Giá thép tăng phi mã, nhiều doanh nghiệp tính tăng giá nhà
Trước tình hình giá thép tăng cao trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang tính đến việc tăng giá bán nhà ở.
- 29-05-2021Lãi lớn từ giá thép tăng cao kỷ lục, Hòa Phát lộ rõ tham vọng khi dồn tiền "săn" quỹ đất khủng khắp nơi
- 18-05-2021Giá thép tăng phi mã: "Giọt nước tràn ly" với thị trường bất động sản
- 20-01-2017TP. HCM công bố giá đất bồi thường dự án cầu vượt thép hơn 400 tỷ đồng
Theo các doanh nghiệp bất động sản và nhà thầu xây dựng, chi phí mua thép xây dựng thường chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng căn hộ chung cư và 35% chi phí xây dựng nhà liền kề, một tỷ trọng rất lớn. Vì vậy, giá thép tăng phi mã trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến lợi nhuận, khiến nhiều doanh nghiệp tính đến việc tăng giá bán nhà ở.
Giá thép tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các doanh nghiệp địa ốc. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Hiện giá thép trên thị trường ở mức 18.700 - 18.800 đồng/kg, tăng khoảng 45% so với hồi đầu năm và tăng gần gấp rưỡi so với quý III/2020. Cơn sốt nóng của giá thép bắt nguồn từ giá nguyên liệu đầu vào của mặt hàng này không ngừng tăng, trong khi ngành thép Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu.
Báo Đầu Tư dẫn chứng tình trạng của một số nhà thầu xây dựng đang phải thương lượng lại giá trong các hợp đồng xây dựng đã ký với chủ đầu tư, nếu không thì phải chỉnh tiến độ thi công để giá thép ổn định mới có thể làm tiếp.
Với một nhà thầu xây dựng khác, giá thép tăng đã gây thiệt hại khoảng 8% tổng giá trị hợp đồng và khiến nhà thầu này mất toàn bộ phần lãi thi công của 3 dự án chung cư, nhà liền kề có tổng giá trị khoảng 900 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đồng quan điểm cho rằng chủ đầu tư sẽ phải chia sẻ rủi ro với nhà thầu. Điều đó cũng có nghĩa là giá bán căn hộ sẽ cần phải tính toán lại và khi đó, người mua nhà sẽ là người cuối cùng phải chịu giá tăng cao.
“Giá thép tăng đột biến, vượt quá chi phí dự phòng và ảnh hưởng đến vùng giá họ đưa ra thị trường. Bản thân chủ đầu tư cũng phải cân đối để đảm bảo lợi ích giữa họ và nhà thầu để giúp sản phẩm đưa ra thị trường đúng theo tiến độ đã cam kết với người mua. Nếu giá cả cứ tăng tiếp, người mua sẽ là người cuối cùng phải chịu”, đại diện một nhà thầu xây dựng cho hay.
"Nếu thép tăng giá trong giai đoạn ngắn, thì nhà thầu sẽ là người chịu hậu quả khi họ bị hợp đồng “cột chặt” từ trước, nhưng giá thép tăng mạnh và tăng trong thời gian dài như hiện nay thì chủ đầu tư sẽ phải chia sẻ rủi ro với nhà thầu. Điều đó cũng có nghĩa là chủ đầu tư dự án sẽ phải tính toán lại giá bán căn hộ", đại diện một doanh nghiệp xây dựng nhấn mạnh.
VTV.VN