Giá nhà tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng?
Theo báo cáo thị trường quý 4/2021 của Hội môi giới BĐS Việt Nam, mức dao động giá mạnh tại hầu khắp các địa phương cho thấy quá trình đô thị hoá đang diễn ra cân bằng ở các khu vực.
Báo cáo của đơn vị này chỉ ra, bức tranh dễ nhận thấy trong quý cuối năm là giá BĐS liên tục tăng bất chấp Covid-19. Quá trình hình thành các đô thị mới đang dẫn dắt quá trình tăng giá. Cùng với đó, nguồn cung thiếu hụt dẫn đến việc giá BĐS tăng cao. Thị trường BĐS đã xuất hiện bong bóng cục bộ; giá đất nền các khu vực tăng mạnh theo các dự án.
Tuy nhiên, theo đơn vị này, giá nhà tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng. Dù vây, chính sách tín dụng thận trọng đã giữ cho thị trường vẫn ổn định về tổng thể. Cùng với đó, Cơ quan chức năng đang tập trung mạnh vào cùng cố thể chế và hành lang pháp lý
Có thể thấy, quý 3/2021 là giai đoạn kinh tế Tp. HCM chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, các đợt phong tỏa kéo dài khiến thị trường ế ẩm, thanh khoản kém nhất 5 năm. Thế nhưng, giá bán BĐS ở các phân khúc vẫn tăng bất chấp dịch bệnh. Trong đó, giá bán căn hộ tăng 5-10%.
Bước sang quý 4/2021 những con số về nguồn cung và giá bán đều tăng trưởng. Trong đó, theo Savills Việt Nam, giá bán sơ cấp căn hộ vẫn xu thế tăng. Đa số các dự án không thay đổi giá bán, ngoại trừ 5 dự án đã tăng giá bán lên đến 11% theo quý do giá cao ở các giai đoạn mở bán mới hoặc ở những căn cuối ở những dự án có tiến độ xây dựng tốt.
Theo đơn vị này, rất khó để tìm kiếm căn hộ bình dân đáp ứng lượng nhu cầu nhà ở lớn. Các dự án Hạng C có giá bán trung bình trong năm 2021 ở mức giá bán đạt 56,5 triệu đồng/m2 thông thủy, tăng 27% theo năm. Tại quý 4/2021, ngoại trừ 1 dự án có giá bán dưới 30 triệu đồng/m2 thông thủy, các dự án Hạng C có giá bán giao động từ 37 - 60 triệu đồng/m2 thông thủy. Các dự án cải thiện về chất lượng phát triển có đa dạng tiện ích nội khu, thiết bị và vật liệu bàn giao từ các nhà cung cấp nổi tiếng, hay gần khu dân cư hiện hữu và cơ sở hạ tầng công cộng.
Theo số liệu từ một đơn vị chuyên về bất động sản, giá bất động sản tại các thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM đã liên tục tăng trong những năm gần đây.
Cụ thể, từ mức trung bình 32 triệu đồng/m2 năm 2019 lên mức 34 triệu đồng/m2 năm 2021. Giá bán chung cư Tp.HCM cũng tăng từ mức trung bình 32 triệu đồng/m2 năm 2019 lên mức 36 triệu đồng/m2 năm 2021. Giá bán nhà riêng Hà Nội cũng tăng từ 89 triệu đồng/m2 năm 2019 lên mức 103 triệu đồng/m2 năm 2021. Giá bán nhà riêng Tp.HCM cũng tăng từ 97 triệu đồng/m2 năm 2019 lên 103 triệu đồng/m2 năm 2021.
Kể từ năm 2014 đến nay, mức tăng bình quân hàng năm của bất động sản là trên 10%/năm. Một số dự án đạt mức tăng trên 20%/năm. Riêng năm 2019 và đặc biệt là năm 2020, giá bất động sản có hiện tượng tăng mạnh và nhanh, nhất là phân khúc căn hộ. Thực trạng thiếu nguồn cung còn đẩy giá căn hộ tại Tp.HCM tăng gần 100% so với thời điểm năm 2018.
Trong khi đó, giá đất nền có mức tăng chóng mặt hơn. Số liệu của Hội môi giới hồi đầu năm cho thấy, trung bình tăng 10% sau mỗi tháng. Cục bộ một số nơi tăng mạnh hơn, điển hình nhất là các vùng ven Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%); Hòa Bình (46%); Bắc Ninh (20%); Hưng Yên (26%)... Đến cuối năm 2021, tốc độ tăng giá rao bán đất theo thống kê có nơi tăng hơn 100% như Hòa Bình; Hưng Yên tăng 22%, Bắc Ninh 61%; Thái Nguyên tăng 57%... Đối với khu vực miền Trung, giá rao bán đất ở Huế tăng hơn 74%, Quảng Nam tăng 37%.
Cuối năm 2021, một số thị trường đã xuất hiện mức tăng gấp đôi như Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Nhiều khu vực tại Hà Nội, theo phản ánh, cơn sốt biệt thự đã khiến giá nhiều căn tăng cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 chỉ sau 1 - 2 năm và tăng gấp 4 - 5 lần chỉ trong 3 - 4 năm qua.
Theo bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE dù dịch bệnh phức tạp, kéo lùi nền kinh tế nhưng giá nhà nhiều phân khúc vẫn tiếp tục tăng năm qua. Nguyên nhân là chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang, nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao hơn, lượng cầu ổn định và nguồn cung tạm thời còn hạn chế.
Bà Dung dự báo xu hướng tăng giá nhà phổ biến ở mức 3-7% sẽ tiếp tục diễn ra tại Tp.HCM trong năm 2022. Phân khúc cao cấp và hạng sang, mức giá có thể tăng trưởng khoảng 5-7%. Còn phân khúc trung cấp, mức giá có thể tăng khoảng 3-5%.
Có thể nhận thấy, giá bán ở hầu hết các phân khúc đều gia tăng nhưng nhìn chung thanh khoản không đột biến. Thậm chí, có một số báo cáo chỉ ra, thanh khoản nhà ở giai đoạn này xuống thấp kỷ lục do ảnh hưởng tâm lý thị trường.
Theo nhiều chuyên gia chi ra, thị trường bất động sản đang có biểu hiện méo mó. Giá rao bán bị đẩy lên quá cao nhưng thực tế thanh khoản trên thị trường rất thấp.
Chia sẻ mới đây, ông Lê Quốc Kiên, một nhà đầu tư kì cựu trên thị trường BĐS Tp.HCM chỉ ra, từ tháng 10 đến nay, sau khi mở cửa cho đi lại thì chỉ có nhà phố thành phố giữ giá, còn thị trường vùng ven và đất tỉnh đã lập mặt bằng giá mới so với thời điểm Quý 2/2021 trước bùng dịch. Vùng ven như Q.9, Hóc Môn, Củ Chi tăng 10- 20%. Chẳng hạn, nền đất 106m2 tại Q.9 (nay là Tp.Thủ Đức) trước dịch giao dịch 4,8 tỷ thì nay rao 5,5 tỷ; đất Củ Chi 220m2 trước dịch 2,8 tỷ nay rao 3,6 tỷ, 500m2 từ 3,4 tỷ lên 4,4 tỷ, 222m2 đất Hóc Môn trước 3,5 tỷ nay rao 4,2 tỷ. Thị trường đất tỉnh như Phú Mỹ, Định Quán, Bình Phước, Long An, Đăk Nông tăng trên 30%, so với thời điểm này hồi giữa năm 2020 thì đất tỉnh đã tăng hơn gấp đôi.
Tuy vậy, điểm nghịch lý là tuy người bán đưa ra mặt bằng giá mới, nhưng giao dịch thanh khoản rất chậm. Lý do : Người bán thì tính thêm phần "trượt giá", "phát triển hạ tầng" và "lợi nhuận" vào giá trị tài sản, Người mua lại kỳ vọng giá giảm nhờ dịch bệnh và chờ mua với giá bằng hoặc thấp 5% - 10% so với quý 2/2021. Do đó, người bán nếu không áp lực vay sẽ không giảm giá, giữ luôn giá bán kỳ vọng làm mặt bằng giá mới. Giao dịch chỉ xuất hiện nhiều ở người bán bị áp lực ngân hàng hoặc muốn thanh khoản nhanh nên chấp nhận bán bằng thời điểm quý 2/2021, hoặc giảm tối đa 5% để có giao dịch. Đó chính là lý do chúng ta thấy nghịch lý "thị trường đâu đâu cũng thấy tăng giá, nhưng đâu đâu cũng thấy than thở không bán được hàng.
Cũng nhận định về mặt bằng giá BĐS có thể tăng mạnh sau phiên đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho hay, giá đất "thoát ly" giá trị thực không phù hợp với "quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu" và không phù hợp với thực tiễn của thị trường bất động sản, lại có thể trở thành "dao hai lưỡi" vừa thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa có thể bất lợi cho chính các chủ đầu tư vì nếu đưa ra giá bán nhà quá cao mà không được thị trường chấp nhận, dẫn tới làm tăng lượng hàng tồn kho bất động sản.
Đưa ra giải pháp bình ổn thị trường, tại hội thảo mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các địa phương tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường; ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp; thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương.