Giá lợn hơi đột ngột đảo chiều, người chăn nuôi tránh đi vào 'vết xe đổ'
Chỉ trong vòng 2 tuần trở lại đây, giá lợn hơi bất ngờ tăng mạnh từ vùng 28.000 - 30.000 đồng/kg lên 40.000 - 42.000 đồng trong sự ngỡ ngàng của người chăn nuôi.
- 18-07-2017Cục Chăn nuôi: Không nên kỳ vọng giá thịt lợn sẽ cao hơn nữa
- 15-07-2017Trung Quốc mua gom thịt lợn: 'Không cẩn thận, lại phải giải cứu'
- 13-07-2017Thịt lợn tăng mạnh: 6 tháng lỗ nặng mới bắt đầu hòa vốn
Lí do nào khiến giá lợn đảo chiều đột ngột như vậy và người chăn nuôi nên làm gì trước hiện tượng này?
Cục Chăn nuôi khuyến cáo người chăn nuôi lợn nên bình tĩnh, không nên vội tái đàn thời điểm này
Đầu tiên xin được chia vui với người chăn nuôi, với giá lợn hơi trên 40.000 đồng/kg thì bà con không chỉ thoát lỗ mà còn bắt đầu có lãi, bởi giá thành 1kg lợn hơi của ta hiện nay xung quanh 37.000 đồng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận lại là dù tăng mạnh, song thực tế giá lợn hơi trên 40.000 đồng chỉ bằng giá trung bình của nhiều năm trước. Câu chuyện cần đem ra mổ xẻ ở đây là tại sao chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần mà giá lợn hơi lại có thể tăng từ 28.000 lên 42.000 đồng?
Qua tìm hiểu, việc giá lợn hơi tăng mạnh trong thời gian ngắn kéo theo giá lợn giống từ 300.000 đồng/con hơn 20 ngày tuổi tăng lên 800.000 đồng - 1 triệu đồng xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản sau.
Đầu tiên, trong giai đoạn khủng hoảng giá lợn từ tháng 12/2016 đến tháng 6/2017, do áp lực về giá nên có hiện tượng người chăn nuôi bán tống, bán tháo cho bằng hết những lứa lợn đã được xuất chuồng hoặc chuẩn bị được xuất chuồng. Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi, giai đoạn này tiêu thụ hết khoảng gần 2 triệu con lợn nên tổng đàn lợn của ta giảm từ 29 triệu con xuống còn khoảng 27 triệu con. Về lợn nái, số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi cũng ghi nhận mức giảm khoảng 500.000 - 570.000 con nên đàn nái cũng giảm từ 4,2 triệu con xuống 3,7 triệu con.
Lí do thứ 2 cũng phải kể đến là sự chung tay chia sẻ, hỗ trợ người nuôi lợn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là lực lượng vũ trang cộng với việc thông tin, tuyên truyền của báo, đài, mạng xã hội cũng mang lại những tác động khá tích cực giúp ổn định tâm lí người chăn nuôi nên hiện tượng bán tháo ồ ạt không còn. Bên cạnh đó, người chăn nuôi đã thận trọng, cảnh giác hơn trước khi có ý định tái đàn hay giảm đàn.
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, đúng là thời gian gần đây có hiện tượng đột biến giá, khan hiếm tại một số vùng nhạy cảm do thiên tai, lũ lụt, song đó chỉ là hiện tượng cục bộ, không phản ánh được cho toàn thị trường. Bên cạnh đó, khi thấy giá lợn bất ngờ tăng mạnh, một số chủ trại tạm thời dừng bán với hy vọng sẽ bán được giá cao hơn nên tạo hiện tượng khan hiếm giả. Một số hộ chăn nuôi khác nhanh chóng đi mua gom lợn con, lợn choai với hy vọng kịp bán ở vùng giá trên 40.000 đồng nên tạo ra tâm lí “sốt ảo” ngắn hạn.
Lợn con cai sữa 6-8kg
Trước sự biến động của giá lợn thời gian vừa qua, ông Vân cho biết, Cục Chăn nuôi khuyến cáo bà con cần hết sức bình tĩnh, không nên dựa vào sự phục hồi “đột biến” của giá lợn để kỳ vọng mức giá cao hơn. Bởi theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, với tổng đàn nái khoảng 3,7 triệu con và tổng đàn lợn 29 triệu con là đủ cung cấp cho toàn bộ nhu cầu giống và thịt lợn trong nước. Do đó, nếu lợn đã đến tuổi xuất chuồng, đã đạt trọng lượng bà con nên bán, không nên giữ bởi rất khó để giá tăng cao hơn nữa.
Đặc biệt, nếu những hộ chăn nuôi nào có ý định tái đàn cần phải xác định rõ mô hình hoạt động theo liên kết theo chuỗi, thành lập HTX hay gia công cho các doanh nghiệp FDI, bởi thực tế cuộc khủng hoảng vừa qua cho thấy những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô vài chục con là đối tượng thua lỗ nặng nề nhất vì bị động, thiếu đồng bộ, chuyên nghiệp cũng như thiếu thông tin thị trường.
+ Trước luồng thông tin nghi ngờ có hay không sự thao túng giá cả lợn hơi, lợn giống trên thị trường hiện nay của các doanh nghiệp ngoại, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân khẳng định không có chuyện đó, bởi thực tế doanh nghiệp FDI có quy mô chăn nuôi lợn lớn nhất Việt Nam hiện nay là CP thời điểm cao nhất cũng chỉ chiếm 9,2% tổng đàn lợn của Việt Nam còn bình thường chỉ chiếm khoảng 6,2%, không đủ thị phần để chi phối. Bên cạnh đó, bản thân CP từ đầu năm đến nay cũng đang bị thua lỗ rất lớn từ lợn nên không có lí do gì họ lại tự làm khó chính mình.
+ Một luồng thông tin khác cho rằng, giá lợn hơi tăng mạnh hiện nay do phía bên kia biên giới thu mua trở lại. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy hiện giá lợn hơi ở khu vực biên giới chỉ khoảng 38.000 - 39.000 đồng/kg, thấp hơn trong nội địa nên không có chuyện nguồn cung này tăng đột biến. Có chăng là cuối tháng 6 vừa qua, khu vực phía Nam Trung Quốc bị lũ lụt nặng nên có xảy ra khan hiếm lương thực cục bộ và đúng là có khoảng thời gian rất ngắn một lượng khá lớn lợn mỡ trên 1 tạ tồn lại của Việt Nam đã được giải phóng hết, từ đó gián tiếp tạo hiệu ứng tăng giá cho lợn hơi trọng nội địa hiện nay.
Nông nghiệp Việt Nam