MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải bài toán công trình lớn thiếu cát

02-03-2024 - 09:35 AM | Bất động sản

Dự án phải thi công cầm chừng, vừa làm vừa chờ do thiếu nguồn vật liệu san lấp là thực trạng, cũng là bài toán cần nhanh chóng giải quyết

Việc nhiều dự án lớn đồng loạt triển khai cộng thêm một số mỏ cát san lấp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngưng cung cấp dẫn đến tình trạng thiếu cát.

Nguy cơ lỡ tiến độ

Một trong những dự án trọng điểm đang trong tình trạng chờ nguồn cát san lấp là dự án Vành đai 3 TP HCM. Khởi công từ tháng 6-2023, dự án đang triển khai thi công kết cấu hầm, nền đường... Tuy nhiên, do thiếu nguồn cát san lấp nên phần đường tiến độ chưa như mong đợi.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho hay thời gian qua nhiều dự án lớn, cao tốc trục dọc, trục ngang ở thành phố và các tỉnh lân cận đồng loạt triển khai trong bối cảnh một số mỏ cát san lấp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngưng cung cấp. Điều này dẫn đến nguồn cát san lấp rất khan hiếm, ảnh hưởng tiến độ thi công dự án Vành đai 3 TP HCM, nhất là các gói thầu có khối lượng xử lý nền lớn.

Để tháo gỡ khó khăn, tại cuộc họp cuối tháng 12-2023, các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp thống nhất hỗ trợ cát đắp nền đường dự án Vành đai 3 TP HCM, đồng thời xem xét cấp phép khai thác nhiều mỏ cát. Tuy nhiên, nguồn cát cho dự án chưa được xác định vì đa số mỏ hết hạn khai thác và địa phương có chủ trương cung cấp cho dự án của tỉnh nhà hoặc dự án cao tốc khác.

Ngoài Vành đai 3, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên chuẩn bị vào giai đoạn cao điểm xử lý nền đất yếu, làm đường cũng "khát" cát san lấp.

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên thiếu vật liệu xử lý nền đất yếu

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên thiếu vật liệu xử lý nền đất yếu

Với dự án này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố, chủ đầu tư - cho biết chiều dài đường 2 bên kênh khoảng 64 km, ước cần 1,8 triệu m3 cát đắp nền. Tuy nhiên, nguồn cung nan giải khi những mỏ lớn ở An Giang, Đồng Tháp không được cấp phép vì vướng pháp lý.

Tương tự, báo cáo của chủ đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành cho thấy dự án này đang gặp khó về nguồn cát. Tổng khối lượng cát đắp còn lại cần huy động cho 8 gói thầu khoảng 1,2 triệu m3 nhưng cũng vì lý do nhiều địa phương có mỏ cát chỉ cho phép sử dụng nguồn vật liệu cho công trình trên địa bàn tỉnh nên cao tốc Bến Lức - Long Thành phải thi công cầm chừng, vừa làm vừa chờ.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang gặp khó do thiếu nguồn cung cát

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang gặp khó do thiếu nguồn cung cát

Tính nhiều phương án

Thiếu cát san lấp là tình trạng chung diễn ra ở nhiều dự án lớn khắp cả nước. Để hạn chế ảnh hưởng tiến độ dự án, nhiều chủ đầu tư đề xuất sử dụng cát biển thay thế.

Đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư các tuyến cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long - cho biết đơn vị này đã thí điểm dùng cát biển thay thế cát san lấp tại dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Đến nay qua các kỳ quan trắc cho thấy vẫn chưa có bất thường. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng giới thiệu các nhà thầu đến 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để tham khảo các mỏ cát biển.

Đề xuất đáp án cho bài toán khan hiếm cát, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng tất cả dự án đang chậm và chựng lại vì thiếu cát đắp nền hạ là thực trạng và sẽ tiếp tục diễn ra trong 5 - 10 năm tới. Do đó để bảo đảm tính khả thi trong xây lắp thì việc thay đổi thiết kế cơ sở dự án từ nền hạ cát sang phương án bê-tông cầu cạn là phù hợp, việc này cả thế giới đang làm. Trước đó, dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương đã thi công, phần lớn là cầu cạn vượt tuyến.

Với những dự án đang triển khai như Vành đai 3, nếu cần thiết thì vẫn điều chỉnh thiết kế cơ sở để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Riêng những dự án sắp và sẽ triển khai trong thời gian tới, chủ đầu tư và tư vấn thiết kế cần nghiên cứu thay đổi thiết kế và giải pháp thi công. "Có như vậy, thành phố mới đạt mục tiêu theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội đề ra, không những phát triển hạ tầng mà còn kết nối hạ tầng khu vực trong xu hướng phát triển công nghiệp quốc gia" - TS Phạm Viết Thuận nhận định. 

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành quy định để cho phép áp dụng đại trà sử dụng cát biển thi công nền đường, giảm áp lực cho nguồn cát sông.

Tín hiệu tích cực

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, chủ đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP HCM - cho biết toàn dự án Vành đai 3 TP HCM cần 9,3 triệu m3 cát san lấp. Trong đó, năm 2024 cần khoảng 6 triệu m3 cát phục vụ công tác xử lý nền đất yếu, riêng TP HCM cần 4,5 triệu m3.

Vành đai 3 TP HCM cần 9,3 triệu m3 cát san lấp

Vành đai 3 TP HCM cần 9,3 triệu m3 cát san lấp

Để bảo đảm tiến độ tuyến chính cao tốc vào năm 2025, hoàn thành toàn bộ công trình năm 2026, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM có văn bản kiến nghị UBND thành phố báo cáo Chính phủ chỉ đạo, chủ trì tổ chức cuộc họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương có mỏ để lên phương án điều phối, giải quyết dứt điểm cát đắp nền, bảo đảm nguồn cung kịp thời cho dự án.

"Trước mắt, quý I/2024, tỉnh Vĩnh Long cung cấp ngay cho dự án 200.000 m3 cát và sớm cấp phép gia hạn 22 mỏ đang hết hạn giấy phép, điều phối khoảng 1,8 triệu m3 từ quý II/2024. Riêng tỉnh Tiền Giang hỗ trợ cấp 3,8 triệu m3 cát trong năm 2024, tỉnh Bến Tre khoảng 0,85 triệu m3 cát..." - ông Phúc cho hay.


Theo Thu Hồng

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên