Giá phân bón liên tục tăng cao mở đường cho hàng tấn phân bón nhập lậu
Lãnh đạo Cục QLTT tại các tỉnh Đắk Nông, Tiền Giang liên tiếp phát hiện và thu giữ hơn 10 tấn phân bón không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không ghi đủ nội dung bắt buộc và có dấu hiệu hàng nhập lậu.
- 14-03-2022Nông dân oằn mình vì giá phân bón
- 13-03-2022Nông dân ứng phó với "bão" giá, phân bón tăng hơn 20%
- 09-03-2022Giá phân bón lập đỉnh trong 50 năm, nông dân than trời
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 tỉnh, thời gian qua Cục Quản lý thị trường các tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng phân bón.
Qua công tác giám sát nắm bắt địa bàn, đoàn kiểm tra của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông phát hiện tại cơ sở kinh doanh phân bón Gia Bảo, địa chỉ thôn 8 xã Nhân Cơ huyện Đắk R’Lấp đang bày bán 10.000 kg phân bón NPK 16-16-8 nhãn hiệu MACROFARM FERTILIZER không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Tại thời điểm kiểm tra ông Đoàn Văn Yên chủ cơ sở kinh doanh cho biết đã mua lô phân bón trên từ một đơn vị tại thành phố Hồ Chí Minh về bán, số phân bón trên không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chủ cơ sở chưa cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ số phân bón nêu trên tiếp tục xác minh, làm rõ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, trong 2 ngày 16/3 và 17/3, Đội QLTT số 1 chủ trì phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Mỹ Tho, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành tổ chức kiểm tra đột xuất đối với 04 cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 04 cửa hàng này kinh doanh phân bón có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa; ghi không đúng nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa; với tổng trị giá hàng hóa gần 60 triệu đồng. Ngoài ra, có 03 cửa hàng chưa cung cấp được Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Cũng tại tỉnh Tiền Giang, ngày 02/3, Đội QLTT số 5 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh T.N, trên địa bàn huyện Cai Lậy, do ông N.H.H làm đại diện hộ kinh doanh.
Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở đang buôn bán 1,3 tấn phân bón NPK 30-9-9 được chứa trong 52 bao, loại 25 kg/bao do Công ty TNHH Y.T có trụ sở tại tỉnh Long An sản xuất nhưng không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; trị giá hàng hóa vi phạm là 23,92 triệu đồng.
Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, lập biên bản vi phạm hành chính và ngày 14/3/2022, Đội trưởng Đội QLTT số 5 ra Quyết định xử phạt vi phạm chính đối với hộ kinh doanh T.N với số tiền 12,5 triệu đồng, về hành vi buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tái chế toàn bộ 1,3 tấn phân bón vi phạm nêu trên.
Trên thị trường, hiện giá phân bón đã tăng lần thứ 3 liên tiếp. Giá ure lên ngưỡng 18.000 đồng/kg; phân DAP ngưỡng 18.500-19.000 đồng/kg; NPK có giá 16.000-16.500 đồng/kg...
So với tháng 2, giá phân bón hiện đã tăng từ 5 đến 8%. Có loại biến động giá theo tuần, như kali liên tục tăng vọt. Có loại phân bón biến động giá theo tuần. Giá phân DAP có giá trung bình 919 USD/tấn, tăng 50% so với thời điểm năm ngoái; kali tăng 822 USD/tấn; ure là 901 USD/tấn.
Giá phân bón trong nước tăng mạnh phần lớn do chịu tác động từ thị trường phân bón thế giới, trong đó có giá dầu tăng dẫn đến giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng. Chi phí phân bón chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất, tới 50% và giá dự báo còn tiếp tục tăng.