MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá phân bón ở Việt Nam rất cao vì phải “gánh” nhiều tầng đại lý

19-10-2018 - 18:32 PM | Thị trường

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy – Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, đại lý phân bón nhiều tầng lớp đã đẩy giá phân bón lên cao.

Sáng nay (19/10), phát biểu tại tọa đàm trực tuyến về hoàn thiện khung pháp lý cho ngành phân bón được tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy – Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, do có quá nhiều “tầng” đại lý cung cấp phân bón nên giá phân bón đến tay người nông dân rất cao.

Giá phân bón ở Việt Nam rất cao vì phải “gánh” nhiều tầng đại lý - Ảnh 1.

Tọa đàm trực tuyến về hoàn thiện khung pháp lý cho ngành phân bón tại Hà Nội, sáng 19/10.


Chi phí phân bón hiện đang chiếm tới gần nửa giá vật tư đầu vào trong trồng trọt, canh tác, vì vậy bà con nông dân rất cần sự ổn định giá cả của các mặt hàng này. Đại lý phân bón nhiều cấp (trên cả cấp 3) đã đẩy giá phân bón lên cao. Trong khi giá phân bón không thống nhất giữa các đại lý khiến nông dân chịu thiệt, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy nêu thực trạng.

Giá phân bón ở Việt Nam rất cao vì phải “gánh” nhiều tầng đại lý - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy


Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị, cần có hệ thống phân phối phân bón nhất quán, đi theo các cấp thôn xóm, xã phường, quận huyện, tỉnh/thành... với bảo đảm chiết khấu 1 giá để người nông dân có thể mua được phân bón với mức giá thấp nhất, ổn định nhất. “Hội Nông dân đã tán thành đề xuất này”, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy cho hay.

Chuyên gia nông nghiệp Văn Tiến Thanh cho biết, hiện nay chi phí cho phân bón cực cao, nhưng hiệu quả sử dụng lại rất thấp.

"Một lượng rất lớn các loại phân bón khác nhau sẽ bị mất đi qua con đường thoát hơi, tự rửa trôi, thấm xuống đất, nước ngầm. Điều này dẫn đến các hệ lụy như: gây mất cân bằng hệ sinh thái trong đất, làm ô nhiễm nước và không khí. Khi đất bị thoái hóa, khi nông dân canh tác thì nhu cầu về phân bón lại tăng lên. Như vậy, vòng tuần hoàn lặp lại, nếu tiếp tục duy trì thì khả năng khôi phục chất lượng đất nông nghiệp phục vụ cây trồng rất khó khăn", ông Thanh chỉ rõ.

Giá phân bón ở Việt Nam rất cao vì phải “gánh” nhiều tầng đại lý - Ảnh 3.

Ông Văn Tiến Thanh


Về mặt kinh tế, chuyên gia nông nghiệp này lưu ý: Khoảng 2/3 lượng phân bón hằng năm cây trồng chưa sử dụng được đồng nghĩa với việc 2/3 lượng tiền người nông dân bỏ ra mua phân bón bị lãng phí, với tổng thất thoát lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng hằng năm.

Ông Văn Tiến Thanh cũng đề cập vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng, nông dân mua giá thấp nhưng không hiệu quả trong sản xuất, Nhà nước bị thất thu thuế, phân bón giả, kém chất lượng còn làm thoái hóa hết đất đai và đang làm "bần cùng hóa" người nông dân, kéo lùi sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.

Hằng năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó, phân hữu cơ chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Tuy nhiên, với lượng sử dụng phân bón lớn nhưng Việt Nam chỉ tự đáp ứng 1/3 nhu cầu, phần lớn sản phẩm phân bón được nhập khẩu tại các nước lân cận như Trung Quốc, từ các nước Đông - Nam Á, Hàn Quốc, Nga./.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu phân bón từ thị trường Trung Quốc, Nga và các nước Đông - Nam Á... Trong đó, phân bón từ Trung Quốc chiếm phần lớn thị trường 32,6%, đạt 814,6 nghìn tấn, trị giá 206,2 triệu USD, giảm 27,78% về lượng và 27,94% trị giá so với cùng kỳ. Đứng thứ hai là thị trường Nga, tương ứng 369,7 nghìn tấn, trị giá 116,1 triệu USD.

Theo Trần Ngọc-Hồng Quang

VOV

Trở lên trên