Giá thịt lợn tăng cao từng ngày, nhà nhà xoay sở để có bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, tiết kiệm trong thời bão giá
Cùng với hàng loạt những cơn “bão giá” trong thời kỳ lạm phát, giá thịt lợn tăng mạnh khiến người dân cần phải lựa chọn những giải pháp phù hợp để cân bằng chi tiêu. Trong đó, những giải pháp tối ưu được chia sẻ như lựa chọn thực phẩm thay thế, cắt giảm các khoản chi tiêu khác hoặc nhờ vận chuyển từ quê lên…
- 25-07-2022"Bão giá" khiến cặp vợ chồng Hà Nội kiếm 50 triệu/tháng chỉ đủ tiêu, nếu thu nhập giảm là không tích cóp nổi
- 22-07-2022Đây là kiểu người sẽ giàu lên trong lạm phát và 3 lời khuyên của Shark Bình để đứng vững trước bão giá
- 21-07-2022Người trẻ chật vật đương đầu với “bão giá”
Trong những ngày cuối tháng 7, giá thịt lợn bất ngờ tăng đột biến, trung bình mỗi ngày tăng thêm từ 1-3 nghìn đồng. Theo báo Tin Tức, ngày 25/7, ở TP Hồ Chí Minh, giá thịt lợn hơi đã tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 6.
Cụ thể, tại chợ Bàn Cờ (Quận 3), giá thịt cốt lết dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, thịt ba rọi từ 140.000 - 160.000 đồng/kg, sườn non rút xương 230.000 đồng/kg... Trong khi đó, tại chợ Thủ Đức (thành phố Thủ Đức), chợ Căn Cứ (quận Gò Vấp), giá thịt sườn non rút xương dao động từ 200.000 - 220.000 đồng/kg, thịt ba rọi từ 130.000 - 150.000 đồng/kg, thịt đùi từ 100.000 - 130.000 đồng/kg…
Người dân chưa kịp vui mừng khi giá xăng giảm đã phải “xoay sở” để đối phó với “bão giá” thịt lợn. Bởi lẽ, với nhiều người dân và các hộ gia đình ở Việt Nam, thịt lợn đã trở thành một phần không thể thiếu trong các bữa ăn không chỉ vì chất dinh dưỡng mà còn vì thói quen ăn uống. Trong tình hình giá thịt lợn chưa có dấu hiệu giảm, người dân đã dùng nhiều cách đối phó để đảm bảo bữa ăn gia đình.
Chế biến sáng tạo, những bữa ăn không chỉ có thịt lợn
Sau nhiều năm sinh viên sống xa nhà Vi Đức Vượng (sinh năm 2001) đã ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe đối với bản thân mỗi người, đặc biệt là những người trẻ. Cậu sinh viên 10x hiện tại đang sống trong một ngôi nhà thuê nguyên căn cùng các anh chị thân quen. Bản thân Vượng luôn là người đi chợ và đảm nhiệm việc nấu nướng cho gia đình thứ 2 của mình.
Vi Đức Vượng , sinh năm 2001, sống tại Hà Nội
“Giá thịt lợn những ngày qua tăng liên tục khiến bản thân mình ban đầu cũng hơi ngỡ ngàng. Nếu ngày trước, chỉ cần 60-80 nghìn thịt lợn đã đủ cho 6 người ăn và chỉ cần vài chục nghìn mua thêm các loại rau củ khác. Tuy nhiên, với giá thịt lợn đã tăng đến mức gần 140 nghìn/kg như hiện tại, mình đã chuyển qua các loại nguyên liệu khác”, Vượng chia sẻ.
Bữa cơm với nhiều món ăn đa dạng nhiều chất dinh dưỡng thay thế thịt lợn (Hình ảnh NVCC)
Đa dạng thêm các loại thực phẩm (Hình ảnh NVCC)
Đức Vượng cũng cho biết, sở dĩ thịt lợn tăng giá ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của gia đình cũng bởi vì tính chất dễ chế biến và mùi vị quen thuộc. Tuy nhiên, với các nguyên liệu khác, chỉ cần bỏ thêm chút thời gian, chúng ta vẫn có thể có được những món ăn thay thế rất chất lượng.
“Các anh chị trong gia đình mình đều đã đi làm, công việc công sở khá vất vả, chưa kể thời gian di chuyển mất nhiều thời gian do tình trạng tắc đường ở Hà Nội vào giờ tan tầm nên khi về đến nhà, mọi người cũng khá mệt rồi. Mình cố gắng đi chợ, mua những thực phẩm thay thế như cá, thịt gà… và bỏ thêm chút thời gian chế biến. Như vậy vẫn đảm bảo được dinh dưỡng mà vẫn ngon miệng nữa”, Vượng nói.
Cũng là một người luôn để ý chất lượng dinh dưỡng trong các bữa ăn của gia đình, chị Trần Ngọc Huế (42 tuổi, Hà Đông) những ngày qua đã cố gắng dùng các nguyên liệu khác để thay thế thịt lợn.
“Vì trong nhà có các con đang ở độ tuổi phát triển nên tôi cố gắng cân bằng các chất dinh dưỡng có trong các món ăn. Với kinh nghiệm nội trợ nhiều năm, tôi dễ dàng chọn những thực phẩm có chất dinh dưỡng tương đương để thay thế thịt lợn trong những thời điểm giá cả chạm đỉnh như thế này”, chị Huế nói.
Chị cho biết, trong thịt lợn có các chất như protein, canxi, mỡ, photpho, kẽm, vitamin A… Số lượng các chất phân bố khác nhau ở các loại thịt khác nhau như ba rọi, thịt nạc, mỡ… Vì vậy, chỉ cần bỏ chút thời gian tìm hiểu là những người phụ nữ của gia đình như chị đã có thể tìm được những thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng phù hợp.
Hình ảnh minh hoạ
“Tôi thường lựa chọn trứng và thịt gà vì có hàm lượng protein khá cao. Hơn nữa, thực phẩm này cũng rất dễ chế biến, một số món phổ biến có thể kể đến như: canh gà nấu lá giang, gà kho gừng, gà hầm rau củ… Những loại động vật như cua, sò, tôm, hàu… cũng là sự lựa chọn tốt để bổ xung chất kẽm. Tôi cũng hay mua nấm để tăng thêm vitamin cho bữa ăn”, chị Huế chia sẻ. Chỉ với một chút thời gian tìm hiểu kiến thức về thực phẩm đã giúp gia đình chị Huế luôn có những bữa cơm hài lòng.
Thay đổi thói quen chi tiêu
Không giống như chị Huệ và Đức Vượng, đa dạng cách chế biến và bổ sung thêm nhiều món ăn thay thế không phải lựa chọn phù hợp với bạn Vũ Ngọc Mến (21 tuổi, học tại Thái Nguyên). “Mình sống một mình, ngoài thời gian đi học, mình còn phải đi làm thêm. Các bữa ăn được nấu đơn giản nhất có thể để tiết kiệm thời gian cũng như chi phí. Thịt lợn luôn là một sự lựa chọn tối ưu vì dễ chế biến và giàu chất dinh dưỡng”, Mến nói.
Vũ Ngọc Mến, Thái Nguyên
Vì khoảng thời gian eo hẹp và cũng chỉ sống một mình nên việc đa dạng nhiều món ăn với những sinh viên như Mến tốn kém rất nhiều chi phí, thậm chí gấp nhiều lần so với giá thịt lợn tăng.
“Mình cũng khá xót ruột vì giá thịt lợn tăng. Mùa hè đến, mình đã phải chi một khoản tiền lớn cho chi phí điện nước, nay tiền ăn cũng tăng khiến mình khá khó khăn. Tuy nhiên mình lựa chọn cách cắt giảm các khoản chi tiêu khác như tiền uống cafe, trà sữa cùng bạn bè, hạn chế ăn ngoài”, Mến chia sẻ.
Bạn Mến tính toán chi tiết như sau: “Một suất cơm hoặc bún, phở ở ngoài cửa hàng có giá dao động từ 25-40 nghìn loại bình dân. Lúc trước mình thường ăn sáng ở ngoài nhưng giờ mình sẽ chịu khó dậy sớm hơn để nấu mì hoặc rang cơm ăn. Những hôm đi làm thêm thông trưa, mình cũng mang cơm hộp vì ở chỗ làm có lò vi sóng. Điều đó giúp mình tiết kiệm được khoản tiền lớn cũng như kiểm soát được chất lượng thực phẩm”
Lựa chọn thực phẩm gửi từ quê
Định cư ở Hà Nội cũng đã gần 20 năm nay, chị Trần Ngọc Bích (45 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã quá quen với những chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố lớn, đặc biệt trong thời điểm lạm phát như hiện nay. Chị và những hộ dân thân thiết trong khu dân cư thường cùng nhau nhờ họ hàng dưới quê gửi thực phẩm lên để tiết kiệm phần nào chi phí nhưng quan trọng hơn là có được sự an tâm về chất lượng thực phẩm.
Hình ảnh minh hoạ
“Mỗi lần giá thịt lợn tăng, tôi lại lo ngại về chất lượng nhiều hơn. Tôi sợ nhiều người bán hàng không có tâm, lợi dụng tình hình giá cả tăng vọt, trà trộn những lô thịt lợn kém chất lượng để nhằm thu lợi gấp nhiều lần. Dù hiện tại đã có nhiều hệ thống siêu thị chất lượng nhưng tôi vẫn lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm”, chị Bích nói.
“Thật may là hiện tại giá xăng đã giảm nên rất tiện để gửi thực phẩm từ dưới quê lên. Tôi thường nhờ họ hàng mua một con lợn sạch của hộ dân nào đó ở quê, thuê thịt rồi cho vào thùng đá, gửi xe khách lên Hà Nội. Cách làm như vậy vừa tiết kiệm chi phí, vừa yên tâm”
Hiện tại giá thịt lợn vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong thời kỳ mọi vật giá leo thang, giá thịt lợn tăng khiến người dân phải gánh thêm một phần áp lực tài chính. Mỗi người cần tìm cho mình một giải pháp phù hợp trước khi chờ những biện pháp điều chỉnh giá của cơ quan nhà nước.