MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá USD ngân hàng vẫn tiếp tục tăng

29-06-2018 - 09:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Sáng nay ngày 29/6, các ngân hàng thương mại tiếp tục nâng giá USD khi NHNN có phiên tăng tỷ giá trung tâm thứ 4 liên tiếp. Hiện giá bán USD đã tiệm cận vùng 23.000 đồng.

Tại Vietcombank, giá USD đầu giờ sáng được niêm yết ở mức 22.915 – 22.985 đồng (mua vào – bán ra), tăng 15 đồng so với ngày hôm qua. BIDV trong khi đó báo giá USD là 22.920 – 22.990 đồng.

Tỷ giá tại ngân hàng Eximbank là 22.900 – 22.990 đồng, tăng 10 đồng so với cuối giờ giao dịch ngày hôm qua.

Ngân hàng Techcombank tăng giá mua vào thêm 20 đồng và giá bán ra thêm 10 đồng so với hôm qua, hiện cũng niêm yết ở mức 22.900 – 22.990 đồng.

Ngân hàng Sacombank báo giá USD ở mức 22.930 – 22.995 đồng, tăng 16 đồng mua vào nhưng giảm 2 đồng bán ra so với hôm qua. Đây cũng là ngân hàng đang niêm yết tỷ giá ở mức cao nhất.

Tại các ngân hàng nhỏ hơn, tỷ giá sáng nay chưa có sự điều chỉnh. Hiện giá USD tại ngân hàng NCB là 22.890 – 22.990 đồng, cũng tương đương mức ở OCB.

Tại Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm niêm yết cho ngày 29/6 là 22.650 đồng, tăng thêm 5 đồng so với hôm qua và cũng là phiên tăng thứ 4 liên tiếp trong tuần này. Với biên độ +/-3%, các ngân hàng thương mại hôm nay được giao dịch giá trần là 23.329 đồng và giá sàn ở mức 21.970 đồng.

Tỷ giá tại Sở giao dịch ngân hàng Nhà nước ở mức 22.700 – 23.310 đồng.

Trên thị trường tự do, giá USD tại một số điểm thua mua vẫn duy trì mức trên dưới 23.100 đồng, cao hơn USD ngân hàng.

Lý giải về nguyên nhân làm tăng tỷ giá, Phó tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại tư nhân thuộc top 5 cho rằng, tác động từ thị trường thế giới. Fed đã 2 lần tăng lãi suất kể từ đầu năm tới nay và để ngỏ khả năng tiếp tục tăng thêm 2 lần nữa, trong khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc (1 trong 8 đồng tiền được dùng làm cơ sở tính tỷ giá trung tâm) gần đây yếu đi do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tỷ giá tăng còn bởi nhu cầu USD gia tăng khi các doanh nghiệp chuẩn bị vốn để nhập hàng cho đợt sản xuất kinh doanh cuối năm.

Còn một nguyên do quan trọng nữa tác động lên thị trường ngoại tệ mấy ngày qua đó là thông tin Ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB) dừng buôn bán ngoại tệ tiền mặt trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. UOB là đối tác nhập khẩu rất lớn ngoại tệ tiền mặt của các ngân hàng tại Việt Nam.

Giá USD tăng cao có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi họ cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới, nhưng phần lớn các ý kiến vẫn quan ngại bởi điều này sẽ ảnh hưởng không tốt tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, bởi nó sẽ kéo theo một loạt các chi phí như là giá xăng dầu, phí vận chuyển, giá nhập khẩu nguyên liệu…lên theo.

Dù USD tăng giá liên tục, hiện đã lên vùng cao nhất từ trước tới nay, nhưng Ngân hàng Nhà nước trong khi đó vẫn chưa có tín hiệu nào rõ ràng cho thấy có sự can thiệp vào thị trường. Cơ quan quản lý chỉ phát đi thông điệp trong báo cáo hàng tuần, rằng sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

Dẫu vậy, một số chuyên gia cho rằng, tỷ giá tăng khoảng 1,3% so với đầu năm, cao hơn hẳn mức tăng cùng kỳ vài năm gần đây, song chưa phải lo ngại vì đó là xu hướng chung. Và họ, ví dụ như công ty chứng khoán HSC, dự báo tỷ giá năm nay sẽ biến động khoảng 2%, đồng thời nhận định nếu tỷ giá biến động trên 2% mới cần phải chú ý.

TS. Phan Minh Ngọc, một chuyên gia đang công tác tại Singapore nhưng theo dõi khát sát thị trường tiền tệ Việt Nam, thậm chí còn khuyến nghị rằng nên sống chung với đồng USD mạnh, điều cần quan tâm là làm cách nào thích nghi được với xu thế này để giảm thiểu những thiệt hại, nếu có, cho toàn bộ nền kinh tế cũng như với từng chủ thể kinh tế.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên