Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao chưa từng có, người chăn nuôi chọn phương án an toàn nhất là giảm đàn
Xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, đẩy giá thức ăn chăn nuôi (TACN) ở mức cao chưa từng có, trong khi đó dịch tả heo châu Phi đang xảy ra tại một số địa phương và có nguy cơ tái phát trên diện rộng.
- 12-04-2022Giá thức ăn chăn nuôi tăng 13 lần: Quên 'mỏ vàng' trong nước
- 08-04-2022Lỗ, bỏ chuồng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục
- 31-03-2022Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng mạnh
Trong quý I/2022, chăn nuôi cả nước vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào ở mức cao, giá TACN biến động mạnh, thêm vào đó là giá xăng dầu tăng cao đã gây áp lực đến các hoạt động chăn nuôi cả nước.
Ngày 19/4, giá heo hơi tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 53.000 - 56.000 đồng/kg, tại miền Trung - Tây Nguyên dao động trong khoảng từ 52.000 - 57.000 đồng/kg, còn tại miền Nam giá heo hơi hôm nay dao động trong khoảng từ 54.000 - 58.000 đồng/kg.
Đầu vào tăng cao nhưng sản phẩm bán ra đang ở mức thấp buộc người chăn nuôi phải giảm đàn, làm ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi heo trong nước.
Doanh nghiệp năm giữ 80% tổng số đàn heo
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước cho biết từ đầu tháng 2/2022, giá TACN tăng lên 3 lần và người chăn nuôi phải trả thêm 30.000 đồng/bao cám.
Trong khi 01 con heo từ cai sữa đến xuất chuồng ăn trung bình 10 bao cám, như vậy giá thành đội lên 300.000 đồng, các dịch vụ khác tăng tối thiểu 55.000 đồng. Trại chăn nuôi tự chủ đầu vào từ A đến Z thì giá thành khoảng 55.000 đồng/kg heo hơi, còn với người nuôi phải mua con giống và các thứ thì giá thành ở mức 60.000 đồng/kg.
Tuần trước giá heo hơi tại Đồng Nai dưới mức 55.000 đồng/kg, hôm nay tăng lên trên 55.000 đồng/kg. Giá bán này người chăn nuôi đang bị lỗ, chỉ những doanh nghiệp có quy trình chăn nuôi khép kín sản xuất được con giống, chủ động các dịch vụ chăn nuôi và TACN còn được giảm 10% VAT nên có lời. Đặc biệt, các doanh nghiệp này không phụ thuộc vào giá heo hơi trên thị trường vì họ có chuỗi giết mổ và phân phối ra thị trường.
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, từ đầu tháng 3/2022, khi các trận mưa đầu mùa đổ xuống dịch tả heo châu Phi quay trở lại khiến người chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá TACN tăng cao chưa từng có, dịch tả heo Châu Phi và giá heo hơi trên thị trường.
"Trước điều kiện chăn nuôi hết sức khó khăn như vậy người chăn nuôi vẫn "bám trụ" chứ không treo chuồng, vì nếu treo chuồng thì họ không biết làm gì khác và họ chọn phương án an toàn nhất là giảm đàn", ông Đoán nói.
Theo số thống kê, trước đây các doanh nghiệp chỉ chiếm 20% tổng đàn heo trong tỉnh còn lại 80% là của người nông dân, nhưng bây giờ 80% là của doanh nghiệp, 20% còn lại thuộc về nông dân. Các doanh nghiệp lớn sản xuất theo chuỗi nên họ có thể cung ứng đầy đủ các dịch vụ từ con giống, kỹ thuật, TACN và thuốc thú y …
Dần dần ngành chăn nuôi sẽ đi vào nề nếp và quản lý được chất lượng sản phẩm từ đầu vào cũng như chất lượng đầu ra, và hướng đi này phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.
Ở các nước phương Tây người chăn nuôi chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 3% đến 5% nhưng vẫn đủ cung ứng một lượng hàng hóa lớn cho thị trường và Việt Nam bây giờ cũng như vậy.
Hiện nay có nhiều trại nuôi liên kết với doanh nghiệp lớn bằng hình thức nuôi gia công, doanh nghiệp chịu trách nhiệm mọi mặt từ tác động môi trường đến đứng tên xin giấy phép chăn nuôi. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ cung cấp các dịch vụ liên quan đến chăn nuôi như tinh heo, thuốc thú y, TACN, … nhưng không thu mua lại sản phẩm mà để người dân bán tự do, doanh nghiệp chỉ thu lợi từ việc cung ứng các dịch vụ chăn nuôi. Với cách làm này các công ty nắm hết các vấn đề và cả lượng heo hơi cung ứng ra thị trường của các trại.
Trong mối liên kết này tiếng nói của người nông dân rất có trọng lượng vì doanh nghiệp sợ mất "miếng bánh" có được từ trại chăn nuôi, nên tìm đủ mọi cách để giữ chân người nông dân. Bởi khi liên kết được với nông dân doanh nghiệp sẽ tăng tiêu thụ con giống, tinh heo, TACN, thuốc thú y, … và các dịch vụ này luôn mang lại lợi nhuận cho đơn vị cung cấp không dưới 10%.
Còn hạn chế về năng lực giết mổ gia súc
Giải thích về việc doanh nghiệp liên kết nhưng thu mua lại sản phẩm của người chăn nuôi ông Đoán cho biết, trước đây công ty Masan liên kết và có thu mua lại sản phẩm nhưng chỉ được hơn 01 năm thì ngừng do không đủ năng lực giết mổ.
"Xét về khả năng lấy nguồn heo từ các trại nuôi gia công để giết mổ hiện nay chỉ có Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam, còn lại các công ty khác chỉ liên kết để cung ứng dịch vụ do năng lực giới hạn.
Muốn thu mua lại sản phẩm bắt buộc doanh nghiệp phải mở rộng cơ sở giết mổ, nhưng trong điều kiện thị trường chăn nuôi như hiện nay họ sẽ không dám đầu tư thêm vì việc thu gom sản phẩm từ các vùng miền liên quan đến vận chuyển heo hơi sẽ gây hao hụt lớn", Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nhận định.
Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, giá một số nguyên liệu TACN giữ ở mức cao từ cuối tháng trước do ảnh hưởng của thị trường nguyên liệu TACN thế giới tăng mạnh trong bối cảnh chiến tranh giữa Nga - Ucraina.
Giá TACN thế giới tăng đã ngay lập tức ảnh hưởng tới thị trường nguyên liệu TACN nhập khẩu trong nước. Sáng 11/4, giá ngô nhập khẩu tại cảng Cái Lân tăng thêm 200 đồng/kg lên khoảng 9.200 – 9.500 đồng/kg đối với hàng giao tháng 5, 6 và tháng 7. Đây là mức giá cao hơn từ 20 – 25% so với cuối năm 2021 và cao hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà máy sản xuất TACN đang đứng trước áp lực rất lớn, khi thời gian chốt giá các hợp đồng nhập khẩu đã đến gần, nhưng giá thế giới vẫn ở mức cao và các sản phẩm đầu ra như giá heo, gà vẫn chưa có dấu hiệu tích cực.
BizLive