Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ "tai bay vạ gió" chỉ vì dòng tweet về Hồng Kông, nguy cơ nhiều tỷ USD và nỗ lực trong mấy chục năm trời sẽ đổ bể
Sau nhiều thập kỷ nỗ lực, tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) đã tạo ra cả 1 cơ hội đáng giá nhiều tỷ USD ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những thành tựu đã mất công gầy dựng giờ đây đang bị đe dọa chỉ bởi 1 dòng tweet ngắn gọn dù nó đã nhanh chóng bị xóa đi.
- 16-09-2019Các khách sạn vắng ngắt và phòng nghỉ hạ giá: Du lịch Hồng Kông bị ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ đại dịch SARS
- 15-09-2019Chính phủ Trung Quốc hối thúc 100 doanh nghiệp nhà nước đổ tiền thâu tóm Hồng Kông
- 04-09-2019Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh trước thông tin dự luật dẫn độ bị khai tử
Cuối tuần trước, Daryl Morey, quản lý cấp cao của đội bóng Houston Rockets, đã đăng lên Twitter hình ảnh 1 câu slogan ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông. Dòng tweet ngay lập tức khiến người Trung Quốc nổi giận, "phủ bóng đen" lên một trong những đội bóng rổ nhà nghề Mỹ được ưa thích nhất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Công ty sản xuất đồ tập Li Ning và trung tâm thẻ tín dụng của ngân hàng Shanghai Pudong Development Bank đã tuyên bố tạm ngừng hợp tác với Rockets, trong khi đài truyền hình quốc gia CCTV và tập đoàn Tencent cho biết sẽ ngừng phát sóng những trận đấu của đội Houston Rockets.
Hôm qua, người dùng tìm kiếm các đồ vật liên quan đến đội Rockets trên các trang thương mại điện tử của Trung Quốc vận hành bởi JD.com và Alibaba cũng không tìm thấy bất cứ kết quả nào.
Ngay sau đó, Morey đã "đăng đàn" xin lỗi Trung Quốc và các fan hâm mộ. Tuy nhiên, chính động thái này cùng những thông tin về các cổ đông sở hữu Rockets và cả giải NBA lại khiến nước Mỹ sôi sục. Các nghị sĩ của bang Texas gồm Julian Castro, Ted Cruz và Beto O’Rourke đều lên Twitter thể hiện họ không hài lòng với thông báo này.
Vụ việc là minh chứng mới nhất cho thấy các doanh nghiệp quốc tế phải chịu sức ép như thế nào khi dính dáng đến vấn đề chính trị. Từ Starbucks đến Cathay Pacific, nhiều thương hiệu đã trở thành mục tiêu công kích của công chúng sau khi bày tỏ quan điểm. Tuy nhiên, phản ứng đối với NBA gay gắt hơn vì dường như cả thế giới thể thao đang bị kéo vào cuộc tranh luận.
Trong năm ngoái, ở Trung Quốc có khoảng 800 triệu người theo dõi giải NBA trên tivi, smartphone hay các thiết bị kỹ thuật số khác – cao hơn gần 2,5 lần so với toàn dân số Mỹ. Lượng xem khổng lồ mang đến cơ hội kinh doanh màu mỡ thông qua các chương trình tài trợ và nhượng quyền thương hiệu.
Giải NBA đã bắt đầu kinh doanh ở Trung Quốc từ cuối những năm 1980, khi đồng ý chia sẻ một phần doanh thu quảng cáo để các trận đấu được phép phát trên đài CCTV.
NBA cũng là giải đấu thể thao đầu tiên của Mỹ ghi đậm dấu ấn tại thị trường Trung Quốc. Một văn phòng được mở ra ở Hồng Kông năm 1992 và NBA China ra đời năm 2008. Hiện NBA có văn phòng ở nhiều thành phố Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải. Đã có hơn 20 trận đấu diễn ra tại Trung Quốc.
Năm 2016, nhà đầu tư Lizhang Jiang trở thành cổ đông thiểu số người Trung Quốc đầu tiên của NBA sau thương vụ mua một lượng nhỏ cổ phần tại đội Minnesota Timberwolves. Joe Tsai, đồng sáng lập của Alibaba, tháng trước vừa mua lại đội Brooklyn Nets.
Đầu năm nay, NBA mở rộng mối quan hệ hợp tác với ông lớn internet Tencent của Trung Quốc qua thỏa thuận kéo dài 5 năm trị giá 1,5 tỷ USD. Tencent cũng trở thành đối tác bên ngoài nước Mỹ lớn nhất của NBA.
Một đại diện của NBA chia sẻ với Bloomberg rằng hoạt động kinh doanh của NBA ở Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ 2 con số mỗi năm suốt từ 2008 đến nay.
Rockets là một trong những đội thể thao được yêu thích nhất ở châu Á, nguyên nhân chủ yếu do tuyển thủ "khổng lồ" Yao Ming đã giành toàn bộ sự nghiệp 8 năm để chơi bóng rổ ở Houston. Một cựu ngôi sao khác của đội Rockets là Tracy McGrady đã có sự nghiệp thành công rực rỡ ở Trung Quốc sau khi rời NBA. Ngoài ra, ở Houston tồn tại 1 cộng đồng đông đảo những người Mỹ gốc Hoa.