MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá hàng hóa "bùng nổ", nhưng vì sao các nhà đầu tư và nhà làm chính sách không nên quá hoang mang trước lạm phát?

Giá hàng hóa "bùng nổ", nhưng vì sao các nhà đầu tư và nhà làm chính sách không nên quá hoang mang trước lạm phát?

Những bài học kinh tế đau thương từ cuộc Đại suy thoái và những năm 1970 có thể từng hữu ích, nhưng chúng không còn phù hợp với thế giới ngày nay. Trong một thế giới đang trải qua sự thay đổi triệt để về kinh tế, công nghệ và khí hậu, chúng ta phải nhận ra rằng, không phải lạm phát lúc nào cũng xấu. Đôi khi, chúng rất cần thiết.

Trước những mối lo ngại rằng lạm phát đang bùng phát trở lại, các nhà đầu tư ngày càng hoang mang. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách kỹ lưỡng về ý nghĩa của lạm phát và giảm phát, thì không phải lạm phát nào cũng xấu.

Hàng hóa giảm giá (giảm phát) nhờ cải tiến kỹ thuật sản xuất có thể là giảm phát tốt. Ví dụ, động cơ điện hay thuốc nhuộm hóa học vào cuối thế kỷ 19, hay máy tính (và nhiều mặt hàng tiêu dùng điện tử khác) đã giảm giá rất nhiều trong 50 năm qua, vì tiến bộ công nghệ dẫn đến việc sản xuất ra các mặt hàng này bớt tốn kém hơn trước. Giảm phát này hoàn toàn khác so với khủng hoảng thừa.

Tương tự với giảm phát, cũng có thể có những đợt lạm phát "tốt". Giá chip máy tính tăng vọt hiện nay đang phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung, do đó, việc sản xuất ô tô, tủ lạnh và các sản phẩm khác cũng theo đó mà bị hạn chế. Nhưng khủng hoảng chip không phải ngày tận thế. Thay vào đó, cuộc khủng hoảng này đưa ra cho các nhà sản xuất chip một tín hiệu rõ ràng để tăng cường sản xuất và tăng nguồn cung. Ở đây, việc tăng giá đang đóng một vai trò hữu ích và chúng ta có thể kỳ vọng rằng giá chip sẽ giảm trong tương lai, khi các công ty tăng cường sản xuất.

Hoặc một ví dụ khác, sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế đã làm tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đẩy giá nhiên liệu và năng lượng lên cao. Nhưng sự khan hiếm xăng dầu này là kết quả của cú sốc tạm thời. Chúng không lặp đi lặp lại như cú sốc dầu những năm 1970.

Giá xăng cao hơn chính là tín hiệu cho người tiêu dùng, rằng họ phải tìm cách giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Thông điệp đó phù hợp tuyệt vời với xu hướng chuyển đổi từ các nguồn năng lượng sử dụng nhiều carbon sang các nguồn năng lượng sạch. Một lần nữa, chúng ta nên để giá cả thực hiện đúng chức năng của chúng: hướng dẫn hành vi của người tiêu dùng và các kế hoạch tiêu dùng trong tương lai.

Giá hàng hóa bùng nổ, nhưng vì sao các nhà đầu tư và nhà làm chính sách không nên quá hoang mang trước lạm phát? - Ảnh 1.

Tất nhiên, những ví dụ kể trên thì không thể khẳng định rằng, lạm phát nhất định sẽ khiến cung hàng hóa phục hồi. Giá chip và nhiên liệu cao hơn chỉ đơn giản phản ánh những gì nhà sản xuất và người tiêu dùng cần làm, nên làm chứ không phải thứ họ chắc chắn sẽ làm. 

Tín hiệu giá không phải là một chỉ báo cần bị dập tắt, nó cần phải được giải quyết đúng cách. Giống như việc, không nên cho nhiệt kế của một người bị sốt vào tủ lạnh và mong rằng họ sẽ khỏi ốm. 

Trong lịch sử, các đợt tăng tốc của toàn cầu hóa thường đi kèm với lạm phát gia tăng. Mỗi đợt lạm phát đều khiến các chính trị gia và người tiêu dùng phải lùng sục "thủ phạm" gây tăng giá. Ở những năm 1850-60, giá cả tăng cao được hiểu là phản ứng với việc mỏ vàng mới được tìm thấy, hoặc việc cải cách tài chính sau sự phát triển của các loại hình ngân hàng mới. 

Trong những năm 1970, người ta thường đổ lỗi lạm phát cho các chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ. Nhưng thực tế là trong cả hai trường hợp, tác động của giá đã giúp kích hoạt các thay đổi hành vi, rồi sau đó cách hành vi này lại tạo ra giảm phát tốt. Do đó, những sự tăng giá hiện tại hoàn toàn có thể là "lạm phát tốt".

Để thay đổi tư duy "sợ lạm phát", cần nhìn lại những năm 1990-2000, khi lạm phát mục tiêu từng là vũ khí chính của các ngân hàng trung ương trong việc ổn định giá cả. Trên khắp thế giới, các chính phủ và ngân hàng trung ương đều đồng thuận rằng, tỷ lệ lạm phát 2% - hoặc có thể là 2,5% - (dựa trên chỉ số giá tiêu dùng) là mức hợp lý. Điều này khiến họ luôn lo lắng mỗi khi tỷ lệ này cao hơn, hoặc thấp hơn khoảng 2-2,5% đó.

Tất nhiên, mức lạm phát mục tiêu này phù hợp với một thế giới ổn định, không có những cú sốc lớn. Nhưng chúng ta không sống trong một nền kinh tế "yên bình" như vậy. 

Nền kinh tế Covid-19, khác với tất cả các cú sốc trước đó, đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Cơ chế giá là công cụ mạnh mẽ nhất mà chúng ta có, để truyền đạt sự bất ổn cung cầu, điều mà các nhà sản xuất và người tiêu dùng cần có hành điều chỉnh hành vi của mình để giải quyết. 

Đại dịch đã thúc đẩy đáng kể việc áp dụng công nghệ truyền thông thông tin, tạo ra nhu cầu đầu tư lớn hơn để tạo điều kiện cho các liên kết toàn cầu. Nó cũng đã chứng minh, sự chung tay là quan trọng như thế nào trong việc khắc phục các vấn đề thực sự mang tính toàn cầu như Covid-19.

Tác giả Harold James là Giáo sư Lịch sử và Các vấn đề Quốc tế tại Đại học Princeton và là thành viên cấp cao tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế.

Là một chuyên gia về lịch sử kinh tế Đức và toàn cầu hóa, ông cũng là đồng tác giả cuốn Đồng Euro và Trận chiến của những ý tưởng, là tác giả của Sự sáng tạo và Phá hủy Giá trị: Chu kỳ Toàn cầu hóa, Krupp: Lịch sử của Công ty Đức huyền thoại, Thành lập Liên minh tiền tệ châu Âu, và sắp tới là Cuộc chiến ngôn từ.

Thái Quỳnh

Project Syndicate

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên