Giá vàng cao nhất 8 tháng, nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá nhanh
Đồng USD ít thay đổi so với đồng euro và các loại tiền tệ chính khác trong phiên thứ Ba (10/1), dao động quanh mức thấp nhất trong vòng 7 tháng khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo về lạm phát của Mỹ - một dữ liệu quan trọng sẽ được công bố vào cuối tuần.
- 10-01-2023USD chạm đáy 7 tháng, vàng và Bitcoin tăng mạnh
- 10-01-2023Sát Tết, thị trường vàng, USD ảm đạm
Đồng euro lúc kết thúc ngày 10/1 theo giờ Việt Nam tăng 0,01% so với đồng bạc xanh lên 1,0733 USD, không xa so với mức cao nhất trong vòng 7 tháng, là 1,07605 USD đạt được vào thứ Hai (9/1). Bảng Anh giảm 0,24% xuống còn 1,2151 USD, cũng không xa so với mức cao nhất trong 3 tuần chạm tới vào phiên trước.
Đồng đô la đang có xu hướng giảm khi những người tham gia thị trường đặt câu hỏi liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tăng lãi suất vượt quá 5% để kiềm chế lạm phát hay không, khi mà bắt đầu xuất hiện một số tác động của việc tăng lãi suất mạnh vào năm ngoái.
Dữ liệu tuần trước cho thấy mặc dù nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm việc làm ở mức ổn định trong tháng 12, nhưng tăng trưởng tiền lương đã chậm lại, trong khi một báo cáo khác cho thấy hoạt động dịch vụ suy yếu.
Các nhà đầu tư hiện dự đoán lãi suất sẽ đạt đỉnh dưới 5% vào tháng 6, trước khi bắt đầu giảm vào cuối năm.
Chủ tịch Ngân hàng Fed Atlanta, Raphael Bostic, và Chủ tịch Fed San Francisco, Mary Daly, hôm 9/1 cho biết lãi suất sẽ còn tiếp tục tăng và sẽ duy trì ở mức cao.
Nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tránh nói về việc tăng lãi suất trong một bài phát biểu tại Thụy Điển hôm 10/1.
Win Thin, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ toàn cầu của Brown Brothers Harriman, cho biết: "Cho đến khi có thêm những tình tiết mới về việc Fed sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ, đồng USD có thể vẫn chịu áp lực".
Đà giảm của đồng USD tạm dừng khi các nhà giao dịch chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận thông tin về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ vào thứ Năm (11/1).
"Các thị trường khá trầm lắng khi nhà đầu tư giảm mức độ tiếp xúc với đồng USD trước khi dữ liệu CPI được công bố, và vẫn có một yếu tố rủi ro khá lớn là tình trạng lạm phát của Mỹ vẫn còn dai dẳng và Fed đã làm đúng, và họ sẽ phải giữ đà tăng lãi suất trong thời gian dài hơn", Simon Harvey, trưởng bộ phận phân tích ngoại hối của Monex Europe cho biết.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các tiền tệ đối tác chủ chốt, trong đó đồng euro chiếm tỷ trọng lớn nhất – lúc kết thúc ngày 10/1 theo giờ Việt Nam tăng 0,097% lên 103,27, sau khi giảm 0,7% và chạm mức thấp nhất trong 7 tháng là 102,93 trong phiên trước đó.
Việc Trung Quốc nhanh chóng mở cửa biên giới trở lại sau khi xóa bỏ những hạn chế chống Covid-19 cũng tạo ra một động lực khác đối với các tài sản và tiền tệ rủi ro trong tuần này, làm giảm sức hấp dẫn của đồng bạc xanh với vai trò nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt là các loại tiền tệ có mối quan hệ với Trung Quốc.
Đồng đô la Úc, vốn nhạy cảm với các thông tin từ Trung Quốc, hôm 9/1 đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 4 tháng, là 0,6950 USD, cuối phiên 10/1 giảm nhẹ 0,51% xuống 0,6878 USD.
Đồng đô la giảm 0,13% so với yen Nhật trong phiên vừa qua, xuống 132,065 JPY. Đồng tiền Nhật Bản đã mạnh lên trên diện rộng sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bất ngờ điều chỉnh chính sách đường cong lợi suất vào cuối năm ngoái.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục tăng giá so với đồng USD bởi sự lạc quan của nhà đầu tư đối với việc nước này mở cửa biên giới trở lại. Trên thị trường quốc tế sáng 10/1, nhân dân tệ giao dịch ở mức cao nhất 5 tháng, là 6,7590 CNH, sau đó hạ nhẹ xuống 6,7878 CNH.
Trên thị trường nội địa, nhân dân tệ cũng tâng 32 pip trong phiên vừa qua, lên 6,7698 CNY.
Tuy nhiên, các thương nhân cho biết đà tăng giá của đồng nhân dân tệ đã bị hạn chế sau khi đồng tiền Trung Quốc đạt mốc quan trọng 6,75 CNY/USD – mức mà một số khách hàng doanh nghiệp vội vàng tận dụng đồng đô la giảm giá để mua vào.
Đồng nhân dân tệ đã tăng khoảng 2% so với đồng đô la trong năm nay và đảo ngược phần lớn mức giảm của năm 2022 – năm giảm nhiều nhất trong 28 năm, được thúc đẩy bởi triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh mở cửa lại biên giới và dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế Covid-19 nhanh hơn dự kiến.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng CNY sẽ mạnh hơn nữa từ đây vào nửa đầu năm 2023 và điều chỉnh mục tiêu tỷ giá CNY/USD trong 12 tháng lên 6,65".
"Sức mạnh sẽ gia tăng trong nửa đầu năm, trước khi giảm nhẹ vào nửa cuối năm, khi hoạt động du lịch nước ngoài hồi phục hơn nữa".
Tuy nhiên, một số thương nhân cho biết việc đồng nhân dân tệ tăng giá nhanh kể từ đầu năm có thể không bền vững, vì mức tăng một phần là kết quả của nhu cầu từ phía doanh nghiệp theo mùa.
"Sức mạnh ngắn hạn có thể đã kết thúc. Tốc độ tăng hơi quá nhanh", một thương nhân của một ngân hàng địa phương cho biết.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc thường chuyển đổi nhiều khoản thu ngoại hối của họ sang nhân dân tệ cho các khoản thanh toán khác nhau, bao gồm các đơn đặt hàng và tiền thưởng, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần, bắt đầu vào ngày 21 tháng 1.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm trong phiên vừa qua, sau khi tăng mạnh vượt 17.000 USD. Lúc kết thúc ngày 10/1 theo giờ Việt Nam, Bitcoin ở mức 17.317 USD.
Giá Bitcoin ngày 10/11.
Giá vàng ổn định gần mức cao nhất trong 8 tháng vào thứ Ba, được hỗ trợ bởi đồng USD yếu hơn và hy vọng Mỹ tăng lãi suất chậm hơn sau khi ông Jerome Powell không cung cấp rõ ràng hơn về lộ trình thắt chặt.
Kết thúc ngày 10/1 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.876,39 USD/ounce, sau khi hôm thứ Hai (9/1) đạt mức cao nhất kể từ ngày 9 tháng 5. Giá vàng kỳ hạn tương lai tăng 0,2% lên 1.881,90 USD.
Edward Moya, nhà phân tích cao cấp của OANDA, cho biết: "Vàng đã có một đợt tăng giá tốt và đồng đô la đang suy yếu... Fed cuối cùng sẽ rút lại quan điểm tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Nhưng chúng ta sẽ không chứng kiến một đợt phục hồi lớn nào trước khi có báo cáo lạm phát".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nhịp sống thị trường