MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá mủ cao su 'nhúc nhích'

08-11-2016 - 16:00 PM | Thị trường

Giá mủ cao su bắt đầu giảm mạnh từ năm 2014 đã khiến không ít người trồng cao su tiểu điền và các doanh nghiệp cao su khó khăn.

Để “tự cứu” mình, nhiều nông dân đã chặt bỏ hoàn toàn hay một phần diện tích cao su, chuyển sang trồng cây khác hiệu quả kinh tế hơn…

Tuy nhiên, kể từ đầu vụ thu hoạch năm nay, giá mủ cao su đang dần “quay đầu”. Suốt mấy tháng qua, khi những cơn mưa xuất hiện ngày càng nhiều cũng là thời điểm bước vào vụ thu hoạch mủ cao su năm 2016. Giá mủ nước nhiều nơi tương đối ổn định với mức cao hơn so với cuối năm 2015.

Cụ thể, các đại lý thu mua mủ cao su tại khu vực Đông Nam bộ cho biết, giá mủ cao su tươi mua vào từ 6.500 - 12.000 đồng/kg (tăng 1 - 2,5 triệu đồng/tấn so với hồi đầu tháng 9/2016). Giá mủ cao su dạng nước tại Bình Phước tăng từ 6.720 đồng/kg lên 7.040 đồng/kg và 7.400 đồng/kg đối với mủ tạp 32 độ.

Nguyên nhân giá mủ cao su tươi tăng là do một số nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn đã giảm sản lượng khai thác vì giá mủ thời gian qua quá rẻ, có lúc chỉ bằng 2/3 giá hiện tại.

Cùng với đó, mặt hàng cao su thiên nhiên đã ổn định được thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc vì nhu cầu sản xuất săm lốp ô tô của thị trường này đang đà tăng nhẹ. Còn tính từ mức đáy gần nhất vào giữa tháng 6/2016, đến nay giá mủ cao su thế giới đã tăng xấp xỉ 20%.

Riêng về cao su sơ chế SVR3L, hồi quý 1/2016, giá dao động ở mức 26 - 28 triệu đồng/tấn, vào cuối tháng 4/2016 bỗng tăng lên 37 triệu đồng/tấn nhưng kéo dài không bao lâu. So với mức giá chạm đáy hồi đầu năm 2016 là 26 triệu đồng/tấn thì với mức giá 33-34 triệu đồng/tấn đã và đang mang lại chút ít hy vọng.

Tuy vậy nhiều chủ vườn cao su tiểu điền ở Bình Dương nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung vẫn chưa thật sự yên tâm với giá mủ cao su, bởi trong những năm gần đây, giá mủ cao su chưa bao giờ tăng cao một cách đột biến.

Chị Minh Phượng, một nông dân sở hữu gần 12 ha cao su ở Bình Dương cho biết: “Theo tính toán, 1 ha cao su trồng giống tốt, chăm sóc, khai thác theo đúng quy trình kỹ thuật, mỗi lần cạo thu được 60kg mủ nước, giá bán 300 đồng/độ, tức khoảng 9.000 đồng/kg, trừ tiền công cạo 160 - 170 ngàn đồng, nông dân thu lãi 370 ngàn đồng, tính chi phí đầu tư khoảng 30% thì lãi ròng là 250 ngàn đồng.

Nếu cạo chế độ D3 (2 ngày nghỉ, 1 ngày cạo), tức lãi ròng 3 triệu đồng/tháng, đối với một số ít nhà vườn có diện tích tập trung 10ha cao su thì con số lợi nhuận 30 triệu đồng/tháng vẫn có ý nghĩa.

Còn đối với doanh nghiệp trồng cao su, dù giá mủ đang là 33 - 34 triệu đồng, ngang bằng với mức giá trung bình của 6 tháng đầu năm 2015, nhưng vẫn có thể thu lãi 8 - 9 triệu đồng/tấn do các doanh nghiệp đang tạm hạch toán chi phí giá vốn 25 triệu đồng/tấn. Với giá bán nói trên, lợi nhuận ở mức chấp nhận được”.

Trong khi ấy theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), giá mủ cao su tăng một phần do yếu tố hạn hán, đặc biệt sau khi Thái Lan cho biết sản lượng cao su của nước này giảm 50%. Một lý do nữa là do tiêu thụ săm lốp ô tô trên thế giới tăng. Chưa hết, việc giá dầu tăng nhẹ cũng là động lực kéo giá cao su tăng theo.

Như đã nói, việc giá mủ cao su đang dần phục hồi, thời tiết tương đối thuận lợi hơn đã tạo ra bước đà mới cho người trồng cao su. Tuy nhiên người nông dân vẫn cần thiết có chế độ khai thác hợp lý để có thể bảo vệ và duy trì sản lượng vườn cây một cách ổn định. Cần lưu ý rằng lợi nhuận được mang lại gồm nhiều yếu tố, đặc biệt là năng suất vườn cây.

Người trồng cao su (nhất là cao su tiểu điền) cần hết sức quan tâm đến việc chăm sóc vườn cây và đảm bảo quy trình chăm sóc, khai thác để có được năng suất tốt nhất. Lý do vì trong mọi tình huống, năng suất vẫn là yếu tố quyết định bởi nếu giá bán có hơi thấp thì năng suất cao người trồng vẫn có lợi nhuận!

Sau hơn 3 năm liên tiếp rớt giá, liệu giá mủ cao su có trở lại thời kỳ vàng son như từng được ví von là “vàng trắng” hay không vẫn cần phải chờ. Song với diễn biến của giá mủ cao su vài tháng qua cũng tạm làm “ấm lòng” người trồng cao su. Hy vọng giá mủ cao su khởi sắc để người nông dân và những lao động sống bằng nghề cạo mủ thuê sớm tìm lại được nụ cười…

Theo Nguyễn Sinh

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên