Giá lợn hơi giảm trong 'bão giá' thức ăn chăn nuôi
Ảnh minh họa.
Nguồn cung trong nước đảm bảo nhờ việc tái đàn ở các địa phương diễn ra thuận lợi trong khi nhu cầu ở mức thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã giúp giá lợn hơi thời gian qua giảm. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn khi tính toán việc tái đàn.
- 29-05-2021Giá lợn hơi giảm kỷ lục, vì sao người dân vẫn mua đắt?
- 20-05-2021Giá lợn hơi chạm đáy nhiều năm nhưng thịt ngoài chợ vẫn cao
- 17-05-2021Giá lợn hơi xuống thấp nhất trong một năm qua
Giá lợn hơi giảm, nhập khẩu thịt tăng
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 5/2021, giá lợn hơi biến động giảm do nguồn cung trong nước được đảm bảo, việc tái đàn ở các địa phương diễn ra thuận lợi trong khi nhu cầu vẫn ở mức thấp do tác động của dịch COVID-19. Hiện, giá lợn hơi ở nhiều địa phương đã xuống dưới mức 70.000 đồng/kg.
Trên thực tế, giá lợn hơi đã có xu hướng giảm ngay trong quý I/2021. So với cuối năm 2020, giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên vào cuối tháng 3/2021 giảm 3.000-4.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Nam giảm 2.000-3.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi giảm trong bối cảnh nguồn cung đang dần phục hồi sau khi chịu tác động bởi dịch tả lợn châu Phi. Thời gian tới, dự báo giá lợn hơi không có nhiều biến động do dịch tả lợn châu Phi đang được khống chế tốt, đàn lợn ở các trang trại lớn tăng nhanh, nguồn cung các loại thịt gà, thịt bò, cá, tôm và thịt nhập khẩu về nhiều.
Riêng quý I, lượng thịt lợn nhập khẩu tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2020 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Trong đó, riêng mặt hàng thịt lợn, quý I/2021 Việt Nam nhập khẩu 34.650 tấn, trị giá 80,07 triệu USD, tăng 101,4% về lượng và tăng 102,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong quý I/2021 với 16.550 tấn, trị giá 44,85 triệu USD, tăng tới 1.116,5% về lượng và tăng 1.002,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.Trong khi nguồn cung trong nước đang dần phục hồi thì lượng thịt nhập khẩu về vẫn không đổi. Theo Tổng cục Hải quan, quý I/2021, Việt Nam nhập khẩu 169.290 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 337,18 triệu USD, tăng 0,5% về lượng và tăng 22,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Ấn Độ, Mỹ, Nga, Ba Lan và Brazil là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.
Giá tới tay người tiêu dùng giảm "nhỏ giọt"
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), với mức giá lợn hơi như hiện nay, người chăn nuôi nhỏ lẻ đứng trước nguy cơ thua lỗ do giá thức ăn chăn nuôi đang tăng chóng mặt.
"Do giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng quá cao, từ 20-30%, nhiều nông hộ sợ rủi ro nên có tâm lý bán sớm, trong khi đó, do tác động của dịch COVID-19 khiến hàng quán, nhiều khu công nghiệp đóng cửa, vận chuyển khó khăn hơn khiến giá lợn hơi giảm. Với đối tượng chăn nuôi nông hộ phải mua con giống đắt, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng thì nguy cơ thua lỗ cao", ông Trọng nói.
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, có một nghịch lý là giá thịt lợn ở các chợ nói riêng và giá thịt đến tay người tiêu dùng nói chung lại giảm rất nhỏ giọt, bình quân vẫn ở mức 120.000-130.000 đồng/kg.
"Nguyên nhân là do có quá nhiều khâu trung gian trong quá trình phân phối thịt lợn ra thị trường, dẫn đến chưa hài hòa lợi ích giữa 3 khâu sản xuất, cung ứng, tiêu dùng. Trong khi người chăn nuôi có nguy cơ thua lỗ thì người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao", ông Trọng phân tích. Từ thực tế đó, ông Trọng cho rằng, cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa các mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị.
Nhận định về giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới, ông Trọng cho rằng, giá thức ăn chăn nuôi có thể sẽ còn tăng trong thời gian tới nhưng không tăng quá cao, bởi nếu tăng quá cao, vượt sức chịu đựng của nông hộ, người chăn nuôi dè dặt tái đàn thì doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng không có lợi.
Chinhphu.vn