Giá thép Trung Quốc giảm sâu, giới đầu tư lo ngại với cổ phiếu Hòa Phát
Những lo ngại về việc thép Trung Quốc giảm sâu đang khiến cổ phiếu Hòa Phát điều chỉnh mạnh. Từ vùng giá 43.000 đồng/cp vào đầu tháng 10, đến nay thị giá HPG chỉ còn quanh ngưỡng 33.000 đồng/cp.
- 04-12-2018Hòa Phát ước lãi 8.100 tỷ đồng lợi nhuận sau 11 tháng, chủ tịch Trần Đình Long “đánh tiếng” mua cổ phiếu
- 23-11-2018Đà tăng trưởng của Hòa Phát liệu có giảm nhiệt?
- 30-10-2018Hòa Phát: LNST quý 3 đạt 2.408 tỷ đồng, tăng trưởng 13%
Những tuần gần đây, diễn biến giao dịch cổ phiếu Hòa Phát (HPG) không thực sự tích cực khi liên tục điều chỉnh sâu. Từ vùng giá 43.000 đồng/cp vào đầu tháng 10, HPG đã có thời điểm giảm về vùng 33.000 đồng, tương ứng mức điều chỉnh 23%.
Mặc dù hoạt động doanh nghiệp vẫn tương đối khả quan (hoàn thành kế hoạch kinh doanh sau 11 tháng) hay Chủ tịch Trần Đình Long đã "đánh tiếng" muốn mua thêm cổ phiếu nhưng diễn biến HPG vẫn chưa có nhiều tiến triển tích cực. Kết thúc phiên giao dịch 10/12, cổ phiếu HPG vẫn giảm 2,6% xuống 33.750 đồng/cp.
Cổ phiếu HPG giảm khá mạnh thời gian gần đây
Việc cổ phiếu HPG điều chỉnh sâu bên cạnh yếu tố thị trường chung không thuận lợi còn có nguyên nhân từ giá thép Trung Quốc đang trên đà giảm mạnh. Mới đây, CTCK VNDIRECT đã có báo cáo đánh giá tác động giá thép Trung Quốc và ảnh hưởng đến HPG.
Từ điểm sáng của ngành thép đến những lo ngại của giới đầu tư
HPG là cái tên quen thuộc với hầu hết các nhà phân tích và nằm trong những cố phiếu được nắm giữ nhiều nhất cũng như lâu nhất của các quỹ lớn tại Việt Nam cho đến khi giảm mạnh gần đây. Do giá thép điều chỉnh mạnh trên toàn châu Á nên định giá cổ phiếu ngành thép tại Việt Nam bị ảnh hưởng, mặc dù giá thép nội địa vẫn được duy trì và nhu cầu đang ở mức cao.
VNDIRECT đã thực hiện một số ước tính để xác định mức độ ảnh hưởng của biến động giá thép thế giới và nội địa lên giá cổ phiếu HPG. Trên thực tế, sự sụt giảm gần đây giống như là sự điều chỉnh do định giá của HPG đã tăng mạnh trước khi cả giá thép tăng vào nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018, trong đó đóng góp không nhỏ từ sự tăng giá chung của cả thị trường Việt Nam trong giai đoạn đó. Vì vậy, giá cổ phiếu đã điều chỉnh sau đó là không quá khó hiểu. Tuy nhiên, sự sụt giảm của giá thép Trung Quốc rõ ràng cũng đã khiến cho P/E của HPG bị giảm mạnh giai đoạn gần đây.
Diễn biến giá thép Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực tới giá cổ phiếu HPG
Nhà đầu tư đang phản ứng dựa theo giá thép Trung Quốc vì đây là chỉ báo dẫn đầu cho xu hướng giá thép nội địa. Giá thép Trung Quốc sụt giảm với nguồn cung dư thừa, và sự mất giá mạnh của đồng NDT gần đây cho thấy thép Trung Quốc có thể sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam, mặc dù thuế nhập khẩu rất cao 12-20%.
Ngoài ra, tin tức gần đây về việc Chính phủ Trung Quốc nới lỏng các tiêu chuẩn môi trường đối với sản xuất thép (ngừng cấm sản xuất vào mùa đông + có thể sử dụng quặng sắt cấp thấp) cho thấy các nhà sản xuất thép Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn so với các nhà sản xuất Việt Nam và cũng đảo ngược xu hướng sụt giảm gần đây của giá quặng sắt cấp thấp (58% Fe) đã làm ảnh hưởng biên lợi nhuận của các nhà sản xuất sử dụng lò thổi oxy với quặng sắt cấp thấp chiếm tỷ trọng cao (ví dụ HPG).
Tất cả đều xảy ra cùng lúc khi HPG chuẩn bị tung ra một lượng lớn thép dài trên thị trường với khu phức hợp Dung Quất dự kiến sắp đi vào hoạt động.
Những thông tin trên liệu có quá tiêu cực?
VNDIRECT cho rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể trở nên xấu hơn so với dự báo. Với mức tăng trưởng thực tế hiện nay ước tính gần đạt 4%, và việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc không thực sự hiệu quả, chi tiêu công có thể sẽ tăng lên. Và như thường lệ, thì khả năng sử dụng đến công cụ chi tiêu công sẽ được tính đến (khiến cho nhu cầu vật liệu xây dựng tăng lên).
Theo ông Lawrence Heavey, trưởng phòng Equity Sale của VNDIRECT, HPG đang trong vùng quá bán (dựa trên chỉ báo RSI) và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có dấu hiệu tạm lắng, và đây có thể là cơ hội để tích lũy khi giá cổ phiếu đang diễn biến tương đối yếu. Tuy nhiên cần phải quan sát kỹ giá thép Trung Quốc.
Trí Thức Trẻ