MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá than Việt Nam nhập từ Trung Quốc tăng mạnh

09-12-2018 - 11:32 AM | Thị trường

Giá than nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh (71%), đạt 343,8 USD/tấn.

Nhập khẩu than tăng mạnh

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2018, cả nước đã nhập khẩu 17,34 triệu tấn than, trị giá 2,05 tỷ USD, tăng 48,8% về lượng và tăng 71,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Dẫn báo cáo của đơn vị này, báo Đầu tư cho biết, Australia, Indonesia và Trung Quốc là 3 thị trường lớn nhất cung cấp than đá cho Việt Nam; trong đó than nhập khẩu từ Australia chiếm 26% trong tổng lượng và chiếm 33,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu than của cả nước, đạt 4,52 triệu tấn, tương đương 692,52 triệu USD, tăng 47,6% về lượng và tăng 89,6% về trị giá so với cùng kỳ.

Giá nhập khẩu cũng tăng 28,5%, đạt 153,1 USD/tấn.

Nhập khẩu than từ thị trường Indonesia chiếm 50% trong tổng lượng và chiếm 31,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu than của cả nước, đạt 8,67 triệu tấn, tương đương 638,27 triệu USD, tăng rất mạnh 92,2% về lượng và tăng 115,4% về trị giá so với cùng kỳ. Giá  nhập khẩu từ thị trường này tăng trên 12%, đạt trung bình 73,6 USD/tấn.

Giá than Việt Nam nhập từ Trung Quốc tăng mạnh - Ảnh 1.

Việt Nam ngày càng nhập khẩu nhiều than

Than nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tuy giảm 19,7% về lượng nhưng tăng 37,3% về kim ngạch, đạt 742.183 tấn, trị giá 255,19 triệu USD, chiếm gần 4,3% trong tổng lượng và chiếm 12,7 trong tổng kim ngạch nhập khẩu than của cả nước. Giá nhập trung bình tăng rất mạnh 71%, đạt 343,8 USD/tấn.

Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu than từ thị trường Nga 1,98 triệu tấn, trị giá 210,04 triệu USD, giảm 2,8% về lượng nhưng tăng 5,6% về kim ngạch. Nhập khẩu từ thị trường  Malaysia 275.464 tấn, trị giá 15,69 triệu USD, tăng 85,6% về lượng và tăng 110,8% về kim ngạch.

Nhập khẩu than từ Nhật Bản 20.128 tấn, trị giá 6,91 triệu USD, tăng rất 272,3% về lượng và tăng 321% về kim ngạch.

Nhu cầu tiêu dùng than gia tăng đã kéo theo lượng than nhập khẩu không ngừng gia tăng. Trước năm 2014, thống kê hải quan không xếp than vào danh mục 50 mặt hàng nhập khẩu lớn, nhưng sang năm 2014, đã có 3,096 triệu tấn than được nhập khẩu, với trị giá 364,1 triệu USD.

Năm 2016, nhập khẩu than đã tăng vọt lên 13,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 927 triệu USD. So với năm 2015, tăng 92,4% về lượng và 69,4% về giá trị.

Kết thúc năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 14,5 triệu tấn than đá, tăng 9,8% so với năm 2016. Trị giá nhập khẩu đạt khoảng 1,52 tỷ USD, tăng 58,4% so với năm trước. Giá nhập khẩu than bình quân năm 2017 là 105 USD/tấn, tăng 44,2% so với năm 2016.

Độc quyền cung cấp than cho nhà máy điện

Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/8/2015 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, than sản xuất trong nước Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ mua từ Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc.

Đối với nguồn than nhập khẩu, TKV và Tổng công ty Đông Bắc là hai đơn vị được giao làm đầu mối nhập khẩu than cung cấp cho các nhà máy điện; các dự án điện của các tập đoàn và các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu than trực tiếp phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, lượng than nhập khẩu của Việt Nam tăng trong khi nhiều nhà máy nhiệt điện vẫn kêu "đói" than. Theo TKV, nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 tăng cao do tăng trưởng điện 2018 đạt mức cao, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động nên nhu cầu nhiệt điện than tăng mạnh.

Các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng đã ký kết, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017 và theo TKV, đây là nguyên nhân chính.

Cũng theo tập đoàn này, giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5-10 USD/ tấn tuỳ chủng loại dẫn tới các hộ tiêu thụ như: điện, xi măng, hoá chất, thép chuyển sang mua than từ TKV dẫn đến cung cầu thay đổi nhanh.

Các yếu tố này làm cho nhu cầu than tăng đột biến so với kế hoạch. Bên cạnh đó, việc nhiều nhà máy nhiệt điện cùng tăng nhu cầu sử dụng than và tăng đồng loạt cùng một thời điểm, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, đã gây ra rất nhiều khó khăn cho TKV trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và huy động nguồn than để cung cấp.

Dự báo, nhu cầu tiêu thụ than của các hộ sử dụng trong nước năm 2019 đối với nguồn than do TKV cung cấp sẽ tiếp tục tăng cao. Theo tính toán của EVN, riêng nhu cầu than cho các hộ điện là 38,3 triệu tấn.

Năm 2019, TKV xây dựng kế hoạch sản xuất 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch. Phần thiếu hụt, TKV sẽ nhập khẩu để pha trộn với than sản xuất trong nước thành than đảm bảo tiêu chuẩn để cung cấp cho các hộ tiêu thụ.

Tuy nhiên, theo tập đoàn này,  giá bán than cho các hộ điện hiện nay thấp hơn giá thị trường, và thấp hơn nhiều so với giá than nhập khẩu, do đó cần sớm có chính sách giá đối với than pha trộn từ than nhập khẩu với than trong nước sản xuất để TKV và Tổng Công ty Đông Bắc chủ động tính toán phương án nhập khẩu đảm bảo nhu cầu cho các nhà máy điện ngay từ đầu năm 2019.

Theo Minh Thái

Đất Việt

Trở lên trên