MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá hàng hóa sắp có tuần tăng mạnh nhất trong 60 năm

04-03-2022 - 06:42 AM | Thị trường

Giá hàng hóa sắp có tuần tăng mạnh nhất trong 60 năm

Giá hàng hóa tuần này tăng mạnh nhất trong vòng 60 năm do cuộc xung đột Nga – Ukraine dẫn đến những lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây đối với gần như mọi linh vực kinh tế của Nga.

Chỉ số giá hàng hóa nguyên liệu của Bloomberg sắp kết thúc tuần tăng mạnh nhất kể từ ít nhất là năm 1960, khi các ngân hàng, nhà nhập khẩu và chủ hàng buộc phải tránh xa hàng hóa xuất khẩu của Nga. Những mặt hàng tăng giá mạnh nhất là dầu thô – gần chạm 120 USD/thùng, nhôm - lên mức cao kỷ lục lịch sử, và lúa mì – cao nhất kể từ 2008.

Các biện pháp trừng phạt Nga ngày càng tăng đang bóp nghẹt nguồn năng lượng, kim loại và nông sản quan trọng của thế giới, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt kéo dài và lạm phát toàn cầu ngày thêm trầm trọng.

Giá hàng hóa thế giới đồng loạt tăng tiếp trong ngày thứ Năm (3/3), với giá nhôm và dầu cọ đều đạt kỷ lục cao mới, trong khi giá dầu thô và lúa mì cũng lập mức cao nhất mới trong vòng nhiều năm.

Tầm vóc của Nga với tư cách là nhà cung cấp hàng đầu trên thị trường dầu, khí đốt, kim loại, ngũ cốc và vận tải biển có nghĩa là các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt áp dụng đối với một số thực thể của Nga đã làm gián đoạn một số chuỗi cung ứng tài nguyên quan trọng.

Giá nhôm trên Sàn giao dịch kim loại London đã tăng 30% trong năm nay, trong khi lúa mì kỳ hạn tương lai của Mỹ đã tăng 25% chỉ trong tuần này do các thị trường cố gắng đánh giá mức độ tác động của việc nguồn cung của Nga có khả năng bị giảm mạnh nếu cộng đồng quốc tế đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung.

Mỹ đang chuẩn bị một gói trừng phạt nhắm vào nhiều nhà tài phiệt Nga cũng như các công ty và tài sản của họ, khi Washington gia tăng áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin, Reuters dẫn hai nguồn thạo tin về vấn đề này cho biết.

Phiên 3/3, giá dầu thô Brent tăng vượt 118 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 2/2013 khi người mua vật lộn với các vấn đề tài chính và vận chuyển - tuần này đã làm tê liệt hoạt động giao dịch dầu với nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới.

Sam Reynolds, một nhà phân tích tài chính năng lượng của Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA), cho biết: "Xung đột Nga – Ukraine leo thang gây thêm bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu vốn đang quay cuồng với biến động giá cả cực độ trong hai năm qua.

Ngân hàng ANZ của Australia đã nâng dự báo ngắn hạn đối với giá dầu lên 125 USD/thùng, thêm rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể tăng thêm nữa.

Trong lĩnh vực kim loại công nghiệp, giá nhôm kỳ hạn tham chiếu trên sàn London (LME) ngày 3/2 tăng 2,3% lên mức cao nhất mọi thời đại, là 3.650 USD/tấn, trong khi nickel tăng hơn 4% lên 26.935 USD/tấn do các nhà giao dịch cố gắng mua hàng vào lúc này vì lo sợ sẽ mất nguồn cung từ nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới đối với cả hai kim loại này.

Đối với ngũ cốc, Nga và Ukraine ước tính chiếm 28,5% tổng lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu vào năm 2021, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Do đó, giá lúa mì toàn cầu đã tăng mạnh vì lo lắng về sự sụt giảm lớn nguồn cung từ cả hai quố gia.

Giá lúa mì kỳ hạn tương lai giao dịch trên sàn Chicago tăng gần 40% trong tháng qua và đã leo lên mức cao nhất 14 năm, là 11,34 USD/bushel.

Nga và Ukraine cũng chiếm 19% xuất khẩu ngô và 80% xuất khẩu dầu hướng dương trên toàn cầu – là những mặt hàng cạnh tranh với dầu đậu tương và dầu cọ.

Giá dầu cọ Malaysia ngày 3/3 đạt mức cao kỷ lục lịch sử, 6.950 ringgit/tấn, trong khi giá dầu đậu tương Mỹ đạt mức cao nhất kể từ năm 2008.

Giá than kỳ hạn tương lai tại cảng Newcastle – Australia - cũng đang tăng vọt kể từ khi các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, theo đó giá tuần này vọt lên kỷ lục cao, 440 USD/tấn, tăng 100% so với một tháng trước.

Giá hàng hóa sắp có tuần tăng mạnh nhất trong 60 năm - Ảnh 1.

Giá nhiều loại nguyên liệu đạt mức cao kỷ lục lịch sử do căng thẳng Nga – Ukraine.

Các thương nhân đang đánh giá lại mối quan hệ của họ với quốc gia này sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được tung ra, và trong khi nguyên liệu thô cho đến nay đã thoát khỏi các hình phạt trực tiếp, thì họ vẫn buộc phải hết sức thận trọng khi Moscow nhanh chóng trở thành một "đối tượng thương mại" mà các đối tác giao dịch cùng gặp rất nhiều khó khăn.

Giá hàng hóa sắp có tuần tăng mạnh nhất trong 60 năm - Ảnh 2.

Chỉ số giá hàng hóa từ đầu tuần đến nay tăng mạnh nhất kể từ giữa những năm 1970.

Henning Gloystein, một nhà phân tích của Eurasia Group, cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ thấy giá hàng hóa tăng ngột ngột và mạnh mẽ trên diện rộng như vậy." Chừng nào căng thẳng con chưa hạ nhiệt đáng kể, mức giá kỷ lục hoặc hoặc xu hướng tăng do các lệnh trừng phạt và chuỗi cung ứng bị gián đoạn sẽ tiếp diễn đối với nhiều mặt hàng."

Chỉ số giá hàng hóa nguyên liệu của Bloolberg - BCOM Spot Spot index, chỉ cập nhật vào cuối mỗi phiên giao dịch toàn cầu, đã tăng 8,6% tính từ đầu tuần này đến hết thứ Tư (2/3) (3 ngày), ước tính vượt xa cả mức tăng 9,7% (tính đủ 5 ngày của tuần) trong tuần tính đến tháng 9 năm 1974 - ở giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng dầu mỏ của thời đại đó – dự kiến sẽ thiết lập một kỷ lục mới nếu không có sự đảo ngược đáng kể vào thứ Sáu tới (4/3)

Việc Nga thực hiện "Chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine được đánh giá là sẽ làm rung chuyển các mối quan hệ quốc tế và định hình lại nền kinh tế Tây Âu, như lời Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, nói với các nhà lập pháp hôm thứ Tư (2/3). Một nhà kinh tế nông nghiệp kỳ cựu, Scott Irwin tại Đại học Illinois, cho biết đây có lẽ là một "cú sốc lớn nhất đối với thị trường ngũ cốc toàn cầu" trong cuộc đời của mình.

Cuộc xung đột này gây nguy cơ cho nền kinh tế toàn cầu, làm phức tạp thêm những nỗ lực của các ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát đang gia tăng. Việc OPEC + quyết định giữ nguyên kế hoạch sản lượng của mình sẽ càng làm tăng thêm những rủi ro đó khi giá dầu tăng đột biến, tác động lây lan sang các thị trường khác.

"Hàng hóa thường hoạt động tốt vào cuối chu kỳ kinh doanh - và trong thời kỳ toàn cầu hỗn loạn – hàng hóa sẽ trở thành một công cụ bổ sung để chống lạm lạm phát và sự đứt gãy các chuỗi cung ứng", Greg Sharenow và Andrew DeWitt, các nhà quản lý của Pacific Investment Management Co. viết trong một bài đăng trên blog.

Tham khảo: Reuters, Bloomberg

https://cafef.vn/gia-hang-hoa-sap-co-tuan-tang-manh-nhat-trong-60-nam-20220303172439064.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên