MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá nguyên liệu tăng cao, Nhựa Tiền Phong (NTP) báo lãi sau thuế 9 tháng giảm 39% so với cùng kỳ

19-10-2018 - 11:09 AM | Doanh nghiệp

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến lợi nhuận Nhựa Tiền Phong giảm sút là không còn được nhận khoản lãi gần trăm tỷ từ công ty liên kết.

CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán NTP) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018 với kết quả bất ngờ lợi nhuận sau thuế giảm sút hơn một nửa so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu trong quý đạt 1.138 tỷ đồng, giảm 11% trong khi chi phí giá vốn chỉ giảm 5% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn gần 323 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu bán hàng trong nước chiếm gần trọn vẹn tổng doanh thu bán hàng của công ty, doanh thu xuất khẩu chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân, phía công ty cho biết giá nguyên liệu tăng cao làm ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của công ty.

Giá nguyên liệu tăng cao, Nhựa Tiền Phong (NTP) báo lãi sau thuế 9 tháng giảm 39% so với cùng kỳ - Ảnh 1.

Chi phí tài chính tăng 7 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 27,5 tỷ đồng. Trên bảng cân đối kế toán công ty thể hiện, tổng nợ phải trả cuối kỳ 2.338 tỷ đồng, tăng 163 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.679 tỷ đồng, tăng 224 tỷ đồng so với đầu kỳ còn dư vay nợ thuê tài chính dài hạn cũng tăng 56 tỷ đồng, lên mức 293 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý, trong quý 3 năm nay Nhựa Tiền Phong chỉ ghi nhận chưa đến 10 tỷ đồng lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết, giảm đến gần 73 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trong quý giảm sút mạnh. Giải trình kỹ hơn về chênh lệch lợi nhuận này, phía công ty cho biết do việc phát hành tăng vốn tại công ty liên kết – CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam đã tạo ra thặng dư vốn cổ phần và làm ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận trong báo cáo hợp nhất này với giá trị 69,8 tỷ đồng.

Nhựa Tiền Phong có 2 công ty liên kết là CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (đầu tư 237,4 tỷ đồng) và CTCP Bao bì Tiền Phong (đầu tư 11,14 tỷ đồng). Ngoài ra công ty vẫn đang duy trì khoản đầu tư cổ phiếu dài hạn vào Nước sạch Nam Định (gần 47 tỷ đồng), vào CTCP Công nghệ thiết bị Tiền Phong (5,14 tỷ đồng), vào Trái phiếu ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (150 tỷ đồng) và đầu tư mới vào Cấp thoát nước tỉnh Hà Giang (1,12 tỷ đồng). Như vậy so với thời điểm cuối quý 3/2017 thì các khoản đầu tư của NTP đã tăng đáng kể.

Giá nguyên liệu tăng cao, Nhựa Tiền Phong (NTP) báo lãi sau thuế 9 tháng giảm 39% so với cùng kỳ - Ảnh 2.

Nhờ tiết giảm được 56 tỷ đồng chi phí bán hàng và 13 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp nên kết quả quý 3 Nhựa Tiền Phong vẫn báo lãi 82 tỷ đồng trước thuế, giảm 52% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 72,2 tỷ đồng.

Theo giải trình của NTP, trước những biến động tăng giá mạnh của thị trường, công ty đã điều chỉnh lại thời gian khấu hao TSCĐ, từ đó làm giảm chi phí khấu hao so với cùng kỳ năm trước là 80,4 tỷ đồng. Đồng thời công ty đã cân đối lại chính sách bán hàng, từ đó giảm chi phí bán hàng tương ứng so với cùng kỳ là 76 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 doanh thu Nhựa Tiền Phong đạt 3.209 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2017 và thực hiện được 67% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 253,5 tỷ đồng, mới hoàn thành 53% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. Lợi nhuận sau thuế đạt 222 tỷ đồng, giảm 39% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm 2017.

Cùng với kết quả kinh doanh sụt giảm, trên thị trường giá cổ phiếu NTP cũng giảm mạnh từ đầu năm 2018 đến nay, từ vùng giá 68.000 đồng/cổ phiếu xuống 47.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giảm đến 30%. Trong đó có thời điểm NTP còn giảm sâu về mức giá xấp xỉ 40.000 đồng/cổ phiếu.

Giá nguyên liệu tăng cao, Nhựa Tiền Phong (NTP) báo lãi sau thuế 9 tháng giảm 39% so với cùng kỳ - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu NTP trong 1 năm gần đây.

Mạnh Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên