Giá vàng giảm nhanh bất thường có phải thời điểm đầu tư?
Giá vàng trong nước đang có xu hướng giảm khiến nhiều người quan tâm đến việc mua vào, nhưng cần xem xét các yếu tố liên quan tránh theo tâm lý đám đông.
- 08-10-2022Bộ Tài chính: Nhà nước không quy định chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu
- 08-10-2022Thị trường ngày 8/10: Giá dầu lên mức cao nhất 5 tuần, ngũ cốc đồng loạt tăng, vàng, đồng tiếp đà giảm
- 08-10-2022Tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ 11/10
Giá vàng trong nước từ đầu năm đến nay liên tục neo ở mức cao, có thời điểm vượt mức 74 triệu đồng/lượng như hồi tháng 3/2022. Sau đó giá vàng có xu hướng suy giảm chậm về vùng dưới 70 triệu đồng/lượng từ nhiều tháng nay. Giá vàng không có đột biến, dao động tăng - giảm trong khoảng 100.000 đồng/lượng qua mỗi phiên giao dịch. Nhu cầu vàng giảm thấp càng khiến thị trường vàng trong nước kém sôi động.
Vàng mất giá cả triệu đồng mỗi lượng
Thời gian gần đây, giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng thương hiệu quốc gia SJC lại có dấu hiệu giảm giá nhanh. Tính riêng trong 2 tháng qua, giá vàng SJC đã giảm hơn 2 triệu đồng/lượng. Cao điểm ở phiên giao dịch ngày 6/10, giá vàng SJC giảm đến 600.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán. Hiện giá vàng SJC tại Hà Nội chiều 7/10 đang ở mức 64,90 – 65,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá vàng SJC giảm kéo theo giá một số thương hiệu vàng khác cũng giảm. Ngày 7/10, giá vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại Bảo Tín Minh Châu có giá 51,92 – 52,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 40.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng DOJI trong phiên 7/10 cũng giảm tương ứng. Giá mua vàng DOJI đang chỉ còn ở mức 64,47 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 65,70 triệu đồng/lượng, giảm hơn 400.000 đồng/lượng chiều mua; giảm 300.000 đồng/lượng giá bán ra so với phiên trước.
Thực tế tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội ngày 7/10 cho thấy, lượng giao dịch không nhiều, chỉ có một số ít cá nhân đến mua vàng trang sức phục vụ nhu cầu cưới - hỏi. Chị Nguyễn Hồng Vân (Bạch Mai, Hà Nội) - khách hàng mua lắc và nhẫn vàng trang sức ở phố Trần Nhân Tông cho biết, chị sắm mấy món trang sức vàng tặng con dâu vì nhà sắp có đám cưới.
“Mình không đầu tư nên cũng ít quan tâm giá cả, nhưng thấy giá vàng trang sức cũng không giảm là mấy vì mất công chế tác cầu kỳ nên vàng loại này giá thường ít thay đổi. Bạn bè mình có nhiều người dư tiền họ vẫn gửi ngân hàng vì lãi suất đang cao, đầu tư tiền giữ vàng lúc này lên xuống khó tính toán nên sẽ ít người quan tâm”, chị Vân cho biết.
Điểm đáng chú ý ở thời điểm này là khi giá vàng trong nước giảm mạnh nhưng giá vàng thế giới lại liên tục tăng cao. Khác với những thời điểm giá vàng thế giới giảm rất sâu (có khi về mức 1.620 USD/oz) nhưng giá vàng trong nước vẫn không có nhiều thay đổi, thậm chí còn tăng khiến chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường ngày càng nới rộng (có lúc lên gần 20 triệu đồng/lượng). Điều này cho thấy dường như ngày càng ít có sự liên thông giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội nhận định, giá USD gần đây tăng cao làm cho thị trường vàng càng trở nên ảm đạm. Vàng hiện nay đang mất đi tính hấp dẫn trong đầu tư vì tỷ lệ lợi nhuận rất thấp. Trong khi nhiều thị trường khác như bất động sản, lãi suất tiền gửi và các kênh huy động khác đang thu hút lượng vốn lớn từ người dân, đây là nguy cơ khiến vàng càng khó có cơ hội tăng giá.
Theo khuyến cáo của đại diện Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng đang tăng giảm thất thường, đặc biệt trong 10 ngày gần đây. Vì vậy nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch, thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.
Mua bán không theo xu hướng đám đông
Nhận định về giá vàng trong nước thời gian qua, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, dù thị trường có phần ảm đạm song hiện nay vẫn còn nhiều đối tượng quan tâm đến mặt hàng vàng, việc vàng tăng hay giảm giá chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Trong khi biến động giá của thương hiệu vàng SJC thường là mục tiêu của giới đầu cơ, thì thời điểm này đang bắt đầu mua cưới – hỏi nên nhu cầu mua vàng trang sức trong nước sẽ tăng lên.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết, theo thống kê của Hiệp hội vàng thế giới, trong khoảng 4 năm trở lại đây, riêng mặt hàng vàng trang sức của Việt Nam vẫn có tỷ lệ tăng trưởng từ 7% – 11%/năm. Đặc biệt, khi đời sống của người dân ngày càng được được nâng cao, nhu cầu trang sức từ đó tăng từ đó sẽ kéo theo nhu cầu mua sắm vàng.
Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, giá vàng trong nước vẫn còn phụ thuộc nhiều vào giá vàng thế giới. Bởi riêng với thị trường vàng nay đã trở thành quy luật, mỗi khi chỉ số USD tăng sẽ khiến giá vàng giảm và ngược lại, giá USD giảm lại sẽ khiến giá vàng tăng. “Trên thực tế, các nhà đầu tư tính toán lãi suất đầu tư bằng lãi suất đồng tiền, nên khi đồng USD tăng giá sẽ khiến lãi suất đầu tư tăng theo. Chính vì thế thời điểm này các nhà đầu tư đang đổ xô vào kênh tỷ giá ngoại tệ, nhưng đây cũng chỉ là kênh đầu tư ngắn hạn và nhất thời vì biến động của giá USD còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố phát sinh trong tương lai”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh.
Khuyến cáo nhà đầu tư và người dân quan tâm đến mặt hàng vàng trong thời điểm này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần nắm bắt và tổng hợp thông tin liên quan từ nhiều nguồn tin khác nhau để đưa ra quyết định đầu tư. “Lựa chọn mua hay bán vàng ở thời điểm bất kỳ phải có sự tính toán riêng, tuyệt đối không theo xu hướng và tâm lý đám đông, nhất là ở những thời điểm giá vàng có sự biến động lớn”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh lưu ý./.
VOV