Giá nguyên liệu hạ nhiệt, ngành chăn nuôi sắp bước vào giai đoạn 'dễ thở' hơn
Thị trường nông sản bước vào tháng 7 tiếp nối đà giảm và đi cùng với những phiên biến động cực kì mạnh mẽ. Sau giai đoạn khó khăn do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng phi mã kể từ cuối năm ngoái, áp lực đối với các doanh nghiệp chăn nuôi đang dần được gỡ bỏ.
- 30-06-2022Giá thức ăn chăn nuôi lại "nhảy múa"
- 29-06-2022Nhiều công ty tăng giá thức ăn chăn nuôi
- 24-06-2022Chi phí tăng cao, người chăn nuôi ở Tiền Giang điêu đứng
- 19-06-2022Thế khó của ngành chăn nuôi heo
Chỉ trong 2 tuần vừa qua, thị trường nông sản đã liên tiếp đón nhận 3 báo cáo quan trọng cho thấy cơ cấu cung - cầu thế giới đang có sự dịch chuyển. Những số liệu này đã góp phần củng cố cho kỳ vọng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay. Đây là những tín hiệu đáng mừng đối với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nông sản của nước ta.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá hợp đồng ngô Chicago kỳ hạn tháng 12 tính đến hết phiên 14/07 đã ghi nhận mức sụt giảm tới hơn 20% kể từ vùng đỉnh vào tháng 5. Giá ngô giao trong 3 tháng cuối năm được chào bán tại cảng Vũng Tàu cũng hạ xuống về vùng 8000 đồng/kg.
Các báo cáo quan trọng đều cùng dự báo nguồn cung nới lỏng
Báo cáo Cung – cầu nông sản thế giới tháng 7 được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào ngày 12/7 vừa qua đã thể hiện đánh giá tích cực hơn về triển vọng nguồn cung toàn cầu. Theo đó, tồn kho ngô trên thế giới cuối niên vụ 22/23 dự tính sẽ tăng 2,5 triệu tấn lên mức 312,9 triệu tấn, vượt mức kỳ vọng của thị trường.
Ngoài ra, diện tích gieo trồng ngô tại Mỹ mở rộng cũng kéo theo tồn kho ngô Mỹ cuối niên vụ 22/23 được dự báo sẽ cải thiện lên 37,3 triệu tấn, vượt mức kỳ vọng của thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thời tiết và năng suất mùa vụ tại quốc gia sản xuất nông sản lớn nhất thế giới sẽ là yếu tố đóng vai trò quyết định với sản lượng và ảnh hưởng phần lớn tới xu hướng giá ngô.
Mặc dù các số liệu tại Brazil và Argentina vẫn được USDA duy trì ước tính so với báo cáo tháng 6 nhưng tình trạng mùa vụ hiện tại cũng định hướng thị trường theo góc nhìn tích cực hơn về nguồn cung. Theo Hãng tư vấn nông nghiệp AgRural, tiến độ thu hoạch vụ ngô thứ 2 tại Brazil đã đạt 40,5% diện tích dự kiến, nhanh hơn nhiều so với mức 19,8% trong cùng kỳ năm ngoái. Thời tiết khô nóng phù hợp cho hoạt động thu hoạch đã giúp mùa vụ năm nay diễn ra nhanh nhất trong lịch sử và hạn chế rủi ro cây trồng sẽ trải qua giai đoạn sương giá trong giai đoạn tới.
Hoạt động xuất khẩu ở Ukraine được cải thiện
Những lo ngại về vấn đề gián đoạn nguồn cung tại khu vực Biển Đen đang dần được xoa dịu. Trong vòng 4 ngày qua đã có tới 16 tàu vận tải quốc tế di chuyển qua cửa sông Bystre và cập cảng của Ukraine để vận chuyển ngũ cốc ra thị trường thế giới. Ngoài ra, hơn 90 tàu khác đang chờ đến lượt di chuyển tại kênh Sulina của Romania. Các quan chức Ukraine đang đàm phán với những người đồng cấp tại Romania và đại diện của Ủy ban châu Âu để tăng số lượng tàu di chuyển tại kênh Sulina. Nếu đạt được thỏa thuận, dự kiến xuất khẩu ngũ cốc hàng tháng của Ukraine sẽ tăng thêm 500.000 tấn.
Sau giai đoạn chật vật đi tìm con đường xuất khẩu thay thế, cùng với sự hỗ trợ từ các nước phương Tây, đây có thể sẽ là lựa chọn tốt nhất để giúp Ukraine có thể đưa ngũ cốc tiếp cận với thị trường nhập khẩu. Hoạt động bán hàng và vận chuyển thuận lợi sẽ giúp giải phóng các kho chứa hiện tại và gia tăng năng lực dự trữ trước khi giai đoạn thu hoạch cho mùa vụ mới diễn ra.
Các nhà máy chăn nuôi nên tận dụng thời điểm
Mặc dù giá nguyên liệu nhập khẩu đã giảm đáng kể so với giai đoạn đầu năm nay nhưng khối lượng mua hàng của các nhà máy vẫn đang khá chậm. Theo số liệu từ Hải quan, nhập khẩu ngô trong tháng 6 của Việt Nam đạt 1 triệu tấn, giảm nhẹ so với trong tháng 5. Tổng lũy kế nhập khẩu ngô về Việt Nam kể từ đầu năm 2022 đạt mức 4,55 triệu tấn, thấp hơn 14,4% trong cùng kỳ năm ngoái.
Với kỳ vọng giá có thể sẽ tiếp tục suy yếu trong thời gian tới, lượng ngô nhập khẩu trong tháng 7 được dự báo cũng thấp hơn. Tuy nhiên, MXV cho biết, khô hạn ở Mỹ vẫn là yếu tố cần lưu ý trong 2 tháng tới, giai đoạn phát triển quan trọng nhất của cây trồng. Nếu như tình trạng nắng nóng ở Midwest vẫn không cải thiện, năng suất ngô và đậu tương sẽ đứng trước nguy cơ sụt giảm và kéo theo mức sản lượng thu hoạch cũng thấp hơn dự báo hiện tại. Lo ngại trên sẽ khiến cho các mặt hàng nông sản có thể sẽ vẫn neo ở vùng giá hiện tại và khó có thể giảm xuống thấp hơn mức cùng kỳ năm ngoái.