Giá than luyện cốc tăng vọt lên 410 USD/tấn, gấp 3 lần kể từ đầu năm 2020
(ABC News: Nic MacBean)
Giá than luyện cốc đã tăng lên mức kỷ lục khi căng thẳng thương mại và các vấn đề biên giới đẩy chi phí cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc lên mức cao ngất ngưởng.
Than luyện cốc tăng vọt bất chấp sự sụt giảm của giá quặng sắt sau lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc đối với Australia. Giá than luyện cốc đã vượt mức 410 USD/tấn vào tuần trước, cao gấp hơn 3 lần so với giai đoạn đầu năm 2020. Giá than cốc hiện đã vượt qua quặng sắt, trở thành chi phí đầu vào lớn nhất cho nhiều nhà máy thép trên thế giới.
Nhà phân tích khai thác mỏ Peter Strachan cho biết việc giá than luyện cốc tăng trong khi nhu cầu quặng sắt giảm có vẻ phi lý nhưng thực tế nguyên nhân nằm ở khâu vận chuyển.
"Thông thường các hoạt động vận chuyển than luyện cốc phải đi qua biên giới từ Mông Cổ. Tuy nhiên do các hạn chế liên quan đến dịch Covid, họ không thể có đủ tài xế xe tải để làm điều đó", ông nói.
Nguồn cung than luyện cốc trong nước không đủ, các nhà sản xuất Trung Quốc đã chạy đua để tìm nguồn vận chuyển từ khắp châu Á, Bắc Mỹ và xa hơn như Columbia.
Trung Quốc tìm các nguồn cung cấp mới thay thế cho Australia là cơ hội cho các quốc gia sản xuất thép lớn với nguồn cung than luyện cốc trong nước hạn chế như Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU chuyển nguồn hàng sang Australia.
Giám đốc Câu lạc bộ khai thác mỏ khu vực, bà Bowen Basin Jodie Currie cho biết việc mất thị trường Trung Quốc đã mở ra cánh cửa mới cho các nhà khai thác mỏ tại Australia.
Các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang cố gắng hết sức để tìm nguồn than cốc từ các nguồn thay thế sau khi từ bỏ các nguồn của Úc và phải đối mặt với những thách thức về nguồn cung từ Mông Cổ. (Ảnh: Thomas Peter)
Sự trượt dốc do thị trường bất động sản gây ra
Những lo ngại về khó khăn tài chính của Evergrande, một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu của Trung Quốc được coi như chất xúc tác khiến cho giá quặng sắt giảm.
Nhà phân tích Peter Strachan cho biết, với việc tăng cường tái chế kim loại trong nước, nhu cầu than luyện cốc ở Trung Quốc có thể sớm đạt đến đỉnh điểm.
Sản lượng thép của Trung Quốc trong tháng 7 và 8 giảm do giới hạn sản xuất thép theo kế hoạch. Điều này kéo theo sự suy giảm của các ngành công nghiệp gây ô nhiễm khác như xi măng.
Những lo ngại vẫn còn xung quanh tình trạng của thị trường bất động sản Trung Quốc, một động lực chính của nhu cầu thép trong nước.(Reuters)
Sau khi giá quặng sắt sụt giảm từ 230 USD/tấn trong tháng 5 xuống mức thấp nhất là 93 USD/tấn trong những tuần gần đây, sự ổn định đã trở lại sau những dấu hiệu cho thấy Evergrande sẽ trả lãi suất đúng hạn.
Giá quặng sắt đã tăng trở lại trên mốc 100 USD/tấn trong phiên giao dịch giữa tuần.
Hạn chế về phía cung
Báo cáo gần đây của Hội đồng Tài nguyên Queensland (QRC) đã nhấn mạnh sự thiếu hụt công nhân lành nghề tại Australia là cản trở lớn với việc mở rộng khai thác mỏ trong thời kỳ COVID-19.
Giám đốc điều hành Ian McFarlane mô tả tình trạng thiếu hụt nhân sự đến như một "cơn bão hoàn hảo" trong giai đoạn ngành khai thác mỏ muốn mở rộng khai thác. Chính phủ Australia dự báo xuất khẩu than của Queensland sẽ tăng 23% vào năm 2025.
Các vấn đề về nguồn cung ở Úc bao gồm sự thiếu hụt công nhân ngành có tay nghề cao đã trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây. (AAP: Dan Himbrechts)
Việc tìm kiếm và giữ chân nhân viên lành nghề trở thành ưu tiên số một trong cuộc khảo sát tâm lý CEO mới nhất của QRC. Công nhân trong lĩnh vực khai thác mỏ tại đây đã tăng lên 85.000, tăng hai phần ba trong 5 năm qua.
Bà Currie cho biết ngành công nghiệp này đã thất bại trong việc giữ chân những người thợ lành nghề trong quá khứ và đang cam kết sẽ thay đổi. "Chúng tôi có lẽ đã tự gây ra sự bất công trong những năm qua trong việc không đầu tư nhiều như những gì chúng tôi cam kết".
QRC có kế hoạch mở rộng Học viện Khoáng sản và Năng lượng Queensland, nhằm khuyến khích sinh viên khai thác mỏ và sự nghiệp liên quan tại 100 trường học trước năm 2023.
Tham khảo: ABC