MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá phân bón tiếp tục neo cao trong năm 2022, cơ hội tích lũy cổ phiếu đã đến?

Giá phân bón tiếp tục neo cao trong năm 2022, cơ hội tích lũy cổ phiếu đã đến?

"Với các trợ lực cho đà tăng của giá phân bón sẽ còn kéo dài cho tới nửa đầu năm 2022, đây có thể là thời điểm để tích lũy cổ phiếu phân bón cho kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 1 và quý 2 năm sau", Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco đánh giá.

Sóng tăng giá nối dài sang năm 2022

Thông tin thị trường cho thấy, giá phân bón thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao. Tại thị trường Việt Nam, giá phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu các loại (ure, DAP, kali…) cũng tăng 80 - 150% so với đầu năm.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco cho rằng giá phân bón sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong nửa đầu năm 2022, qua đó hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành phân bón.

Chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đà tăng giá này đến từ giá nguyên vật liệu đầu vào là than, khí tăng rất mạnh khiến nhiều nhà máy sản xuất phải cắt giảm sản lượng hoặc thậm chí là ngừng hoạt động. Động thái hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc và Nga, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc hay Châu Âu sẽ tiếp tục khiến cho nguồn cung phân bón trên toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại thị trường Việt Nam, nhu cầu phân bón cao để phục vụ cho vụ lúa Đông Xuân cũng là nguyên nhân đẩy giá phân bón lên cao, tạo động lực hỗ trợ cho kết quả kinh doanh các doanh nghiệp phân bón trong nửa đầu năm 2022.

Trong một báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đưa ra dự báo giá urê toàn cầu trung bình đạt 625 USD/tấn trong năm 2022, tăng 25% so với mức 500 USD/tấn vào năm 2021. Về nguyên nhân dẫn đến đà tăng của giá urê trong năm 2022, VCSC cho rằng sự thiếu hụt phân bón toàn cầu do hiệu suất hoạt động của các nhà máy urê trên toàn cầu có khả năng thấp hơn do giá khí đốt cao và chi phí lao động tăng cao dẫn đến một số nhà sản xuất urê phải đóng cửa các nhà máy. Bên cạnh đó, tình hình gián đoạn nguồn cung tiếp tục do các hạn chế do dịch COVID-19 gây ra và giá khí đốt cao duy trì ở Châu Âu trong phần lớn năm 2022 cũng là một nguyên nhân dẫn đến giá ure tăng cao.

Giá phân bón tiếp tục neo cao trong năm 2022, cơ hội tích lũy cổ phiếu đã đến? - Ảnh 1.

Giá urê toàn cầu tiếp tục neo cao trong năm 2022 (Nguồn VCSC)

VSCS đưa ra kỳ vọng giá urê tại Việt Nam sẽ biến động tương tự giá thế giới với mức chiết khấu đáng kể. Trong tháng 10 và tháng 11/2021, giá urê bình quân toàn cầu gần như gấp đôi so với quý 3/2021. Giá urê của Việt Nam cũng diễn biến theo đà tăng của giá thế giới với giá bình quân trong tháng 10 và tháng 11 tăng 1,7 lần so với mức trung bình trong quý 3/2021.

Cơ hội tích lũy cổ phiếu

Ông Nguyễn Anh Khoa cho biết, biến động của xu hướng giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ tạo động sẽ tạo động lực tích cực cho giá cổ phiếu ngành phân bón.

Theo phân tích của chuyên gia, diễn biến giá cổ phiếu phân bón chủ yếu đi ngang tích lũy trong khoảng gần 2 tháng trở lại đây chủ yếu từ việc giá phân bón trong nước sau khi tăng rất mạnh thì đã có sự điều chỉnh nhẹ từ tháng 11. Tuy nhiên đây vẫn là mặt bằng giá rất cao so với hồi đầu năm và cũng là động lực giúp nhiều doanh nghiệp phân bón có kết quả kinh doanh kỷ lục trong năm 2021.

"Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch bệnh, ngành phân bón vẫn là một trong số ít ngành được hưởng lợi và kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021. Mặc dù một số cổ phiếu giá đã tăng tương đối mạnh, mức định giá không còn hấp dẫn, song theo đánh giá của tôi vẫn có nhiều cơ hội đầu tư mới.

Với các trợ lực cho đà tăng của giá phân bón sẽ còn kéo dài cho tới nửa đầu năm 2022, đây có thể là thời điểm để tích lũy cổ phiếu phân bón cho kỳ vọng kết quả kinh doanh Quý 1 và Quý 2 năm sau", ông Anh Khoa phân tích.

Nói về những cổ phiếu hưởng lợi, chuyên gia cho rằng cần tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành, có nền tảng tài chính tốt, có lợi thế về thương hiệu và kênh phân phối như Đạm Phú Mỹ (DPM) hay Đạm Cà Mau (DCM).

Đồng quan điểm trên, VCSC cũng đưa ra những dự báo tích cực đối với cổ phiếu DPM và DCM.

Giá phân bón tiếp tục neo cao trong năm 2022, cơ hội tích lũy cổ phiếu đã đến? - Ảnh 2.

Giá cổ phiếu của DPM và DCM so với giá ure (Nguồn VCSC)

Đối với DPM, VCSC cho rằng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá urê và amoniac (NH3) tăng mạnh trong giai đoạn 2021-2022. Trong khi đó, mảng NPK của công ty là một động lực tiềm năng cho lợi nhuận trung hạn. Công ty chứng khoán này cũng dự báo LNST tổng hợp giai đoạn 2021/2022 và 2021-2026 lên lần lượt là 30%/96% và 15%, nhờ điều chỉnh tăng tương ứng 13%/30% và 8% trong các giả định về giá urê.

Đối với DCM, VCSC cũng nhận định doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá urê bình quân cao hơn trong năm 2021 và 2022, cùng với tăng trưởng dài hạn từ nhu cầu xuất khẩu tăng và phân khúc NPK. Theo đó, VCSC đưa ra dự báo LNST năm 2022 của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh mẽ 37,7%, bất chấp mức cơ sở cao trong năm 2021, nhờ giá bán urê tăng 12% cùng với giá khí đầu vào và sản lượng tiêu thụ không đổi.

Minh Châu

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên