị trường Ấn Độ, giá gạo 5% tấm tăng 2 USD/tấn lên mức 415 USD- 418 USD/tấn do nhu cầu của thị trường nhập khẩu gạo nước ngoài tăng cao.

"Trong một vài tuần trở lại đây, nhu cầu gạo từ thị trường châu Phi tăng mạnh. Trong bối cảng giá gạo đang ngày một leo thang, một số khách hàng đẩy mạnh mua hàng càng sớm càng tốt để tránh tình trạng giá còn cao hơn nữa", một thương gia ở Kakinada thuộc bang miền Nam Ấn Độ, Andhra Pradesh, cho biết.

Ông còn cho biết thêm, với mức giá hiện tại, gạo Ấn Độ hoàn toàn có thể cạnh tranh được với thị trường quốc tế mặc dù đồng rupee đang tăng cao.

Đồng rupee tăng 5% kể từ đầu năm đến nay, chạm mức cao nhất trong vòng 21 tháng, điều này làm giảm lợi nhuận của các công ty xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo phi basmati của Ấn Độ trong tháng 4 giảm 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 475.050 tấn do rupee mạnh.

Theo Đức Quỳnh

Người đồng hành

Trở lên trên